Thấy chết... vẫn phải bám lò gạch

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 11:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo công nhân ở các lò gạch, có nguy hiểm thế nào đi chăng nữa thì làm gạch vẫn là cách duy nhất để phát triển cuộc sống...
Bình luận 0

Khi đất lúa, hoa màu đã bị phá hủy vì các lò gạch, người dân khó có thể dựa vào nông nghiệp để sinh sống. Nhưng hướng đi mới cho người dân các vùng có lò gạch như Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn (Hà Nội) thì chính quyền các địa phương vẫn... chưa nghĩ ra.

... 6 người chết, đó là vụ tai nạn sập lò gạch kinh hoàng ở Phú Xuyên, Hà Nội cách đây 3 năm. Đến bây giờ, nhiều người dân ở đây vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến cái ngày tang thương ấy. Nhưng sợ là một chuyện, tiếp tục sản xuất gạch lại là chuyện khác.

img
Người dân thôn Lai Sơn xã Bắc Sơn, Hà Nội sống chủ yếu nhờ làm gạch.

Thấy chết... vẫn phải bám

Đến xã Khai Thái (Sóc Sơn) mới thấy không khí sản xuất gạch vẫn hết sức nhộn nhịp. Theo công nhân ở các lò gạch, có nguy hiểm thế nào đi chăng nữa thì làm gạch vẫn là cách duy nhất để phát triển cuộc sống, không thể trông chờ vào hai vụ lúa và một vụ đỗ mỗi năm. Hơn nữa, với diện tích hàng chục héc – ta đất ở khu vực bãi bồi sông Hồng trên địa bàn xã nếu không tận dụng hết thì… phí.

Nhiều người dân ở xã Khai Thái cho biết, trước đây, người dân quanh năm chỉ biết làm ruộng, chăn nuôi, cuộc sống vốn vô cùng vất vả. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi các lò gạch xuất hiện, thu nhập của từng hộ gia đình có sự thay đổi lớn. Mọi người vẫn biết là các lò gạch sẽ gây ảnh hưởng môi trường; năng suất lúa, hoa màu bị giảm nhưng những lúc nông nhàn, người dân đi làm thuê cho các lò gạch cũng kiếm được kha khá. Tính ra thu nhập hàng năm cũng tăng lên rất nhiều so với chỉ dựa vào làm nông nghiệp.

Theo phong trào làm gạch trong thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn), từ nhiều năm nay, các hộ dân liên tiếp xây dựng lò gạch khiến chính quyền không thể quản lý nổi. Anh Tuấn, một chủ lò ở thôn Lai Sơn cho biết:

“Sau vụ tai nạn vì ngộ độc khói than làm chết 3 người, chúng tôi mới thấy được hết các nguy hiểm từ lò gạch thủ công. Nhưng cũng vẫn phải tiếp tục làm. Có chăng là chúng tôi sẽ phải cẩn thận hơn. Vốn đâu mà làm ăn lớn. Tính sơ sơ, để đầu tư một lò gạch Tuynel, tổng các chi phí có khi lên tới gần 2 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc chưa thể tìm đầu ra cho sản phẩm ngay được.

Tôi đang tính cho lò hoạt động hết công suất để kiếm thêm chút vốn trước khi các lò gạch thủ công bị xóa sổ. Sau đó, có khi tôi sẽ vào thành phố tìm việc làm thuê trang trải cuộc sống. Ở vùng này mà bám vào đồng ruộng thì không thể sống được”.

Lao động về đâu?

Câu chuyện “khai tử” lò gạch và tìm hướng sản xuất mới cho một lượng lớn công nhân đang là vấn đề nóng của chính quyền những địa phương đang tồn tại lò gạch thủ công.

Ông Nguyễn Đình Tình - Chủ tịch UBND xã Khai Thái cho biết, ở địa phận xã, có tất cả 8 lò gạch đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.500 lao động. Kể từ khi nhà nước có quyết định cấm các lò gạch thủ công hoạt động, không chỉ người dân hoang mang, ngay cả chính quyền xã cũng hết sức băn khoăn trong việc tìm đầu ra cho số lao động này.

Cũng theo lời ông Tình, xã Khai Thái vốn chỉ dựa vào 2 nguồn thu chủ yếu từ lò gạch và làm nông nghiệp. Ở xã không hề có làng nghề hay bất cứ hình thức sản xuất nào khác. Sau khi bắt tay vào thực hiện Quyết định 115/2001/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiến tới xóa sổ các lò gạch thủ công, xã Khai Thái đã cử người đến nhiều làng nghề ở khắp cả nước để học nghề và tìm đầu ra cho các sản phẩm. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó thực hiện.

Người dân ở xã Khai Thái vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, không ai có tay nghề thủ công. Vì thế việc bắt tay vào sản xuất một ngành nghề mới chắc chắn sẽ có rất ít người hưởng ứng. Hơn nữa, việc đào tạo tay nghề phải cần một thời gian dài, tốn không ít kinh phí.

Tìm nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho những sản phẩm thủ công cũng hết sức khó khăn. Giải pháp duy nhất của chính quyền xã bây giờ chỉ gói gọn lại là sẽ tuyên truyền để các chủ lò gạch bắt tay vào làm lò gạch Tuynel. Nếu các chủ lò gặp khó khăn về vốn, xã sẽ đề nghị huyện, thành phố hỗ trợ...

Theo ông Nguyễn Văn Nguyệt - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội, vụ tai nạn kinh hoàng ở xã Bắc Sơn đã buộc chính quyền huyện phải ra văn bản chỉ đạo yêu cầu địa phương chấm dứt ngay hoạt động của các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, đây là việc không thể ngày một ngày hai mà thực hiện được.

Hàng chục ngàn lao động tại các lò gạch trên địa phận huyện Sóc Sơn vốn chỉ trông chờ vào các lò gạch để phát triển kinh tế. Sau khi đóng cửa các lò gạch, hướng giải quyết cho số lao động này thì huyện… chưa nghĩ ra.

Hiện chính quyền huyện đang từng bước tiến hành “xóa sổ” các lò gạch thủ công. Theo tính toán, phải đến hết năm 2012, các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện mới bị dẹp bỏ hoàn toàn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem