Chúng tôi đến thôn Lai Sơn vào đúng ngày tang thương ấy. Từ đầu đến cuối thôn, ai cũng sụt sùi nước mắt. Một gia đình có đến 3 người mất trong một đêm, thử hỏi còn nỗi đau nào sánh nổi!?
Mưu sinh rước hoạ
|
Khói từ lò gạch này đã hại chết 3 người nhà ông Nguyễn Văn Tý. |
Một số người dân ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn cho biết, tầm 5 giờ sáng ngày 15-11, khói từ lò gạch nhà ông Nguyễn Văn Tý bốc lên nồng nặc. Mọi người hoảng hốt chạy sang thì thấy có 5 người đang chìm trong trạng thái hôn mê, nằm la liệt khắp nhà.
Những người hôn mê lập tức được chở bằng ô tô lên Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn cấp cứu. Cho đến chiều ngày 15-11, có 3 người là ông Nguyễn Văn Tý (chủ lò), anh Nguyễn Văn Hiệp (con trai ông Tý), Vũ Văn Bình (em rể ông Tý) đã thiệt mạng vì bị ngộ độc khí than. Riêng anh Nguyễn Văn Trung (con rể ông Tý) vẫn đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ông Nguyễn Văn Tý vừa mới mở lò gạch được hơn 6 tháng nay. Theo nhiều người, cũng vì mới sản xuất gạch, còn ít kinh nghiệm nên ông Tý đã cho xây lò gạch ở gần nhà. Những ngày bình thường, khói lò gạch đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình. Buổi sáng hôm đó sương mù dày đặc khiến khói không thoát ra được cộng với sức khỏe yếu đã dẫn đến cái chết thương tâm của ông Tý cũng như em rể và con trai.
Việc khói lò gạch gây chết người đang khiến người dân ở xã Bắc Sơn lo sợ khi hàng chục, thậm chí là hàng trăm lò gạch ở đây vẫn đang ngày đêm nhả khói.
Anh Nguyễn Văn Đăng, một người dân sống gần khu lò gạch ở thôn Lai Sơn cho biết, các lò gạch mọc lên từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhưng đến bây giờ mới ghi nhận những người đầu tiên chết vì khói lò gạch. Còn ảnh hưởng nặng nề của lò gạch đến cuộc sống người dân xung quanh thì đã từ rất lâu rồi.
Trong làng, mọi người ở trong nhà thì phải đóng chặt cửa. Đi ra ngoài hầu hết phải bịt khẩu trang và có áo khoác ngoài để tránh thứ bụi đen kịt, độc hại thoát ra từ các lò gạch. Lúa, hoa màu và gia súc thì thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Cây trồng bị đốt cháy trước khi có thể thu hoạch. Gia súc gia cầm nuôi rất chậm lớn hoặc bị chết sớm. Mặc dù các chủ lò gạch đã có bồi thường thiệt hại cho những hộ dân sống gần đó nhưng mức đền bù vẫn chưa thỏa đáng so với mức độ thiệt hại.
Ném đá ao bèo
Trao đổi với NTNN, ông Tạ Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, xã Bắc Sơn là xã thuần nông, vì vậy cuộc sống của người dân tương đối nghèo và dựa hầu hết vào chăn nuôi và nguồn thu từ các lò gạch.
Việc xã có rất nhiều lò gạch thủ công, thô sơ đang hoạt động cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì thiếu kinh phí nên tất cả các lò gạch này đều thải khí trực tiếp ra môi trường mà không hề trải qua bất cứ quy trình, công nghệ xử lý nào.
Để giảm thiểu sự ảnh hưởng của các lò gạch cũng như thực hiện Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đến hết năm 2010, cả nước chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công, từ tháng 2-2010, chính quyền xã Bắc Sơn đã chính thức vào cuộc, ra văn bản cấm không được xây dựng và đình chỉ với các hộ đang tiến hành sản xuất gạch. Bên cạnh đó, các hộ này cũng đã được hướng dẫn để từng bước phá bỏ lò gạch cũ để chuyển hướng sang gạch Tuynel và gạch không nung. Thế nhưng, tất cả các biện pháp đều không có tác dụng.
Các cán bộ xã khi tiến hành xử phạt các chủ lò mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính 2 triệu đồng, quá thấp so với lợi nhuận mà các chủ lò thu được khi thị trường gạch đang “nóng”, nhu cầu tiêu thụ cao. Chính quyền xã cũng đã bộc lộ sự yếu kém trong khâu quản lý khi không những không có biện pháp cứng rắn với các lò gạch đang hoạt động mà còn để những lò gạch mới tiếp tục mọc lên. Nhiều lò gạch đã xây dựng và đi vào hoạt động được nhiều tháng nay chính quyền xã mới phát hiện ra và không thể… xử lý kịp.
Chính quyền khổ nhưng những chủ lò gạch cũng không kém phần mệt mỏi. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một chủ lò gạch thủ công ở thôn Lai Sơn cho biết, sản xuất gạch gần như là cách kiếm sống duy nhất của người dân ở vùng “mưa dầm, nắng gắt” này.
Các chủ lò gạch sản xuất từ lâu và đã có nguồn thu thì không nói làm gì nhưng nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, phải vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng hoặc những nơi cho vay nặng lãi để xây dựng lò thì rất khó khăn. Khi cấm sản xuất gạch, những hộ này không những không biết kiếm sống bằng cách nào, mà còn phải gánh thêm khoản nợ lớn, không biết bao giờ mới trả được.
Lai Sơn là vùng quê có truyền thống sản xuất gạch. Nguồn sống của nhiều hộ dân nơi đây cũng chỉ trông chờ vào gạch. Lò gạch toả khói, dân còn có bát để bát ăn, lò gạch nguội lạnh thì y rằng dân đói. Xoá sổ lò gạch thủ công, xoá sổ như thế nào mà vẫn đảm bảo được đời sống cho người dân đó là bài toán khiến chính quyền địa phương đau đầu.
Theo thống kê của chính quyền xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội, trên địa bàn xã có 99 hộ dân đang sản xuất gạch cùng hơn 1.000 lao động đang làm việc tại đây. Và chính quyền xã vẫn đang thực sự bế tắc trong việc giải quyết đầu ra cho số lao động đông đảo này khi các lò gạch thủ công bị phá bỏ.
Hoàng Đức Nhã
Vui lòng nhập nội dung bình luận.