Thầy cô quyên góp tiền nấu cơm trưa để níu chân giấc mơ "con chữ"

Hoàng Lộc Thứ hai, ngày 08/01/2024 09:27 AM (GMT+7)
Sợ học trò sẽ nghỉ học, các thầy cô giáo ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cùng nhau góp tiền để nấu bữa ăn bán trú cho các em. Nhờ vậy, mà các em ăn ngon, tỷ lệ chuyên cần được nâng cao.
Bình luận 0

Góp tiền nấu ăn cho học sinh nghèo

Năm học 2023-2024, trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) có 711 em học sinh, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 100%. Trường có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường thôn.

Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, trong 3 điểm trường thì điểm thôn Ty Tu có số học sinh đông nhất với khoảng 73 em. Nhà các em ở 3 thôn gồm Đăk Pờ Trang, Ty Tu và Kon Linh. Tuy nhiên, điểm trường này lại không được hưởng chế độ bán trú gần 5 năm nay.

Thầy cô quyên góp tiền nấu cơm trưa để níu chân giấc mơ "con chữ"- Ảnh 1.

Điểm trường thôn Ty Tu có 73 em học sinh không được hưởng chế độ bán trú của nhà nước.

Lý do là bởi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh tại các điểm trường thôn Ty Tu do khoảng cách từ nhà đến trường dưới 4km nên không được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116 của Chính phủ. Chính vì vậy, các em sau khi học xong buổi sáng thì sẽ trở về nhà ăn cơm trưa rồi chiều lên trường để học tiếp hoặc mang theo cơm đến trường ăn rồi ở lại.

Trước tình hình đó, vào năm 2021, nhà trường đã vận động các thầy cô giáo đóng góp kinh phí để nấu bữa trưa cho các em ăn, nghỉ ngơi tại trường. Cùng với đó, nhà trường cũng trồng rau, nuôi heo, gà, vịt. Số tiền bán được sẽ trích ra 1 phần để mua giống mới và còn lại thì bán để lấy tiền mua thức ăn nấu bữa trưa.

Thầy cô quyên góp tiền nấu cơm trưa để níu chân giấc mơ "con chữ"- Ảnh 2.

Ngoài việc huy động các thầy cô đóng góp tiền, trường Tiểu học xã Đăk Hà có nuôi vịt, heo để bán lấy tiền nấu bữa ăn bán trú cho điểm trường thôn Ty Tu.

"Các em học sinh ở điểm thôn Ty Tu hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mẹ đi làm trên rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về. Chính vì vậy, các em phải đi bộ đến trường hơn 5km rất mệt mỏi. Có những em, sau khi học xong buổi sáng rồi nghỉ luôn vào buổi chiều khiến tỷ lệ chuyên cần bị giảm sút. Từ đó, tôi đã bàn với các thầy cô trên tinh thần tự nguyện, mỗi người đóng góp 50-100.000 đồng/tháng để nấu ăn cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên còn lo cho cuộc sống của họ nên việc đóng góp chỉ duy trì trong một khoảng thời gian. Về sau, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân biết được việc làm của trường nên họ cũng chung tay đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để bữa ăn thêm đủ đầy hơn", cô Vân tâm sự.

Gần trưa, chúng tôi có mặt tại căn tin của trường Tiểu học xã Đăk Hà. Tranh thủ không có tiết dạy, các thầy cô giáo cùng với cấp dưỡng bắt tay chế biến thực phẩm, nấu cơm canh. Khi thức ăn chuẩn bị xong, hai thầy giáo có nhiệm vụ vận chuyển vào điểm trường thôn Ty Tu.

Thầy cô quyên góp tiền nấu cơm trưa để níu chân giấc mơ "con chữ"- Ảnh 3.

Các cô giáo chia phần ăn cho các em học sinh.

Tiếng trống tan trường vang lên. Các giáo viên trong trường tập trung lại, mỗi người mỗi việc. Người thì sắp xếp bàn ghế, người thì chuẩn bị cơm canh. 1 phòng học của điểm trường được trưng dụng để làm phòng ăn.

Các em học sinh đứng ngoài xếp hàng ngay ngắn. Sau khi cơm canh được bày ra, các em lần lượt vào nhận phần ăn rồi vào chỗ ngồi. Bữa cơm tưởng chừng như đơn sơ, nhưng bọn trẻ vẫn liên tay đưa chiếc muỗng với lấy thức ăn và dùng bữa ngon lành.

Ươm mầm con chữ từ bữa cơm bán trú

Gia đình em A Hiu (học sinh lớp 1) thuộc diện hộ nghèo, nhà lại cách xa trường. Bố mẹ của Hiu thường ở lại trên rẫy vào buổi trưa nên em thường chỉ đi học buổi sáng, vắng buổi chiều vì không có ai đưa đến lớp. Việc nghỉ học thường xuyên khiến em không theo kịp bạn bè.

"Ở trường vào buổi trưa, chúng em được các thầy cô chăm lo chu đáo từ bữa ăn cho đến giấc ngủ. Đặc biệt, bữa ăn rất ngon khi có thịt, trứng. Từ nay, em sẽ đi học đầy đủ hơn", em Hiu nói.

Anh A Dũng (trú tại thôn Đăk Pờ Trang) có con đang học tại điểm thôn Ty Tu chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi làm việc ở trên rẫy cả ngày để lo miếng cơm manh áo nên nhiều khi không quan tâm đến việc học của con. Từ đầu năm, khi nhà trường thông báo mở mô hình bán trú, gia đình tôi rất mừng. Ở lớp, cháu được các cô nấu cho nhiều món ăn ngon cháu rất thích. Sự giúp đỡ dù nhỏ nhưng cũng đỡ đần được gia đình vì cháu được ở trường cả ngày".

Gắn bó với điểm trường thôn Ty Tu hơn 3 năm, cô Nguyễn Dương Quí thấu hiểu được những khó khăn của gia đình các em học sinh.

Thầy cô quyên góp tiền nấu cơm trưa để níu chân giấc mơ "con chữ"- Ảnh 4.

Từ khi có bữa ăn bán trú, tỷ lệ chuyên cần tại điểm trường thôn Ty Tu được cải thiện.

Theo cô Quí, nhận thức của phụ huynh về chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho các con còn chưa cao. Lý do là hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Nhiều khi các em đi về nhà chỉ ăn cơm trắng với bột ngô hoặc rau rừng cho qua bữa dẫn đến một số em còi cọc, chậm phát triển. Một số ít, bố mẹ đi làm chỉ để dành tiền mua rượu uống, không quan tâm đến con cái và từ đó các em hay vắng học. Kể từ khi nhà trường tổ chức tổ chức bán trú thì sĩ số học sinh đến trường cũng đã dần ổn định.

"Ở trường giáo viên ít quá nên áp dụng mô hình bán trú dân nuôi thì chúng tôi hơi vất vả, nhưng chất lượng dạy học được nâng cao nên ai cũng cố gắng. Các em được ăn, được ngủ lại ở trường nên mọi việc đều thuận lợi, có vất vả hơn nữa chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành công việc. Điều đáng mừng là một số phụ huynh ngày càng quan tâm tới việc học của con em. Khi các em nghỉ học, phụ huynh đều gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm để xin phép", cô Quí chia sẻ.

Thầy cô quyên góp tiền nấu cơm trưa để níu chân giấc mơ "con chữ"- Ảnh 5.

Các em học sinh ăn cơm ngon miệng.

Thầy Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GDĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện Tu Mơ Rông là địa phương vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum. Hơn 95% dân số ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Chính điều này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, thành tích học tập của các con em.

"Hiện tại trên địa bàn huyện đang duy trì hai mô hình bán trú dân nuôi. Trong số này, mô hình bán trú dân nuôi tại thôn Ty Tu rất ý nghĩa và thiết thực. Từ đó, đã hạn chế phần nào tình trạng học sinh nghỉ học, chất lượng giáo dục được nâng cao. Ngành GD ghi nhận và tự hào đối với sự đóng góp của giáo viên nơi đây. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên kết nối các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân để hỗ trợ bữa ăn bán trú cho các trường. Tuy nhiên, về lâu về dài thì chúng tôi kiến nghị cũng cần có một chính sách nào đó để hỗ trợ cho các điểm trường không được hưởng chế độ bán trú", thầy Hoàng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem