Trời nắng chang chang, ở Kon Tum thấy vườn nhãn lồng Hưng Yên cây thấp tè trái ra quá trời
Trời nắng chang chang, đến một nơi ở Kon Tum thấy vườn nhãn lồng Hưng Yên cây thấp tè trái ra quá trời
Thứ năm, ngày 21/12/2023 08:27 AM (GMT+7)
Anh Trần Văn Hưng (39 tuổi, ở thôn Ngọc Yên Phúc, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã mạnh dạn đưa giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng thử và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Năm 2007, gia đình anh Hưng từ tỉnh Hưng Yên vào xã Đăk Xú lập nghiệp. Thời điểm mới vào Đăk Xú, nguồn thu nhập chính của gia đình anh chủ yếu từ nuôi heo và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Thế nhưng, sau nhiều năm việc kinh doanh của gia đình không ổn định và cho thu nhập thấp, năm 2019, anh Hưng quyết định đầu tư mua 2,3ha đất của một hộ dân trong thôn để trồng gần 800 gốc nhãn lồng Hưng Yên.
“Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hưng Yên- nơi nổi tiếng có đặc sản nhãn lồng ngon, ngọt, tôi hiểu rất rõ những chủng loại cũng như đặc tính của cây nhãn.
Cùng với đó, tôi được học hỏi những kỹ thuật trồng nhãn lồng từ người thân trong gia đình nên tôi quyết tâm đem giống nhãn lồng Hưng Yên về trồng ở xã Đăk Xú”- anh Hưng tâm sự.
Nhờ có kinh nghiệm và áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc, nên vườn nhãn của anh sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi trồng được 3 năm, anh Hưng bắt đầu vận dụng kỹ thuật để cho nhãn ra hoa, đậu quả.
Theo anh Hưng, trồng nhãn đòi hỏi phải tuân thủ quy trình sản xuất mới có kết quả như ý muốn. Trước khi nhãn đậu quả, phải cắt tỉa cành để cây tập trung những cành cho ra quả, bón thêm phân để giúp cây phân hóa mầm hoa.
Anh Hưng bên vườn nhãn lồng Hưng Yên của gia đình tại thôn Ngọc Yên Phúc, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: NS
Trong giai đoạn nhãn ra quả cũng cần chăm sóc tỉ mỉ, phòng trừ bệnh nấm cho cây. “Nói thì đơn giản vậy, nhưng đòi hỏi cách bón phân, xử lý thuốc phải bài bản, đúng thời điểm. Cái này phải dựa vào thực tế cây đang phát triển tại vườn”- anh Hưng cho biết.
Theo anh Hưng, gia đình đa số dùng phân gà bón cho cây nhằm cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết để quả nhãn phát triển tốt.
Giai đoạn lá non ở phần ngọn chuyển sang màu xanh nõn chuối là thời điểm thích hợp nhất bón phân để nhãn ra hoa. Đến giai đoạn cây trổ bông phải phun thuốc đậu quả.
Ngoài ra, khi trái lớn bằng hạt bắp thì bổ sung phân NPK, nhằm hỗ trợ cây thêm dinh dưỡng nuôi quả.
Anh Hưng thường xuyên cắt tỉa cành, chỉ để lại trung bình mỗi cây từ 20-30 cành. Khi quả sắp thu hoạch, anh hái bỏ những quả nhỏ để cây tập trung nuôi quả lớn.
Anh cũng giới hạn quả ở mỗi chùm nhãn. Sau khi thu hoạch quả là thời gian cây bị tổn thương lớn nhất nên muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Khi cây đã có quả non, tiến hành cắt bớt chùm quả hoặc cành để giảm gánh nặng cho cây.
Giống nhãn gia đình anh Hưng trồng khi chín có cùi dày, giòn, dễ bóc, hạt nhỏ, cơm dày, quả đẹp. Chất lượng quả tốt, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nên đến vụ thu hoạch, vườn nhãn của anh được thương lái vào tận nơi thu mua.
Sau nhiều năm trồng nhãn lồng Hưng Yên ở xã Đăk Xú, theo anh Hưng, nhãn thích nghi tốt với đất đai, khí hậu nơi đây.
“Cây nhãn lồng Hưng Yên sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, chịu được khô hạn, công đầu tư chăm sóc không nhiều. Để quả không thu hoạch cùng một thời điểm, tiện công chăm sóc, tôi thường cho nhãn ra quả nhiều đợt, mỗi đợt từ 200 - 300 cây.
Cách làm này cũng giúp gia đình tôi tiêu thụ nhãn tốt hơn. Tính trong năm 2023, gia đình đã thu hoạch gần 10 tấn nhãn; với giá bán tại vườn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, năm nay thu lãi hơn 200 triệu đồng”- anh Hưng cho hay.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Hưng còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn phát triển kinh tế như cung cấp và tư vấn giống nhãn lồng, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…
Ông Đào Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, (tỉnh Kon Tum) cho biết, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả. Trong đó, mô hình trồng nhãn lồng Hưng Yên của anh Trần Văn Hưng cho hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao nguồn thu nhập cho nhân dân trên địa bàn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.