Thay đổi bộ mặt giao thông thủ đô

Thứ hai, ngày 22/10/2012 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 21.10, Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông xe toàn tuyến cao tốc đô thị trên cao Mai Dịch - Bắc Linh Đàm. Đây là tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên của Việt Nam.
Bình luận 0

Hình thành bộ mặt kiến trúc đô thị

Tuyến đường bộ trên cao này có 4 làn xe với vận tốc 100 km/ giờ. Ưu điểm lớn nhất của dự án này là tiến độ vượt so với hợp đồng từ 5-15 tháng (tùy theo gói thầu).

img
Tuyến đường được đưa vào sử dụng có thể giúp rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ phía tây sang phía nam thủ đô.

Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá: Đường vành đai III thành phố Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội, vừa phục vụ giao thông liên vùng của thành phố, vừa kết nối các đầu mối đường bộ như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài… Ngoài ra, con đường còn góp phần hình thành bộ mặt kiến trúc đô thị thủ đô hiện đại.

Nói về tiến độ thực hiện dự án, ông Vũ Xuân Hòa - Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp chính. Gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Trung Hoà dài 3.575m đã hoàn thành trước 9 tháng; gói thầu số 2 đoạn Trung Hoà- Thanh Xuân dài 2.070m, cán đích trước 15 tháng; gói thầu số 3 đoạn Thanh Xuân- Bắc Linh Đàm dài 3.267m, hoàn thành trước 5 tháng”.

Kỳ tích của ngành giao thông

Lý giải nguyên nhân giúp dự án về đích sớm hơn nhiều so với kế hoạch, ông Đỗ Quang Minh - Giám đốc Dự án đường vành đai 3 trên cao chia sẻ: “Có 3 nguyên nhân chính, thứ nhất phải có nguồn kinh phí đầy đủ kịp thời, thứ 2 công tác giải phóng mặt bằng, thứ 3 tổ chức thực hiện. Về công tác giải phòng mặt bằng, từ năm 2001, Thủ tướng đã ra quyết định đầu tư vành đai 3 giai đoạn 1 để thực hiện giải phóng mặt bằng, trước khi khởi công công trình. Về tổ chức thực hiện, nhà đầu tư phải lựa chọn được các nhà thầu, nhà tư vấn có đủ điều kiện về tài chính cũng như về năng lực kỹ thuật, từ đó đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình”.

Ông Đỗ Quang Minh cho biết thêm: “Tài chính là điều quan trọng đầu tiên, trong dự án này cơ chế quản lý vốn và ứng vốn linh hoạt, cho phép ứng tới 40% vốn là yếu tố giúp rút ngắn tiến độ. Bên cạnh đó, năng lực và kinh nghiệm tổ chức thi công của các nhà thầu rất bài bản và khoa học, làm chủ các công nghệ, tiến bộ mới trong xây dựng cầu đường”.

Dự án này được khởi công xây dựng bắt đầu từ tháng 6.2010 với tổng chiều dài khoảng 8.912m, bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt. Dự án có vốn đầu tư 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Tuy tiến độ dự án hoàn thành trước thời hạn từ 5 - 15 tháng, nhưng chất lượng công trình được đánh giá rất cao. Ông Hiroaki Mucaichi – Giám đốc dự án của tư vấn thuộc Công ty OC (Nhật Bản) cho rằng: “Chúng tôi cùng chủ đầu tư thống nhất rằng nguyên tắc khi nhà thầu lập tiến độ rút ngắn thời gian thực hiện thì đồng thời cũng phải lập kế hoạch đảm bảo chất lượng kèm theo, không cho phép điều chỉnh chất lượng. Bất kỳ gói thầu nào cũng phải đảm bảo đúng về chất lượng cũng như giữ nguyên thiết kế ban đầu”.

Ông Nguyễn Văn Lưu – Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết thêm: “Lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt các ban quản lý dự án, các nhà thầu để chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình, các khâu thực hiện dự án, kiểm tra dự án để phát hiện những bất hợp lý để kịp thời điều chỉnh. Các cơ quan của bộ cũng đã xử lý tốt các vướng mắc về vốn từ tạm ứng đến thanh quyết toán, phải giảm bớt các thủ tục hành chính để quyết toán nhanh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem