Thay đổi nhận thức về bình đẳng giới - 10 năm là chưa đủ
Thay đổi nhận thức về bình đẳng giới - 10 năm là chưa đủ
Tạ Nguyệt (thực hiện)
Thứ tư, ngày 15/07/2020 07:00 AM (GMT+7)
Căn nguyên sâu xa của bạo lực chính là vì bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng ở Việt Nam. Xung quanh thực trạng và giải pháp để giảm thiểu bạo lực với phụ nữ, PV Báo NTNN đã phỏng vấn bà Trần Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Phó Chánh VP UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam).
Thưa bà, bà có thể thông tin về một số kết quả nổi bật từ nghiên cứu này là gì?
- Nhìn chung các kết quả của điều tra bạo lực với phụ nữ năm 2019 cũng cho thấy cả những tồn tại và tiến bộ thể hiện một số dạng bạo lực như thể chất, tinh thần đã giảm so với điều tra bạo lực lần thứ nhất năm 2010. Tuy nhiên, bạo lực tình dục có cao hơn so với năm 2010. Tôi cho rằng điều này cũng không hoàn toàn phản ánh sự tệ hơn trong công tác phòng chống bạo lực, cũng không hề bất ngờ. Nguyên nhân là bởi vì đối tượng được điều tra trẻ hơn (mở rộng độ tuổi điều tra xuống từ 15 - 65 tuổi), nhóm này cũng cởi mở hơn. Chính bởi vậy việc thu nhập số liệu được đầy đủ hơn, phản ánh được nhiều con số có giá trị. Các con số cho thấy bạo lực với phụ nữ không phải là vấn đề riêng của một quốc gia nào.
Có ý kiến cho rằng, hiện nay dân số chúng ta đông, tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực cao nhưng hệ thống chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân quá thiếu. Bộ sẽ có cơ chế nào để thúc đẩy vấn đề này?
- Đúng là hiện nay chúng ta có tới hơn 90 triệu dân, hơn 50% trong số này là phụ nữ, hàng năm có hàng trục triệu phụ nữ bị bạo lực nhưng mạng lưới chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bạo lực còn mỏng. Chúng tôi đã nghĩ đến cần mở rộng mạng lưới các nhà tạm lánh, cơ sở chăm sóc hỗ trợ, nhưng vấn đề này cần làm từng bước.
Chúng ta tăng số lượng phải đi đôi với chất lượng, để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ. Nếu số lượng tăng nhanh, nhưng không đạt chuẩn thì nạn nhân sẽ không yên tâm khi được tư vấn, hỗ trợ và phản ánh việc hỗ trợ của chúng ta chưa tốt.
Vậy thời gian tới, cần phải có những giải pháp gì nhằm thực hiện mục tiêu xóa bỏ bạo lực ở phụ nữ?
- Nguyên nhân căn cốt của bạo lực là do bất bình đẳng giới, chính bởi vậy thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi cho cả người bị bạo lực, người gây bạo lực. Người bị bạo lực cần phải được hỗ trợ kỹ năng để phòng tránh bạo lực. Tôi cho rằng phụ nữ cần tăng cường trình độ học vấn, độc lập về kinh tế để mạnh mẽ đưa ra những quyết định trong cuộc sống.
Ngoài truyền thông, thời gian tới chúng tôi cũng sẽ triển khai những mô hình thí điểm phòng ngừa hoàn thiện các hệ thống chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Vừa qua, Vụ Bình đẳng giới phối hợp cùng với một số đơn vị đã thí điểm mô hình "Ngôi nhà ánh dương" cung cấp dịch vụ toàn diện (chăm sóc y tế, tổn thương thể xác, hỗ trợ tâm lý) cho phụ nữ và trẻ em gái tại Quảng Ninh.
Đây là 1 trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Vụ Bình đẳng giới thí điểm triển khai trong cả nước.
Cần thêm nhiều nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực
"Hiện nay cả nước có hơn 96 triệu dân, hơn 50% trong số đó là phụ nữ, nhưng cả nước chỉ có vài chục ngôi nhà hỗ trợ phụ nữ bạo lực. Con số này là quá ít, cần phải xây dựng thêm ngôi nhà tạm lánh để mỗi khi bị bạo lực, phụ nữ có nơi ẩn náu, được chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hỗ trợ về pháp lý.
Bên cạnh đó, cần phải có điều chỉnh, sửa đổi bổ sung thêm một số khái niệm nội dung về bạo lực tình dục với phụ nữ trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình, bởi hiện nay các khái niệm nhận diện bạo lực tình dục còn chưa rõ ràng. Không thể truy tìm bằng chứng về bạo lực tình dục, điều này gây khó khăn cho việc xử lý các vụ bạo lực tình dục".
Bác sĩ Hoàng Tú Anh -Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP).
Những con số rùng mình
"Báo cáo công bố của Bộ LĐTBXH đưa ra con số có 1.500 ca xâm hại tình dục mỗi năm, nhưng con số đó chỉ là rất ít. Nếu theo báo cáo này, có khoảng 4,4% phụ nữ (gần 50 triệu phụ nữ) cho biết họ đã từng bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 thì có nghĩa Việt Nam đang có tới hàng triệu trẻ em bị xâm hại tình dục. Đây là con số rất đáng báo động, đáng tin cậy hơn rất nhiều so với những con số công bố xâm hại tình dục trẻ em trước đây".
Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em (Unicef)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.