Phụ nữ làm nhiều hưởng ít
Báo cáo 10 năm thực thi Luật Bình đẳng giới vừa công bố vài ngày 17/10 của Bộ LĐTBXH cho thấy, nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á.
Có thể nhìn thấy rõ sự thay đổi về bình đẳng giới (BĐG) ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây từ những con số. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ lãnh đạo nữ cao nhưng đa số chỉ làm cấp phó phụ trách văn xã hoặc đứng đầu phòng ban không có vai trò không có vai trò quyết sách kế hoạch hay kinh tế.
Cùng công việc nhưng lao động nữ có thu nhập thấp hơn nam giới. Ảnh IT
Trong lĩnh vực lao động, phụ nữ chịu thiệt thòi hơn cả khi vị thế làm việc thấp hơn lao động nam. Kết quả nghiên cứu về phụ nữ, việc làm và tiền lương của Mạng lưới hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) cho thấy, tỷ lệ lao động nữ phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam. Cùng trình độ, công việc, lao động nữ đang có thu nhập thấp hơn các nam đồng nghiệp 12% ở vị trí lãnh đạo, 19,4% ở vị trí chuyên môn, kỹ thuật bậc cao và 15,6% ở nhóm lao động giản đơn…
Mới đây, Ban Soạn thảo đã đưa nhiều điều khoản chống phân biệt giới vào Dự thảo Bộ Luật Lao động dự kiến trình Quốc hội phê duyệt trong vài ngày tới. Trong đó có nhiều quy định về điều kiện làm việc, chế độ nghỉ thai sản, chăm sóc con nhỏ cho theo chiều hướng thúc đẩy phụ nữ, thay vì bảo vệ phụ nữ như trước đây.
Đại diện Ban Soạn thảo cũng phải buồn rầu cho biết, nếu xây dựng Bộ Luật theo chiều hướng bảo vệ chị em với những quy định chỉ phụ nữ được hưởng, chỉ phụ nữ được ưu tiên thì sẽ khiến các chủ sử dụng lao động kỳ thị hơn với phụ nữ vì quá “rắc rối”, thậm chí không tuyển lao động nữ hoặc sa thải lao động nữ khi chị em mới 30-35 tuổi vì ghét họ sớm già yếu, chậm chạp.
Nhưng chị em bình đẳng với nam giới làm sao nếu không được tạo điều kiện ưu tiên vì họ mất 5-7 năm mang nặng đẻ đau, sinh con, cho con bú, chăm sóc con nhiều hơn. Khi đó, sức khỏe cũng bị mài mòn theo những đứa con, mắt dễ mờ, lưng dễ còng hơn.
Chính sách cũng tiến tới việc đàn ông cũng được nghỉ đẻ, cũng được nghỉ chăm sóc con ốm như phụ nữ để tạo sự bình đẳng vừa tăng cường sự chia sẻ trong gia đình. Nhưng trên thực tế, có mấy ông chồng chăm vợ đẻ, chăm con ốm cùng với vợ hay là lại bỏ mặc vợ con cho ông bà hoặc là chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” tí chút.
Trong đề bạt, do tuổi nghỉ hưu sớm nên chị em mất 5-7 sinh con, nuôi con, chậm học hành, phấn đấu hơn nam giới và khi đã tăng tốc đuổi kịp đàn ông thì không được đề bạt vì quá tuổi.
Những người vợ Super Woman
Và muốn biết thực chất BĐG ở Việt Nam như thế nào chỉ cần nhìn vào mỗi gia đình. Khi mà phụ nữ cũng lao động 8-10 tiếng ở cơ quan như chồng nhưng về nhà lại làm trung bình 5 tiếng việc nhà, cao gấp đôi nam giới. Các quán bia, rượu chiều về toàn đàn ông còn chị em sấp ngửa về nhà lo đón con, cơm nước, dọn nhà...
Thời gian phụ nữ làm việc nhà gấp 2- 3 lần nam giới
Bình đẳng giới ở chỗ nào?
Chúng ta tuyên truyền về BĐG, lên án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nhưng dường như các vụ đánh đập phụ nữ, xâm hại tình dục phụ nữ ngày càng nhiều. Những người chồng đấm đá, quăng quật vợ túi bụi, trói vợ bằng xích sắt, đốt vợ đến tử vong, hoặc đâm chém vợ... Họ trút lên thân thể yếu đuối của vợ mình những hận thù, giận dữ xã hội, những xấu hổ vì yếu ớt, bất tài, vô dụng, uất ức vì thua kém người khác.
Nhưng cho dù say hay tỉnh, những người đàn ông đó cũng về đến tận nhà để đánh vợ con mà ít khi đánh người dưng. Vì họ cho rằng, đánh vợ an toàn, không bị đánh lại, không mất tiền đền bù, không bị bỏ rơi. Đánh vợ buổi sáng, buổi trưa đòi vợ nấu cơm cho ăn, buổi chiều đòi ngủ...
Ngay cả các vụ đánh ghen rầm rộ gần đây cũng cho thấy sự bất BĐG thâm căn cố đế thế nào trong nhận thức của mỗi người, cả đàn ông lẫn đàn bà. Khi mà đàn ông ngoại tình thì người vợ đánh tình địch còn đàn bà ngoại tình đàn ông sẽ hành hạ vợ. Bởi vì, trong mắt đàn ông, vợ là tài sản, còn phụ nữ coi đàn ông là ông chủ, ngay cả khi họ phản bội mình cũng không dám phản kháng, lên án.
Ở các vùng quê, cảnh chồng chúa, vợ tôi vẫn không phải là câu chuyện xa xưa, cũ kỹ mà vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người vợ. Chồng đánh tàn bạo, nghiện ngập, bỏ bê vợ con nhưng vợ vẫn nhẫn nhịn chịu đựng vì để cho con có bố, nhà có nóc.
Còn ở thành phố, càng được hô hào khẩu hiệu BĐG, được trao cho vương miện làm phụ nữ sánh ngang với đàn ông, chị em sẽ phải gồng mình lao lực để được nhận các danh hiệu mỹ miều thực chất là các vòng kim cô siết chặt như giỏi việc nước, đảm việc nhà, con ngoan, mẹ giỏi.
Bình đẳng giới đang biến đang biến phụ nữ thành các Super Woman!.
15 năm nữa, đàn ông Việt sẽ thiếu hơn 4 triệu cô dâu vì mất cân bằng giới tính khi sinh
Càng trí thức càng trọng nam khinh nữ
Bình đẳng giới chỉ là “đầu môi trót lưỡi” khi tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cao chót vót, cho dù đã có nhiều biện há tuyên truyền, vận động, ngăn cấm nhưng giảm chậm và lại chiều hướng tăng cao trong 2 năm gần đây và hiện đã đạt mốc mới đáng báo động 115 bé trai/100 bé gái (mức chuẩn sinh học bình thường là 105 bé trai/100 bé gái)..
Theo Tổng cục Dân số KHH GĐ, hiện có 55/63 tỉnh, thành trên cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Người ta càng có trí thức, có hiểu biết, có tiền bạc, thì việc lựa chọn giới tính thai nhi càng tinh vi hơn. Nếu trước chỉ chọn lọc bằng cách siêu âm thai nhi là gái thì bỏ, uống thuốc, tính ngày, còn nay người ta canh trứng, đi thụ tinh nhân tạo, soi phôi để chắc chắn 100 % là con trai. Rõ ràng hiểu biết, trình độ không phải là yếu tố quyết định tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính cao ngay từ con thứ nhất ở nhóm trí thức cũng cao hơn.
Bình đẳng giới thế nào được!
Chị em cần những hành động chia sẻ thiết thực
Và cũng chỉ có Việt Nam mới có ngày “đàn ông nịnh phụ nữ” vào 8 /3 và 20/10. Ở những ngày như Ngày 20/10 này, giá trị của phụ nữ bỗng nhiên lóe sáng, chị em được tung hô, được tặng quà, tặng hoa, được tẩm ướp trong vạn lời có cánh. Điều này có thể ru ngủ phụ nữ quên đi những vất vả, nhọc nhằn, quên đi sự bất bình đẳng đang diễn ra hàng ngày, đang vắt kiệt sức chị em, mài mòn cả trí tuệ lẫn thân xác của mình.
Đến bao giờ giá trị của phụ nữ sẽ rực rỡ cả năm? Khi đó, anh em tôn trọng, yêu quý chị em đủ 365 ngày và biến điều đó thành hành động sẻ chia, gánh đỡ sức nặng, để chị em có thể làm những điều mình thích chứ không phải làm theo điều mà người ta thích phụ nữ làm. Dù họ làm lãnh đạo vụng việc nhà hay là bà nội trợ không quyền lực họ cũng được tôn trọng và yêu thương.
Chị em không cần một ngày 20/10 đầy hoa nhưng bình đẳng giới lại chỉ là sự sáo rỗng!.
Tròn 10 năm Luật Bình đẳng giới có hiệu lực (2009 – 2019). Báo cáo của Bộ LĐTBXH vừa công bố vài ngày trước cho biết, qua 10 năm thi hành Luật BĐG, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH T.Ư Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.