Thay đổi thi cử để xóa nạn học thêm

Thứ năm, ngày 05/12/2013 06:50 AM (GMT+7)
Những bước đổi mới trong thi cử sẽ được thực hiện ngay trong năm học 2014 được Bộ GDĐT kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán về nạn học thêm, dạy thêm đang bị dư luận lên án.
Bình luận 0
Kiểm tra việc áp dụng kiến thức

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, bắt đầu từ năm học 2014, đổi mới thi cử sẽ là vấn đề đầu tiên và ngay lập tức được triển khai theo tinh thần của đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cụ thể, thi cử sẽ không nhằm vào việc xem học sinh học được gì mà đánh giá việc học sinh vận dụng những kiến thức đã học như thế nào? “Trước đây ta cũng chỉ đánh giá trường giỏi qua tỷ lệ đỗ đại học, có nhiều học sinh đoạt giải học sinh giỏi… Điều này là không công bằng với các trường ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Tới đây, ta sẽ đánh giá bằng sự tiến bộ, sự vận dụng kiến thức đã học như thế nào” - Thứ trưởng nói.

Cách dạy phổ biến trong trường phổ thông hiện nay vẫn là thầy đọc, trò chép và thi cử kiểu trả bài.
Cách dạy phổ biến trong trường phổ thông hiện nay vẫn là thầy đọc, trò chép và thi cử kiểu trả bài.

Cũng theo ông Hiển, Bộ GDĐT chọn đổi mới đánh giá và thi cử là bước đột phá vì mắt xích này có tác động đến cả một hệ thống, chỉ cần nhấn nút nó sẽ chi phối các khâu khác trong đó có: Phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, chương trình, giáo viên… đây cũng là mắt xích dễ làm nhất, làm được luôn, không tốn kém và… chắc chắn có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, thi cử thế nào để đánh giá được việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn cũng khá… nan giải khi nhiều phụ huynh kêu ca về đề thi mở. GS Văn Như Cương cho biết: “Đề thi mở theo hướng mới là rất quan trọng, đó là một thay đổi rất đáng làm. Nhưng thi mở cũng cần biết mở đến đâu, mở ở mức độ nào? Đề mở nhưng đánh giá có mở không?”. Dẫn chứng vấn đề này, GS Cương lấy đề kiểm tra “mở” của học sinh lớp 7 Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) đang làm cho các nhà làm giáo dục phải… đau đầu. Đề yêu cầu học sinh “Vẽ lại hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Kết quả thu được, nhiều học sinh tưởng tượng bác Giáp giống Bác Hồ, nhiều học sinh lại “vẽ” bác Giáp giống một thầy giáo…

Có “triệt” được dạy thêm, học thêm?

Cô Phạm Như Hoa – giáo viên Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội): “Hiện đội ngũ giáo viên còn rất nhiều thầy cô vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, lạc hậu không chịu đổi mới. Giáo viên có chịu thay đổi thì thi cử mới thay đổi được”.

Một trong những kỳ vọng của đột phá trong thi cử là sẽ triệt được tận gốc nạn dạy thêm, học thêm đang biến tướng làm nhức nhối dư luận.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Thời gian tới, sẽ vẫn cần có dạy thêm, học thêm nhưng là dạy phụ đạo cho học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Hiện nay, học thêm tràn lan là do học sinh còn phải học quá nhiều, học sinh nào cũng phải học như nhau. Sau đổi mới thi cử, các em sẽ được học tự chọn, đề thi sẽ mở, đánh giá theo cả quá trình chứ không quyết định cả tương lai của các em trong một vài kỳ thi, điều này giảm áp lực học hành cho các em, nhu cầu học thêm vì thế sẽ không còn và tự nhiên… biến mất”.

Theo PGS Đinh Xuân Khoa, phải thay đổi tư duy của phụ huynh, nhiều phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái mà tạo sức ép bắt con học thêm, có những phụ huynh vì quá bận rộn mà cần con học thêm để thầy cô quản lý giúp.

Còn GS Cương thì cho rằng: Cần có một cuộc điều tra về nhu cầu học thêm của học sinh, đối tượng có thể học thêm và cần học thêm nằm ở bộ phận nhân dân nào. Thực tế vì thiếu người ta mới cần thêm. Chỉ cần ngành giáo dục làm thế nào dạy cho “đủ” thì nhu cầu về dạy thêm, học thêm sẽ được giải quyết.

Tùng Anh (Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem