Thuý Phương - Phương Việt
Thứ ba, ngày 12/03/2024 19:15 PM (GMT+7)
Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ với PV Dân Việt rằng, để một bộ phim để lọt vào danh sách đề cử của Oscar cần phải vượt qua hàng trăm tác phẩm khác và chinh phục hàng nghìn thành viên của Hội đồng chấm giải.
Phim tài liệu hay nhất tại Oscar 2024 có "nặng" tính chính trị?
Ngày 11/3 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Oscar 2024 diễn ra thu hút sự quan tâm của khán giả toàn cầu. Giải thưởng được trao cho các tác phẩm và nghệ sĩ có cống hiến rất lớn cho điện ảnh trong năm vừa qua. Trong đó, ở hạng mục Phim tài liệu hay nhất, tượng vàng Oscar được trao cho bộ phim "20 ngày ở Mariupol" của Mstyslav Chernov. Một tác phẩm ghi lại những ngày đầu của cuộc giao tranh giữa Nga vào Ukraine vào năm 2022.
Trong màn phát biểu, thay mặt ê-kíp tác giả, Chernov xúc động nói: "Đây là Oscar đầu tiên trong lịch sử Ukraine và tôi rất tự hào. Chắc chắn tôi sẽ là đạo diễn đầu tiên đứng trên sân khấu này nói rằng, tôi ước mình chưa từng làm bộ phim này, ước mong trao đổi nó để Nga và Ukraine không có giao tranh".
"Tôi không thể thay đổi lịch sử. Tôi không thể thay đổi quá khứ. Nhưng tất cả chúng ta cùng nhau, các bạn, một trong những người tài năng nhất thế giới có thể đảm bảo rằng, lịch sử sẽ được ghi lại một cách đúng đắn. Sự thật sẽ chiến thắng và người dân Mariupol, những người đã hy sinh sẽ không bao giờ bị lãng quên", Chernov nói thêm.
Trao đổi với Dân Việt về bộ phim này, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm - chủ nhân tác phẩm "Children of the Mist" (tạm dịch: Những đứa trẻ trong sương) từng vào Top 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023 chia sẻ: "Chúng ta phải nhìn nhận rằng, để lọt được vào danh sách đề cử của một giải thưởng lớn như Oscar, bộ phim phải đảm bảo tính nghệ thuật, phải hay và chinh phục được người xem".
Sau khi Oscar khép lại, The Guardian đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bày tỏ sự biết ơn tác giả và cho biết, giải thưởng này là "quan trọng đối với cả đất nước Ukraine". Ông cho biết, số người chết ở Mariupol vẫn chưa được xác định nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy có "hàng nghìn" ngôi mộ.
Giải thưởng Oscar lần thứ 96 kết thúc, nhưng quyết định trao tượng vàng của Viện Hàn lâm Oscar cho một bộ phim tài liệu ghi lại những khoảnh khắc tang thương của chiến tranh. Và điều rõ ràng nhất trong bộ phim là những nạn nhân của cuộc đụng độ, hàng nghìn người Ukraine vô tội. Truyền thông phương Tây thân Nga đặt câu hỏi về lựa chọn này và cho rằng, bộ phim ngầm ủng hộ Ukraine và không phù hợp trong một cuộc trao giải vị nghệ thuật như Oscar. Năm ngoái, Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ đã trao giải cho bộ phim tài liệu "Navalny", phim xoay quanh thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny và những sự kiện liên quan đến vụ đầu độc ông.
Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm bày tỏ, để một bộ phim để lọt vào danh sách đề cử của Oscar, cho dù là ở hạng mục chưa phải "đinh" như phim tài liệu, cũng cần phải vượt qua hàng trăm tác phẩm khác và chinh phục hàng nghìn thành viên của Hội đồng chấm giải.
"Chưa kể, bộ phim đó còn phải trải qua rất nhiều các giải thưởng lớn, nhỏ khác trong năm để khẳng định mình, trước khi đem tới Oscar để dự thi. Bên cạnh đó, những yếu tố như đơn vị phát hành, uy tín, tầm vóc của họ ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới vị thế và sức ảnh hưởng của tác phẩm", nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ.
Chernov và ê-kíp của mình đã tới Mariupol một tiếng trước khi Nga bắt đầu tấn công thành phố cảng. Hai tuần sau đó, họ là những nhà báo cuối cùng làm việc cho một tổ chức truyền thông quốc tế ở lại đây, gửi đi các bản tin quan trọng đến thế giới bên ngoài. Họ ghi lại thương vong dân thường ở mọi lứa tuổi, đào mộ tập thể, cuộc tấn công vào một bệnh viện phụ sản thời chiến và sự tàn khốc của chiến tranh.
Mặc dù hiện tại không có cách nào xác định chính xác tổng số người chết ở Mariupol, nhưng các ước tính thận trọng cho thấy hàng chục nghìn thường dân Ukraine đã thiệt mạng. Cảnh quay vệ tinh đã xác định được hàng nghìn ngôi mộ mới ở xung quanh Mariupol, trong khi nhiều nạn nhân khác được chôn cất trong những khu đất tạm bợ khắp thành phố hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm khẳng định, tầm vóc, quy mô và tính thời đại của tác phẩm ảnh hưởng lớn tới việc nó có được Hội đồng Oscar chọn lựa hay không. "Những bộ phim tài liệu mang hơi thở của nhân loại, có tính thời đại và liên quan tới Hoa Kỳ thường sẽ là các yếu tố khiến nó thành công tại Oscar. Và rõ ràng, tính chính trị của chính bộ phim tài liệu đó cũng không nằm ngoài các yếu tố này", nữ đạo diễn nhận định.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng khẳng định với Dân Việt rằng, một tác phẩm để nhận được cúp vàng Oscar phải là bộ phim có tổng hòa của nhiều yếu tố. Chỉ khi nào đạt đủ thước đo quan trọng đó, tác phẩm mới có thể đứng trên bục để nhận tượng vàng Oscar danh giá.
Trong danh sách 13 bộ phim tài liệu hay nhất từng giành tượng vàng Oscar theo Letterboxd Score, một trang web của những người yêu điện ảnh, có tới 3 bộ phim liên quan tới chiến tranh và hậu quả của chiến tranh. Cụ thể là "The Last Days" (1998) nói về trại Holocaust, "Hearts and Minds" (1974) kể lại cuộc chiến tại Việt Nam và "20 ngày ở Mariupol" ghi những khoảnh khắc kinh hoàng ở Ukraine.
"Oppenheimer" càn quét Oscar 2024 với 7 tượng vàng
Hạng mục phim tài liệu không phải là nơi duy nhất nảy sinh những tranh cãi. Trong đó, có thể kể tới việc Emma Stone không thực sự thuyết phục khi thắng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, thay vì Lily Gladstone trong "Killer of the Flower moon". Ngoài ra, bộ phim "Oppenheimer" của đạo diễn Christopher Nolan cũng vướng vào những tranh cãi xoay quanh tính chân thực của nội dung tác phẩm.
Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nhận định, đạo diễn Christopher Nolan là một nghệ sĩ đại diện cho loại hình phim điện ảnh "hướng" tới khán giả và Oscar là một lễ trao giải đánh giá rất cao yếu tố này. "Christopher Nolan là một tín đồ của phim nhựa, ông luôn cho rằng phim nhựa là cốt lõi của điện ảnh. Tuy nhiên, tới "Oppenheimer", ông không chỉ sử dụng phim nhựa thông thường mà quay ở định dạng Imax. Đây là một phương pháp biểu hiện rất hoành tráng và khán giả chỉ có thể cảm nhận hết giá trị thẩm mỹ của nó khi tới rạp chiếu phim".
Trước khi ra mắt bộ phim, đạo diễn Christopher Nolan đã tiết lộ rằng, "Oppenheimer" là bộ phim dài nhất của ông cho đến nay, kéo dài gần ba giờ đồng hồ. Chiều dài của nó đòi hỏi bản in Imax bao gồm 17km phim, nặng khoảng 272kg. Được quay bằng máy quay phim khổ lớn, bộ phim hứa hẹn sẽ mang đến trải nghiệm hình ảnh vô cùng sống động. Universal Pictures đã bán vé xem "Oppenheimer" tại nhiều rạp cao cấp khác nhau, bao gồm Imax 70mm, 70mm, Imax kỹ thuật số, 35mm và Dolby Cinema.
Theo Nolan, cách lý tưởng để xem "Oppenheimer" là qua định dạng phim Imax 70mm, chỉ có ở 25 rạp trên khắp nước Mỹ. Định dạng này cung cấp độ sắc nét, rõ ràng và độ sâu tốt nhất, cho phép màn hình gần như biến mất và mang lại trải nghiệm 3D mà không cần đeo kính. Bằng cách "nhấn chìm" khán giả và bao bọc họ trong thế giới của bộ phim, Nolan nhắm đến việc tạo ra một trải nghiệm xem khó quên tại rạp chiếu.
"Đề tài làm phim về bom nguyên tử rất khó, bởi nó mang tính khoa học, khó truyền đạt với người làm phim và khó hiểu với đại chúng. Tuy nhiên, bộ phim của Nolan thì hoàn toàn khác, được công chúng đón nhận rất nhiệt tình. Thay vì chọn CGI như các bộ phim điện ảnh hiện đại gần đây, Nolan chọn cách sử dụng kỹ xảo truyền thống, có lẽ đó cũng là một trong những cách để phim của Nolan chinh phục được khán giả và cả Hội đồng Oscar. Tôi cho rằng, "Oppenheimer" giành 7 tượng vàng Oscar 2024 là hoàn toàn xứng đáng, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.