“Thầy ơi đừng đuổi tụi con…”

Trần Ngọc Bảo Thứ tư, ngày 16/11/2016 06:11 AM (GMT+7)
Khi nghe tôi thông báo các em sẽ “tốt nghiệp” lớp xóa mù chữ, một em học sinh bé choắt mắt đỏ hoe “Thầy ơi, đừng đuổi học tụi con. Cho tụi con học lại chữ a, chữ bờ, chữ gì cũng được...”
Bình luận 0

img

Cô Là Thị Thía dạy một em viết chữ.

Từ năm 2015, ở thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng, Long An) tôi thấy có nhiều trẻ em tuổi từ 7 đến 16, em nào cũng cầm trên tay khoảng vài chục tờ vé số đi bán khắp nơi.  Bữa nọ, tôi gọi một em lại mua 2 tờ vé số, sẵn tiện hỏi thăm về các em:

- Con học lớp mấy rồi mà giờ này đi bán vé số?

Em cúi mặt lắc đầu: “Không có học!”

Tôi hỏi tiếp, “Con học tới lớp mấy mà nghỉ rồi?”.  Em chỉ cười và bỏ đi.

Anh bạn ngồi cạnh tôi cười và nói: “Mấy nhóc này có đi học đâu mà hỏi nó học tới lớp mấy! Nguyên nhóm đi bán vé số đông lắm. Ngày nào cũng lòng vòng trong thị trấn. Tối mịt còn thấy tụi nó đi bán”.

Cái thị trấn biên giới này nhỏ xíu nên tôi bỏ ra một ngày để tìm hiểu thì biết các gia đình  này không có hộ khẩu, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Mỗi gia đình có ít nhất là 3 con. Có nhà có tới 7 đứa con.  Thậm chí nhiều em không biết mình bao nhiêu tuổi và dĩ nhiên là không có khái niệm “đi học”.

img

Ngoài giờ học, các em đi đánh bắt cá mùa lũ.

Mấy anh cán bộ trong thị trấn gợi ý với tôi là thử tập trung tụi nhỏ và dạy học coi chúng chịu học không. Tôi bàn bạc, tham khảo ý kiến một số thầy cô và xin ý kiến UBND thị trấn, tất cả đều nhiệt tình ủng hộ.

Vậy là vào khoảng tháng 10.2015, lớp học tình thương mở ngay tại Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn (thực chất là căn nhà cấp 4 trước đây là Trụ sở khu phố nay không dùng nữa). Bàn ghế, bảng đen thì xin của các trường trong thị trấn. Một cô giáo của trường THCS thị trấn còn nhiệt tình bỏ tiền ra để hỗ trợ lớp học. Nhiều bà con địa phương hay tin cũng góp vào tập, viết, cặp sách, quần áo cũ, có cả… sách cũ và bữa ăn chiều…

Các đồng nghiệp của tôi chia nhau đến dạy. Trẻ em ở các nơi khác cách đó gần 20km cũng đạp xe đến xin được học, lớp học ngày càng đông có lúc lên đến 33 em, không đủ chỗ ngồi phải ngồi chen chúc nhau mà học. Vào mỗi buổi chiều, tiếng ê a của lớp học vang cả góc phố.

Các em đủ mọi thành phần: bán vé số, đánh bắt cá, bưng bê làm mướn, rửa xe… hầu như em nào cũng lao động và có “máu giang hồ”. Khởi đầu mỗi câu nói thường là những từ chửi thề, văng tục; ngồi cạnh nhau đánh lộn liên tục, thỉnh thoảng chúng kể tội nhau, toàn  những chiến tích bất hảo. Ấy vậy nhưng khi học các em tỏ ra rất chăm chú, nhìn các em học viết chữ thấy mà thương. Tay cầm bút không quen, lóng nga lóng ngóng nên “Chết mẹ, rách tập rồi” là câu nói thường nghe khi các em viết.

Quan sát trong lớp tôi thấy có một bé gái da dẻ xanh xao, vẻ mặt hiền lành nhưng thường xuyên đi trễ, hỏi tên em nói tên Hiền, hỏi họ gì em không biết, hỏi năm sinh em cũng không biết chỉ nghe mẹ nói em 9 tuổi, mấy đứa khác nói chen vào: “Nó bệnh tim, bệnh gan thêm lao phổi nữa, đi bán nó xỉu hoài hà, nhà nó tuốt ngoài cầu Rọc Bắt Heo, xa lắm thầy”. Nhìn em cân nặng chắc khoảng 20kg, nhỏ xíu, nhiều bệnh, nhà ở xa vừa đi bán vé số vừa học chữ, tôi khâm phục em biết vượt khó.

img

Thầy Trần Ngọc Bảo - tác giả bài viết, đang đứng lớp.

Một em khác cũng gây chú ý cho tôi đó là em trai mập mạp trắng trẻo nhưng đi học hay ở trần và bên cạnh lúc nào cũng có ly nước xanh xanh đỏ đỏ, hỏi tên em nói: Ba mẹ kêu em là Bẹ còn em tự đặt là tên Mỹ. Tôi hỏi sao lại không mặc áo, em nói “mới giặt áo phơi chưa khô”, rồi chỉ ra cửa lớp chỗ em đang phơi chiếc áo mà nếu là trẻ em thành thị cho nó lau tay nó không thèm lau. Thì ra em ngày nào cũng mặc mỗi cái áo đó. Cũng may sau đó có người cho bao quần áo cũ mỗi em mới có thêm quần áo để mặc.

Trải qua khoảng 1 tháng các em dần quen với con chữ, các em cũng thể hiện được hết năng lực của mình, nhiều em học rất nhanh có thể nói là không thua kém học sinh ở thị trấn. Cũng có em một chữ “vẽ” hoài không ra, những em này phải ngồi riêng để dễ kèm. Và khi mọi thứ dần ổn định thì lúc này trớ trêu thay: học sinh thưa thớt dần. Một số theo gia đình tiếp tục đi nơi khác mưu sinh... Sau hai tháng lớp còn lại 14 học sinh và 3 giáo viên.

Không dư dả gì nhưng thầy cô chúng tôi góp tiền mua bánh kẹo, trái cây “dụ” các em để các em không thấy chán mà nghỉ học. Có lẽ thương thầy cô, các em siêng đến lớp hơn. Hàng ngày mới 15 giờ là có em đã có mặt tại lớp mặc dù 17 giờ mới học. Thậm chí giữa trưa, khi người lớn nghỉ trưa các em không bán được vé số, các em cũng ghé qua lớp chơi, những ngày bán hết vé số sớm là các em chạy ngay tới lớp, lấy tập ra tự  “biên mấy chữ hôm qua biên chưa được”. Tôi để ý, thấy các em nói chuyện với người khác cũng tỏ ra lễ phép hơn, biết dạ thưa, biết chào hỏi và ít đánh lộn, ít chửi thề hơn. Rõ ràng các em đã thay đổi.

Tháng 3.2015, là thời gian hoàn thành lớp học (6 tháng), thời điểm này khả năng đọc viết của các em nhìn chung cũng tạm ổn. Tôi thông báo với lớp là mỗi em sẽ được cấp một giấy chứng nhận hoàn thành xóa mù chữ. Các em sẽ nghỉ luôn nhường chỗ cho một lớp khác.

Cả lớp im lặng, không một ai lên tiếng. Rồi em Nguyễn Văn Nghé (15 tuổi), là “thủ lĩnh” của lớp nhưng bé choắt như trẻ 8 tuổi, đứng lên mắt đỏ hoe: “Thầy ơi, đừng đuổi học tụi con. Cho tụi con học lại chữ a, chữ bờ, chữ gì cũng được... Thầy cho tụi con học tiếp đi thầy, nghỉ học ở nhà buồn lắm thầy ơi !”.

Tôi nói dứt khoát: “Các em đã học xong rồi, phải nhường chỗ cho bạn khác học chứ. Học chung lộn xộn sao người ta học!”. Các em cúi mặt im lặng, khác với cảnh nhao nhao như thường lệ mỗi khi tôi thông báo một điều gì đó. Buổi học hôm đó kết thúc trong buồn lặng.

img

Những nét chữ vụng về của các em

Hôm sau tới lớp tôi thấy đám nhóc đang bu quanh mấy đứa nhỏ không phải học sinh của lớp, hình như chúng đang dạy cho mấy đứa này viết hay gì đó. Gặp tôi chúng nó chào rồi giới thiệu mấy bạn này xin vô học, vậy là lớp có thêm 5 học sinh nữa, mấy em này mới vào học nên các em cũ thường bu quanh để ra vẻ chỉ dạy, có em còn xin ngồi cạnh để kèm cập bạn mới, đứa nào cũng xông xáo giúp bạn. Nhìn mấy em tôi không nỡ đề cập vấn đề hoàn thành lớp học nữa. Thôi kệ các em thích học mình cứ dạy, biết chữ rồi thì mình dạy thứ khác cần thiết cho chúng. Nói là xóa mù chữ, nhưng tôi cũng dạy luôn lịch sử, địa lý, cả môn giáo dục công dân... Có hai cộng sự của tôi, cô Là Thị Thía (nhân viên văn thư Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hưng) và anh Lê Thanh Hải (cán bộ công tác ở UBND thị trấn) cũng thay phiên nhau dạy các em.

Trong lớp, tôi đặc biệt ấn tượng với em Nguyễn Văn Nghé, thông minh học nhanh, 15 tuổi nhưng nhỏ xíu như trẻ 7 - 8 tuổi; em Nguyễn thị Lẹ, hoạt bát học chăm; em Nguyễn Văn Phụng, bị hở hàm ếch và rất cần cù; em Nguyễn Thị Mỹ Nương, đang học “khóa 2” đã phải nghỉ học vì đứa em cũng vào học; Nương bán vé số nuôi em học; Rồi em Nguyễn Văn Bè (17 tuổi), em lên lên Sài Gòn đi làm nhưng kkhông biết chữ, làm không được nên xin về học tiếp chừng nào biết chữ sẽ lên Sài Gòn

Tháng 10 vừa rồi, lớp xóa mù thứ hai cũng hoàn thành. Ngày “tốt nghiệp”, một số em lại của khóa 1 và khóa 2 lại xin được học. Thế là lớp học nay đã đông trở lại. Nhưng không sao, thầy cô ở đây sẽ không mệt như trước vì lúc này lớp học đã có thêm một số “thầy” nhỏ sẵn sàng làm việc giúp chúng tôi.

Các em bắt đầu có ích rồi.

Tôi ước gì có lớp nghề phù hợp, để các em không phải bán vé số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem