Băn khoăn chuyện thi cử
Cô Nguyễn Bảo Ngọc là tổ trưởng tổ chuyên môn của một trường tiểu học ở quận Gò Vấp (TP.HCM) chia sẻ: "Những ngày này, câu chuyện ngoài giờ lên lớp của các thầy cô trong trường là việc sẽ tiếp cận chương trình mới như thế nào, triển khai giảng dạy ra sao… Trong đó, chủ đề việc thi cử, kiểm tra đánh giá học sinh được thực hiện như thế nào được nhiều thầy cô đề cập nhất".
Theo cô Ngọc, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố chương trình mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành mà các thầy cô đang dạy. Một số môn học mới được hình thành, một số môn học hiện hành đã được gộp chung lại thành những môn tích hợp ở cấp THCS.
Nội dung của từng môn học cũng có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Một số môn học tăng, giảm số tiết cho cả cấp học và từng khối học. Do đó, việc thiết kế bài giảng, bài kiểm tra sẽ hoàn toàn mới so với trước. Tuy nhiên, cái khó là thầy cô chưa được hướng dẫn cụ thể sẽ thực hiện kiểm tra như thế nào, tiêu chí nào để đánh giá năng lực học sinh?
“Nếu mỗi trường chọn một bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau, việc đánh giá học sinh sẽ khác nhau trong cùng một địa phương, chứ chưa nói gì trong toàn ngành giáo dục”, cô Ngọc đặt vấn đề.
Cô giáo Bùi Thị Xuân Mai (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) cũng bày tỏ, theo như định hướng của ngành giáo dục, việc kiểm tra sẽ như ra “đề mở”.
Việc kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện theo năng lực học sinh.
Đồng thời, để đánh giá được năng lực của từng học sinh mà không dựa vào các nội dung trong SGK như trước đây, giáo viên sẽ phải là người hiểu rõ học sinh. Bài kiểm tra cũng phải phù hợp và được đầu tư công phu hơn, giúp phát huy được hết năng lực của từng em.
Để làm được điều này, cô Mai cho rằng, giáo viên sẽ vất vả hơn, vì mọi thứ đều mới, cần nhiều thời gian nghiên cứu, lên kế hoạch... Các thầy cô cũng sẽ phải thay đổi, tự nâng cao kiến thức, khả năng của bản thân, tự học, tự trau dồi nhiều hơn để có thể đáp ứng được chương trình mới.
Hết kiểm tra kiểu “học thuộc lòng”?
Trước những lo lắng này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho rằng, thời gian tới, các trường sẽ không kiểm tra kiến thức nội dung theo SGK mà đánh giá theo năng lực của học sinh. Điều này thật ra không mới với giáo dục của TP mà đã được áp dụng từ nhiều năm nay.
Ông Hiếu cho ví dụ như bài khảo sát lớp 3 mà TP.HCM đang thực hiện, không đặt nội dung câu hỏi kiến thức cụ thể trong SGK mà học sinh phải học xong kiến thức và từ đó đưa ra cách giải quyết vấn đề.
Hay như việc đánh giá học sinh thông qua các chương trình, dự án hoạt động ngoài giờ mà các em tham gia. Các ý tưởng khoa học, sáng tạo… cũng được xem xét đánh giá để xếp loại học sinh. Cách kiểm tra này tạo cho học sinh nhiều cơ hội để sáng tạo và phát huy khả năng hơn.
Với giáo viên, công tác kiểm tra, đánh giá sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc giáo viên dùng sách nào. Thay vào đó, giáo viên phải tham khảo nhiều SGK trong các bộ sách được thẩm định cũng như tài liệu tham khảo để dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Giáo viên sẽ phải tự trau dồi nhiều hơn để đáp ứng các yêu cầu của chương trình mới.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), với chương trình mới, học sinh được tổ chức nhiều hoạt động để tiếp cận, lĩnh hội kiến thức và vận dụng kiến thức với sự hỗ trợ của SGK và các phương tiện dạy học khác. Vì thế, việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy học được thực hiện thông qua các sản phẩm hoạt động học nói trên.
Các bài kiểm tra, đánh giá và thi cũng không yêu cầu ghi nhớ kiến thức theo cách “học thuộc lòng” mà yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các tình huống, vấn đề trong học tập, cũng như trong thực tiễn.
Ví dụ, để đánh giá về phẩm chất, năng lực của học sinh đối với chủ đề “sống cần kiệm”, thay vì yêu cầu học sinh phát biểu “thế nào là sống cần kiệm”, đề thi đánh giá năng lực phải đưa ra một tình huống cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể và yêu cầu học sinh xử lý tình huống đó.
Qua đó, giáo viên sẽ đánh giá được học sinh có nắm được những kiến thức xoay quanh chủ đề “sống cần kiệm” hay không, cách vận dụng của học sinh có phù hợp, linh hoạt hay chưa… Từ đó, đưa ra mức đánh giá cho từng em.
Hay như với môn vật lý, thay vì kiểm tra những kiến thức về chuyển động thẳng, có thể yêu cầu học sinh thiết kế một đường trượt tuyết cho người yêu thích tốc độ từ đỉnh một quả đồi xuống, với ba phương án: đường thẳng, đường vồng lên, đường lõm xuống, để học sinh phải lựa chọn và giải thích… Học sinh cũng có thể được yêu cầu thiết kế một món đồ chơi nào đó, vận dụng các nguyên lý toán học, sinh học… đã được học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.