Tiến sĩ Reynaldo, diễn giả chính của cuộc hội thảo cho biết, năm 2009, thế giới đã có 25 quốc gia sản xuất GMO với diện tích 134 triệu ha, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên toàn thế giới.
|
Một cánh đồng trồng thực nghiệm ngô GMO của VN |
Hơn 14 triệu nông dân trên toàn thế giới đã áp dụng trồng GMO và hiện đã cung cấp 77% sản lượng đậu nành, 49% sản lượng bông vải và 26% sản lượng ngô toàn cầu năm 2009. Ngoài ra, 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận việc nhập khẩu cây trồng chuyển gen để tiêu thụ và sản xuất.
Cây trồng sử dụng CNSH đã được thương mại hóa suốt 14 năm qua chưa phát hiện sự cố nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân trồng cây GMO, chỉ tính riêng năm 2008 ước tính đạt 9,2 tỷ USD nhờ sản lượng tăng và chi phí sản xuất giảm. Dự kiến đến năm 2015, thế giới sẽ có khoảng 40 nước cho phép trồng cây chuyển gen, diện tích lên đến 200 triệu ha, chủ yếu là ngô, đậu tương, bông vải, thuốc lá, cà tím, cà chua, đu đủ...
Truyền đạt về kinh nghiệm ứng dụng CNSH của nông dân Philippines, Tiến sĩ Reynaldo V.Ebora cho biết, nông dân Philippines bắt đầu trồng ngô biến đổi gen từ năm 2003, đến nay các số liệu tính toán cho thấy năng suất bình quân đạt khá cao, trên 4 tấn/ha. Thu nhập của 1kg ngô GMO cao hơn so với các giống ngô lai trước đây.
Viện Công nghệ Khoa học Thực vật Thụy Sĩ đã thành công trong việc tạo ra giống lúa "vàng" giàu beta-caroten (vitamin A) và giống lúa này đã được Quỹ Rockefeller tài trợ để triển khai ở một số nước đang phát triển. Với giống lúa này, người ta hy vọng sẽ cứu được nhiều người trong số 500.000 người bị mù lòa trên thế giới hàng năm.
Những trang trại trồng ngô GMO cho năng suất tăng 37%, lợi nhuận tăng khoảng 10.132 peso/ha, giảm khoảng 60% chi phí thuốc trừ sâu. Ngoài việc chuyển được vào cây trồng gen kháng sâu hại, gen kháng thuốc diệt cỏ, còn chuyển được cả gen đề kháng với một số bệnh do virus, vi khuẩn và nấm gây ra ở cây trồng. GMO cũng không gây ra hiện tượng xuất hiện cỏ dại khi luân canh.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Huy Hàm - Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, hiện Việt Nam đang trồng thí điểm cây ngô biến đổi gen giai đoạn 2010 - 2015. Đến đầu năm 2011, VN sẽ trồng khảo nghiệm trên diện rộng ở hai miền Nam - Bắc, sau đó sẽ thu thập và trình hồ sơ về an toàn thức ăn chăn nuôi và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm các giống ngô GMO và dự kiến thương mại hóa từ cuối năm 2011.
Tuy nhiên, ông Lê Huy Hàm cũng cho rằng, hiện VN đang gặp một số khó khăn khi ứng dụng CNSH trong nông nghiệp như: Chưa hoàn thiện được cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật; kinh phí tạo giống GMO cao bởi thông thường để tạo một giống cây trồng GMO phải mất 8 - 10 năm, tương ứng với một khoản kinh phí 50 - 100 triệu USD.
Thúy Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.