Thêm động lực cho Tây Bắc phát triển

Thứ năm, ngày 06/01/2011 07:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 5-1, tại xã Nậm Hàng (huyện Mường Tè), công trình thuỷ điện Lai Châu chính thức được khởi công xây dựng.
Bình luận 0

Đây là công trình có ý nghĩa lớn về kinh tế -xã hội không chỉ đối với hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên mà của cả vùng Tây Bắc.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Thủy điện Lai Châu sẽ có nhiều lợi ích như cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần cùng các nhà máy thủy điện trên sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả vùng Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

img
Niềm vui của đồng bào DTTS trong ngày khởi công xây dựng thủy điện Lai Châu.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, xây dựng nhà máy theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động và tiến độ đề ra của dự án là thi công các hạng mục dẫn dòng thi công giai đoạn 1 đáp ứng việc chống lũ năm 2011, thực hiện chặn dòng vào tháng 3- 2012, phát điện tổ máy số 1 vào quý 1/2016 và hoàn thành toàn bộ công trình đầu năm 2017.

Hình thành đại công trường

Cơ hội thuận lợi đầu tiên với Mường Tè khi thuỷ điện Lai Châu khởi công xây dựng chính là giao thông được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thông thương giữa huyện miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội với các vùng lân cận. "Trước đây, vì vận chuyển khó khăn nên các loại hàng hoá đắt đỏ lắm. Giờ muốn mua thì bạt ngàn, chỉ sợ không có tiền thôi, giá cả cũng giảm đáng kể" - bà Lường Thị Toóng ở bản Noon Kiêng, xã Nậm Hàng nói.

Đưa chúng tôi đi thăm công trường, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Thuận, công tác tại Ban quản lý Dự án thủy điện Sơn La cho biết: "Chỉ sau một năm, từ khi các hạng mục chuẩn bị trước cho lễ khởi công được triển khai xây dựng, đến nay vùng đồi núi hoang sơ đã thay đổi hẳn. Một đại công trường với hàng nghìn công nhân ở khắp mọi tụ về. Phục vụ cán bộ, công nhân ở đây, các dịch vụ kinh doanh mọc lên như nấm, có cả Internet 3G…".

Vùng rừng núi vốn hoang sơ nay đã được đánh thức bởi cuộc sống và công việc của hàng nghìn công nhân, bằng ánh điện và tiếng động cơ máy móc trên công trường. Những công nhân của các nhà thầu Trường Sơn, Công ty CP Sông Đà 5, Sông Đà 7, Sông Đà 9, Sông Đà 10... đã bắt tay vào cuộc.

Cơ hội cho phát triển kinh tế

Thuỷ điện Lai Châu do EVN làm chủ đầu tư, với tổng vốn dự tính 35.000 tỷ đồng; công suất lắp máy 1.200 MW với 3 tổ máy; lượng điện bình quân 4.704 triệu kWh/năm…

Phục vụ việc xây dựng thuỷ điện Lai Châu, tuyến đường chạy dọc bờ sông Đà từ Nậm Manh đi Mù Cả cũng đang được xây dựng. Ngoài ra, khu vực gần công trình thuỷ điện cũng sẽ triển khai xây dựng thị trấn Nậm Hàng và tương lai ở đây sẽ phát triển thành thị xã công nghiệp. Hệ thống giao thông hiện đại cả trên bộ và đường thuỷ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mường Tè giao lưu kinh tế với các vùng lân cận...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Chữ - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng cho biết: Việc tái định cư cho trên 2.000 hộ với gần 10.000 dân là không đơn giản bởi địa bàn có độ dốc và sự chia cắt rất lớn. Đa số người dân trong khu vực dự án là người dân tộc thiểu số, để làm quen với tập quán sản xuất mới cần có thời gian…

Mặc dù vậy, theo ông Chữ, với những thuận lợi mà thuỷ điện Lai Châu đem lại , cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền và nhân dân Mường Tè sẽ tận dụng được những lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem