Theo đuổi đại học để... làm muối

Thứ ba, ngày 16/11/2010 19:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kinh doanh muối vốn được coi là nghề không thể làm giàu, nhưng có một người luôn tin vào điều ngược lại, đó là anh Phan Thành Thuộc - Chủ nhiệm HTX muối Tiến Thành (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Bình luận 0
img
Phan Thành Thuộc: “Đam mê với nghề, thành công sẽ đến...”. Ảnh: Minh Phương

Trong kế hoạch của anh Thuộc, muối Cần Giờ phải xuất khẩu để tăng giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận cho diêm dân. Bắt đầu từ suy nghĩ này, anh đầu tư vào việc học kinh doanh một cách bài bản. Từ xã Lý Nhơn lên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM trên 30km, nhưng suốt 3 năm trời, anh chưa bỏ buổi học nào. Chỉ còn một năm nữa là anh có thể lấy bằng cử nhân kinh tế.

Hạt muối trộn... mồ hôi

Sáu năm làm muối đã cho anh Thuộc nhiều trải nghiệm vui buồn. Để làm ra hạt muối, phải phơi nắng, nắng càng gay gắt, càng phải trần lưng ra làm. Ở những ruộng muối xa, anh phải ngủ vất vưởng ngoài ruộng 10 – 15 ngày để kịp mùa vụ. Có bội thu, muối đầy ắp kho, vẫn thấp thỏm theo giá cả. Vui ít buồn thì nhiều vì không mấy khi người làm ra hạt muối được hưởng trọn vẹn thành quả lao động của mình.

Tôi mong muốn con em Cần Giờ học xong đại học quay về đây làm muối, nhưng không phải kiểu làm vất vả của cha ông mà với công nghệ cao, với kỹ thuật hiện đại. Vì thế mà tôi phải làm trước để khẳng định nghề muối cũng là nghề kiếm ra tiền, cũng mang lại hạnh phúc cho con người.

Trăn trở trước những vất vả của người làm muối, anh Thuộc nhận thấy hạt muối làm ra phụ thuộc quá nhiều vào người mua sỉ, diêm dân gần như không thể chủ động giá bán, muối nguyên liệu ra khỏi đồng là xuống ghe tiêu thụ nên hầu như không có trị giá gia tăng.

Sau nhiều lần theo các đoàn tham quan những dây chuyền sản xuất muối công nghiệp do Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức, anh đã nghĩ đến một lối ra cho hạt muối Cần Giờ, và tự tin mình đủ khả năng để tổ chức việc sản xuất như vậy.

Thành lập doanh nghiệp để làm đầu mối tiêu thụ muối cho bà con, theo anh cũng là một cách làm giàu chính đáng, nhưng khi trình bày ý định này với các chuyên viên nông nghiệp, anh nhận được lời khuyên nên thành lập Hợp tác xã (HTX), bởi rất thuận lợi trong việc được chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất.

Ý tưởng đã có, kế hoạch đã xong nhưng anh lại gặp khó trong việc thuyết phục bà con làm muối ở Lý Nhơn tham gia HTX. Dường như tác động tiêu cực của HTX thời cũ vẫn ám ảnh nhiều người. Anh Thuộc kể: “Tôi đã giải thích với bà con, rằng, làm xã viên HTX không phải gom đất đai vào sản xuất chung, chia lãi chung mà chỉ góp vốn để sản xuất, kinh doanh và chia lãi theo tỉ lệ. Vào HTX lại được hỗ trợ mua máy móc, nguyên vật liệu đầu vụ và được bao tiêu sản phẩm với giá chắc chắn có lãi, nhưng không nhiều người nghe ra”.

Bỏ muối thô, làm muối thành phẩm

Không nản lòng, anh đi khắp xã Lý Nhơn để thuyết phục, trình bày ý tưởng. Cuối cùng HTX cũng được thành lập với 23 xã viên, đều là người trẻ, có lẽ họ chưa từng hình dung ra HTX ngày xưa như thế nào nhưng điểm quan trọng nhất là họ dám nghĩ dám làm. Những người đứng ở 2 chiều thái cực thì nhắn nhủ, HTX cứ làm thành công đi, họ sẵn sàng tham gia.

Anh Thuộc kể, ban đầu HTX mua muối thô đem bán lại cho các doanh nghiệp. Cách này chẳng có gì mới ngoài việc chủ động tìm khách hàng, nhưng lại đặt HTX vào tình thế rủi ro, bởi với muối thô thì nơi nào cũng có, vả lại nó chẳng phải là thứ quá đắt giá để khách hàng lựa chọn, dù hạt muối Cần Giờ được đánh giá có chất lượng tốt, không đắng, không vị chát, thích hợp để chế biến thực phẩm.

img
 

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, HTX quyết định đầu tư hệ thống chế biến muối thành phẩm. “Đây là một hướng đi đúng, nếu HTX muốn tiếp tục tồn tại. Nhờ đó mà lượng khách hàng của HTX đã mở rộng ra. Khi muối nguyên liệu xuống giá, ế ẩm thì muối chế biến của chúng tôi vẫn bán được giá tốt, doanh thu rất ổn định” - anh Thuộc cho biết. Hiện muối chế biến của HTX Tiến Thành đạt chất lượng tương đương các loại muối nhập khẩu, do đó được nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm đón nhận.

Chưa dừng ở đó, anh Thuộc mong muốn thay đổi cách canh tác lâu đời của bà con là kết tinh muối trên nền đất sang kết tinh trên nền trải bạt. Đây là kỹ thuật do Sở NN&PTNT thành phố chuyển giao thông qua HTX để diêm dân nâng cao chất lượng hạt muối, nâng thu nhập. Vậy mà buổi đầu anh không thuyết phục được ai, vì họ nghi ngờ tính hiệu quả, trong khi phải đầu tư khá nhiều tiền, khoảng 400.000 đồng/m2 bạt. Để chứng minh hiệu quả kinh tế, anh yêu cầu xã viên HTX áp dụng mô hình này.

Ngay trong vụ đầu tiên, lượng muối đã cao hơn 40% so với cách làm thông thường, đặc biệt, muối rất sạch, bán được giá cao. Thành công bước đầu của HTX đã nhanh chóng thuyết phục diêm dân nhân rộng mô hình này.

Làm muối trải bạt, đầu tiên là tiết kiệm công lao động, vì khi thu muối xong, chỉ việc xả nước rửa sạch là có thể kết tinh tiếp, trong khi làm muối trên đất, thu hoạch xong phải cào đất lên, đưa nước vào rửa, dùng ống lăn phẳng nền, phơi đất cho khô, mới đưa nước vào kết tinh. Muối kết tinh trên nền bạt luôn được các doanh nghiệp tìm mua với giá cao hơn giá muối kết tinh trên nền đất. Lợi đơn lợi kép như thế nên diêm dân Lý Nhơn và diêm dân các xã khác của Cần Giờ ngày càng có nhiều người làm theo.

Sự vất vả để theo đuổi con chữ của anh đã góp phần đưa thương hiệu muối Cần Giờ đến những nơi xa hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem