Thi CĐ-ĐH: Khối tài chính, ngân hàng "hút khách"

Thứ năm, ngày 05/04/2012 07:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ghi nhận của nhiều trường, dù lượng hồ sơ chưa nhiều nhưng đã cho thấy khối ngành kỹ thuật, nông, lâm “ế ẩm”, còn khối tài chính, ngân hàng vẫn “hút khách”.
Bình luận 0

Tài chính, ngân hàng “hút khách”

Theo thống kê từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), năm 2012, cả nước có 248 trường (chiếm 59,62%) tuyển sinh 1 trong 4 ngành gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Trong khi đó, 3 năm qua tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi và trúng tuyển các ngành này luôn ở con số trên 41%. Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, với đà tuyển sinh này, 4 năm nữa, “lứa” cử nhân kinh tế - tài chính sẽ dư thừa. Tuy vậy, tại nhiều trường THPT lượng hồ sơ đăng ký vào các khối ngành này vẫn chiếm ưu thế lớn.

img
Tư vấn cho học sinh tại ngày hội tuyển sinh ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân - cán bộ nhận hồ sơ Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết: “Trong số 1.358 hồ sơ đã thu, mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng có tới 2/3 hồ sơ đăng ký khối A, D, trong đó chiếm đa số là các khối ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, ngân hàng, tài chính… Các ngành xã hội thi khối C chiếm rất ít”.

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Hiệu trưởng Trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội): “Năm trước, trường có gần 80% học sinh đăng ký dự thi vào ngành kinh tế, kỹ thuật, trong đó ngành kinh tế chiếm xấp xỉ 50%. Năm nay, qua nghe ngóng và dựa vào số hồ sơ học sinh đã nộp thì hầu hết học sinh vẫn chọn các trường có ngành kinh tế, kỹ thuật”.

Không chỉ ở các thành phố lớn, học sinh nhiều vùng nông thôn cũng không mặn mà với khối ngành xã hội và nông - lâm - ngư. Thầy Nguyễn Văn Nam - giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) nhận định: “Mặc dù được cảnh báo ra trường sẽ khó xin việc sau 4 - 5 năm nữa nhưng nhiều học sinh vẫn chọn vì học kinh tế, ngân hàng nghe vừa sang vừa lạ. Còn học nông, lâm thì nghĩ ngay đến làm ruộng, trồng rừng vất vả”.

Hướng nghiệp vẫn lúng túng

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận từng thừa nhận về thực trạng mất cân đối ngành nghề đang có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Cụ thể là sự “lên ngôi” của các khối ngành kinh tế và “tụt dốc” ngày một lớn trong tuyển dụng của khối ngành sư phạm, nông, lâm nghiệp.

img Khi chọn trường, học sinh cần 3 yếu tố: Sở thích, khả năng và nhu cầu. Các em cũng cần cập nhật thường xuyên các thông tin và lưu ý đến các ngành, nghề có “tầm nhìn xa”, về cơ hội việc làm sau 4 - 5 năm nữa. img

Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Bộ GDĐT tại TP. HCM

Để “khống chế” xu hướng này, năm nay Bộ GDĐT đã hạ chỉ tiêu các ngành kinh tế - tài chính – ngân hàng của các trường ĐH xuống còn 184.300 chỉ tiêu (trong tổng số 576.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ) với mục đích giảm sự quá tải ngành học này xuống 32%. Tuy nhiên, quy định “cứng” này chỉ làm tăng tỷ lệ “chọi” chứ không giảm “nung nấu” vào trường của các em học sinh. “Nút thắt” cần tháo gỡ chính là định hướng nghề nghiệp thật tốt cho các em và gia đình từ trong năm học.

Trong khi đó, việc định hướng nghề cho học sinh tại các trường THPT còn khá lúng túng. Ông Nguyễn Văn Dần thừa nhận: “Khi định hướng nghề cho học sinh, trường mới chỉ quan tâm tư vấn cho các em trường nào có khả năng đỗ cao và phù hợp với kinh tế gia đình chứ chưa quan tâm đến “đầu ra” hay triển vọng nghề nghiệp sau này”.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, trước mỗi mùa thi rất nhiều đơn vị đã đứng ra tổ chức tư vấn hướng nghiệp hoành tráng nhưng hướng nghiệp ít, quảng cáo cho trường nhiều nên chưa giúp nhiều được cho học sinh trong việc chọn nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem