Tốp trên bình ổn, tốp giữa tăng nhẹ
Tính đến trưa 22.7, toàn quốc đã có 35 trường ĐH công bố điểm thi và dự kiến điểm chuẩn. Theo ghi nhận của NTNN, điểm chuẩn năm nay của các trường ĐH thuộc tốp trên có xu hướng bình ổn, tương đương năm 2013.
Ngày 22.7, ĐH Ngoại thương công bố điểm thi. Theo thống kê sơ bộ cả hai cơ sở Bắc – Nam của trường này có khoảng 80 thí sinh có điểm từ 27 trở lên. Có 36 điểm 10, trong đó có 28 điểm 10 môn ngoại ngữ, 7 điểm 10 môn hóa và 1 điểm 10 môn toán.
Thủ khoa khu vực phía Bắc là em Phạm Đức Toàn – học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) với tổng số điểm 29,5 điểm (đã làm tròn). Trong đó điểm 3 môn khối A lần lượt là 9,75; 9,5 và 10.
Bà Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Phổ điểm trung bình ở môn toán từ 7 - 8. Ở môn ngữ văn, cao nhất là 8,5 điểm, và phổ điểm tập trung ở 6 - 8. Do điểm thi năm nay không cao hơn năm 2013 nên điểm chuẩn vào trường dự kiến chỉ tương đương năm trước, khoảng 23-24 điểm”.
Tương tự, tại ĐH Quốc gia Hà Nội, theo thống kê, điểm thi các môn toán, hóa, tiếng Anh năm nay khá cao, tuy nhiên số lượng bài thi đạt điểm tuyệt đối không nhiều (hơn 20 bài thi).
Dù hiện tại 7 trường và khoa thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội chưa công bố chính thức điểm chuẩn nhưng theo ông Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì: “Với mức 7-8 điểm/môn chiếm đa số nên điểm chuẩn các ngành theo dự kiến sẽ dao động quanh mức 18-21 điểm. Riêng điểm chuẩn của ĐH Khoa học Tự nhiên, dự kiến sẽ tương đương năm 2013”.
Nếu như điểm chuẩn các trường tốp trên có xu hướng bình ổn thì các trường tốp giữa lại có xu hướng tăng nhẹ. Chẳng hạn, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng 1 điểm so với 2013.
Ông Đỗ Văn Dũng - Phó Hiệu trưởng cho biết: “Phổ điểm năm nay cao hơn năm 2013 nên dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ bằng hoặc tăng 1 điểm”. Tương tự, ông Lê Văn Hiển - Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cũng cho biết: “Kết quả sơ bộ cho thấy, dù chưa tính điểm ưu tiên thì đã có tới 2.147 thí sinh đạt mức điểm từ 19 trở lên. Khả năng, điểm trúng tuyển một số ngành năm nay có thể nhích nhẹ so với năm 2013”.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ. Cụ thể, theo đại diện phòng đào tạo nhà trường: “Thống kê điểm cho thấy có tới hơn 2.400 thí sinh đạt mức điểm từ 16 trở lên nên khả năng một số ngành điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ”.
Trông chờ nguyện vọng 2
Ngay sau khi công bố điểm thi cùng dự kiến điểm chuẩn, nhiều trường ĐH đã tiếp tục triển khai công tác xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, sau khi công bố điểm thi, trường tiếp tục thông báo tuyển 600 chỉ tiêu hệ ĐH; dự kiến điểm sàn NV2 với ngành Kiến trúc là 14 điểm và các ngành còn lại là 13 điểm. Đồng thời, trường cũng tuyển thêm 300 chỉ tiêu hệ CĐ cho 5 ngành đào tạo với mức dự kiến 9 điểm (đã cộng ưu tiên). Tuy nhiên, điểm xét tuyển NV2 chính thức của trường vẫn phải chờ kết quả điểm sàn của Bộ GDĐT.
Nhiều trường ĐH khác thực hiện tuyển sinh theo đề án riêng cũng đang trông chờ vào xét tuyển đủ ở NV2 như: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ TP.HCM, CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn… Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: “Số hồ sơ xét tuyển riêng trong đợt 1 này được 1.195 hồ sơ hợp lệ/1.300 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo tỷ lệ nhập học NV1 hằng năm của trường chỉ đạt khoảng 40-50% nên trường tiếp tục xét tuyển NV2”.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Năm nay trường dành 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng (600 chỉ tiêu ĐH và 175 chỉ tiêu CĐ), nhưng đợt 1 xét tuyển chỉ được 381 thí sinh đáp ứng chuẩn nên chúng tôi vẫn sẽ phải trông chờ nhiều ở đợt xét tuyển sắp tới”.
Theo quy định, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) sau khi Bộ GDĐT công bố điểm sàn. Tuy nhiên, năm nay do dự kiến sẽ có khoảng 4 mức điểm sàn (3 mức cho hệ ĐH và 1 mức cho hệ CĐ) nên nhiều trường ĐH-CĐ đã công bố điểm chuẩn dự kiến, điểm chuẩn chính thức mà không chờ Bộ công bố điểm sàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.