Đức Nguyên
Thứ sáu, ngày 21/04/2023 08:25 AM (GMT+7)
Một số tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã được thí điểm cho thuê vỉa hè cách đây một năm. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, sử dụng tạm thời hè phố với 45.000 đồng/m2/tháng.
UBND quận Hoàn Kiếm từng thí điểm sử dụng vỉa hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh gồm: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến nhà vệ sinh công cộng gần Cửa Đông), Lê Phụng Hiểu.
Thời gian hoạt động từ 6 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, riêng phố Phùng Hưng từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, sử dụng tạm thời hè phố với 45.000 đồng/m2/tháng.
Vị trí người dân được sử dụng là phần vỉa hè sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà, kết nối với không gian tầng một.
Anh Lê Minh Hiếu (bảo vệ trông xe khu vực phố Lý Thường Kiệt) cho hay: “Tôi đã làm bảo vệ ở đây được 2 năm, phần vỉa hè này có được cho thuê để kinh doanh, phục vụ nhu cầu người dân.
Khu vực này rất đông người, nếu không có bãi đỗ xe thì người dân rất khó khăn trong việc để phương tiện. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng ra quân dẹp vỉa hè rất nhiều, thế nên việc sắp xếp xe làm sao chừa lại phần đường cho người đi bộ là rất quan trọng”.
Ghi nhận tại phố Lý Thường Kiệt, một số công ty lớn đã được cấp phép thí điểm sử dụng vỉa hè thời gian qua, tập trung vào mặt tiền các tòa nhà để kinh doanh đồ ăn nhanh, bán cà phê, giải khát,... phục vụ du khách.
Ông Lê Hữu Thọ (Quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Việc cho thuê vỉa hè mà vẫn đảm bảo được phần đi của người đi bộ là khá tốt. Tuy nhiên, tôi thấy vấn đề này chưa được làm đồng bộ, nhiều khu vực người dân vẫn chưa biết thông tin về việc thuê vỉa hè, rất nhiều hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ vẫn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh”.
Được biết, vỉa hè các tuyến phố được thí điểm cho thuê đều có chiều rộng từ 5 - 7m, thoáng mát và sạch sẽ. Tuy nhiên, nhiều điểm trông giữ xe máy, ô tô được bố trí phủ kín cả bề mặt vỉa hè, khiến không ít người dân bức xúc.
Ghi nhận tại phố Phùng Hưng, cả một tuyến phố dài được dùng làm nơi giữ xe máy, ô tô, không chừa phần nào cho người đi bộ.
Chị Nguyễn Thị Tuyền (Chủ cửa hàng khu vực phố Phùng Hưng) chia sẻ: “Tôi rất bức xúc vì phần vỉa hè cho người đi bộ giờ lại thành nơi giữ xe máy, ô tô như thế. Dù đã được cấp phép, tuy nhiên phần đường gần như bị chiếm toàn bộ. Người đi bộ hay người khuyết tật muốn di chuyển chị có thể xuống lòng đường”.
“Tôi nghĩ việc cho thuê vỉa hè là điều cần thiết, đây cũng là một nguồn kinh tế cần phải đảm bảo, rất nhiều người kinh doanh, nhờ vào vỉa hè mà sống. Tuy nhiên, cho thuê làm sao phải đảm bảo phần hè phố cho người đi bộ vẫn còn, không được nhếch nhác, xem vỉa hè là của riêng”, chị Tuyền nói thêm.
Tại một số phố như Trần Hưng Đạo, Lê Phụng Hiểu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều khu vực vỉa hè có rào chắn, biển cấm đỗ nhưng hàng loạt các phương tiện vẫn dừng, đỗ xe trên vỉa hè dù đang trong thời gian cao điểm TP Hà Nội ra quân tổng kiểm tra và xử lý các trường hợp cố ý sai phạm lấn chiếm vỉa hè.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong cuộc hợp mới đây cho rằng, để hài hòa giữa đảm bảo trật tự đô thị, phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội, các cơ quan cần nghiên cứu cách làm căn cơ, duy trì kết quả lâu dài, không "bắt cóc bỏ đĩa", lãng phí nguồn lực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận mạnh dạn thí điểm quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đang bám vỉa hè kiếm sống. Thực tế, tại quận Hoàn Kiếm đã có một số tuyến phố thí điểm cho thuê vỉa hè, đa số là các vị trí đất vàng nhằm phát triển du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.