Thí sinh rơi vào thế khó trước 'cuộc đua' IELTS của các trường đại học
Thí sinh rơi vào thế khó trước 'cuộc đua' IELTS của các trường đại học
Thứ bảy, ngày 08/07/2023 17:15 PM (GMT+7)
Do nhiều ngành yêu cầu thí sinh phải có IELTS từ 7.0 mới trúng tuyển, giáo viên lo ngại việc các trường nâng điểm chuẩn IELTS sẽ khiến học sinh thêm áp lực khi học chứng chỉ này.
Sát thềm tuyển sinh, các trường đại học liên tiếp công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm. Với một số trường tuyển sinh bằng điểm IELTS, để trúng tuyển, thí sinh cần đạt từ 6.5 trở lên, thậm chí không ít ngành yêu cầu thí sinh phải có IELTS 7.5-8.0 mới trúng tuyển
Học sinh lo lắng vì điểm chuẩn cao
"Điểm chuẩn cao quá" là điều mà Thúy Anh, học sinh lớp 11 ở TP.HCM, phải thốt lên khi tra cứu điểm chuẩn IELTS của các trường đại học. Dù còn một năm nữa mới đến lúc nộp hồ sơ xét tuyển đại học, nữ sinh đã bắt đầu tìm hiểu phương thức xét tuyển và điểm chuẩn của các trường ở TP.HCM.
Hiện, Thúy Anh "nhắm" đến hai trường đào tạo ngành Luật ở TP.HCM là Đại học Luật TP.HCM và Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM). Ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh dự định dùng điểm IELTS kết hợp học bạ THPT để xét tuyển.
Do đó, ngay từ lớp 10, nữ sinh đã bắt đầu học IELTS và hiện đạt mức 6.0. Dự kiến trong 6-8 tháng tới, Thúy Anh sẽ cố "nâng band" để đạt được IELTS 6.5-7.0.
Nhưng với tình hình điểm chuẩn xét tuyển IELTS hiện tại, Thúy Anh lo là bản thân sẽ phải đặt mục tiêu đạt điểm cao hơn để nâng cao cơ hội trúng tuyển đại học. Lý do là năm nay, hai trường mà nữ sinh hướng đến đặt ra yêu cầu về IELTS khá cao.
Tại Đại học Luật TP.HCM, nếu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần đạt IELTS 5.5-7.5 mới trúng tuyển. Ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là Luật thương mại quốc tế. Trường yêu cầu thí sinh đạt 7.5 IELTS trở lên và có điểm trung bình cộng là 22,5. Nếu thí sinh chỉ có 7.0 IELTS, các em cần có điểm trung bình cộng là 28.
Theo sau đó là ngành Ngôn ngữ Anh và Quản trị - Luật, đều yêu cầu thí sinh có IELTS 6.0-6.5. Ngành Quản trị kinh doanh và ngành Luật yêu cầu thí sinh đạt mức IELTS 5.5 trở lên. Nếu xét tuyển bằng TOEFL, thí sinh cần có điểm TOEFL iBT từ 80 trở lên.
Còn tại Đại học Kinh tế - Luật, điểm chuẩn xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế dao động trong khoảng 23-29,2. Điểm chuẩn khi xét tuyển bằng IELTS là tổng điểm quy đổi của chứng chỉ tiếng Anh nhân hệ số 2, cộng với điểm trung bình học bạ 3 năm THPT.
Như vậy, trung bình thí sinh phải đạt 7,6-9,7 cho mỗi đầu điểm mới trúng tuyển. Nếu quy đổi theo bảng điểm do nhà trường đặt ra, 7,6 điểm tương đương IELTS 5.5, còn 9,7 điểm tương đương IELTS 7.5. Như vậy, nếu muốn trúng tuyển ngành có điểm chuẩn cao nhất theo phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thí sinh cần đạt IELTS 7.5 trở lên mới trúng tuyển.
Khi tham khảo mức điểm chuẩn này, Thúy Anh đặt câu hỏi liệu trong năm tới, các trường có nâng điểm IELTS hay không. Nếu điểm chuẩn IELTS vẫn tăng, nữ sinh buộc phải ôn tập thêm để dự thi đánh giá năng lực, từ đó có thêm cơ hội trúng tuyển và cũng bớt áp lực với việc học IELTS.
Không riêng Đại học Luật TP.HCM và Đại học Kinh tế - Luật, một số ngành của các trường khác cũng lấy mức điểm IELTS trên 7.0, thậm chí 8.0.
Ngành lấy điểm chuẩn IELTS 8.0 là Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM). Hai ngành lấy mức chuẩn IELTS 7.5 là Công nghệ sinh học (chương trình chất lượng cao) và Công nghệ thông tin (chương trình chất lượng cao).
Nếu có IELTS 7.0, thí sinh có thể trúng tuyển ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học (chương trình chất lượng cao) và Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chương trình chất lượng cao).
Tại Học viện Ngân hàng, điểm chuẩn xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nằm trong khoảng 20-23,3 điểm.
Đối với thí sinh dùng chứng chỉ IELTS để xét tuyển, mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển 20, 21,6 và 23,3 tương ứng với một thí sinh ở khu vực 3 (các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương) đạt điểm IELTS lần lượt là 6.0, 6.5 và 7.0.
Tuyển sinh bằng IELTS cần có "chừng mực"
Khi biết nhiều ngành học yêu cầu thí sinh phải có IELTS 7.0-8.0 mới trúng tuyển, cô Quỳnh Trang, giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội, bất ngờ vì điểm chuẩn quá cao, thậm chí cao hơn mức điểm thí sinh cần có khi nộp hồ sơ du học tại các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Canada, Australia...
Cô Trang lấy ví dụ trung bình các trường đại học Mỹ yêu cầu sinh viên quốc tế phải có chứng chỉ IELTS 6.0-6.5 khi nộp hồ sơ du học. Với các trường top đầu, mức điểm các trường đặt ra cũng chỉ ở mức 7.0-7.5, không lên đến 8.0.
Tương tự với du học Anh, thông thường các trường đại học yêu cầu sinh viên quốc tế có IELTS 7.0-7.5. Còn tại Australia, các trường thường chỉ yêu cầu thí sinh có chứng chỉ IELTS 6.0-6.5.
Cô Trang nêu quan điểm việc các trường đặt ra yêu cầu IELTS đầu vào cao như vậy là không cần thiết. Dù các ngành đó thuộc hệ đào tạo chất lượng cao, điểm chuẩn IELTS cũng chỉ nên dừng ở mức 6.0-6.5. Học sinh có mức điểm này đã đạt đến trình độ có thể học tốt các môn được giảng dạy bằng tiếng Anh.
Các ngành đặc thù hơn như Ngôn ngữ Anh có thể nâng lên mức 7.0 là "hết cỡ", không nên cao hơn vì như thế sẽ khiến thí sinh vất vả khi học chứng chỉ này.
"Đầu vào IELTS quá cao sẽ khiến thí sinh 'khó vào, khó ra'. Tôi tự hỏi nếu đầu vào nhà trường đã yêu cầu thí sinh phải có IELTS 7.0-8.0, vậy khi tốt nghiệp, các em sẽ phải có IELTS ở mức bao nhiêu mới đủ tiêu chuẩn lấy bằng tốt nghiệp?", cô Trang đặt câu hỏi.
Chung quan điểm với cô Quỳnh Trang, thầy Chí Bình, giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội, cũng cho rằng điểm chuẩn IELTS đầu vào trên 7.0 là quá cao. Thầy Bình không phản đối việc các trường tuyển sinh bằng IELTS, nhưng việc đặt ra điểm chuẩn cần có "chừng mực".
Theo thầy Bình, các trường có thể đặt ra mức chuẩn IELTS 6.0-6.5, tối đa là 7.0 (đối với các ngành liên quan tiếng Anh). Những ngành không liên quan tiếng Anh trong chuyên ngành hoặc cách thức đào tạo, các trường không nên dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển vì không thực sự cần thiết.
Ngoài ra, thầy Bình cũng cho rằng IELTS chỉ nên là tiêu chí phụ, không nên dùng làm tiêu chí chính để tuyển sinh vì chứng chỉ IELTS chỉ phản ánh khả năng học và sử dụng ngôn ngữ, không quyết định khả năng theo đuổi chuyên ngành của thí sinh đó khi lên đại học.
"Tôi thấy các trường đang hơi 'lạm dụng' chứng chỉ IELTS để tuyển sinh. Điểm chuẩn IELTS càng bị đẩy cao, học sinh sẽ càng bỏ bê những môn khác để dành thời gian học IELTS. Như vậy, khi lên đại học, sinh viên sẽ rất khó theo đuổi chuyên ngành vì các em chỉ biết ngoại ngữ và thiếu đi kiến thức ở môn học quan trọng khác", thầy Bình nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.