Thí sinh "rộng cửa" ở kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 24/02/2017 06:20 AM (GMT+7)
Từ ngày 1.4, học sinh trong cả nước sẽ bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ. Do không hạn chế nguyện vọng xét tuyển nên cơ hội vào ĐH, CĐ được đánh giá là khá rộng mở. Tuy nhiên, thí sinh cần thận trọng khi đặt bút đăng ký chọn môn, chọn ngành xét tuyển.
Bình luận 0

Vẫn “sính” môn khoa học tự nhiên

Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GDĐT, năm nay, thí sinh chưa tốt nghiệp THPT sẽ phải thi 4 bài thi bao gồm 6 môn thi để được công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, các em có thể thi hết 5 bài thi với 9 môn thi để tăng cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy

Các mốc thời gian cần lưu ý

Bộ GDĐT quy định, thời hạn đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 từ ngày 1.4 đến ngày 20.4.

Sau ngày 20.4, thí sinh không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Chậm nhất đến ngày 25.5, các đơn vị đăng ký dự thi (ĐKDT) hoàn thành việc: Thu phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi.

Chậm nhất ngày 25.5, các đơn vị ĐKDT hoàn chỉnh các công việc trên, bàn giao cho sở GDĐT: Danh sách ĐKDT, túi hồ sơ ĐKDT gồm bản photocopy chứng minh nhân dân, phong bì ghi địa chỉ và ảnh của thí sinh (phiếu ĐKDT số 1 dán bên ngoài túi hồ sơ sẽ được Sở GDĐT lưu giữ).

Tại nhiều trường THPT, thời điểm này, học sinh đã được khảo sát về việc đăng ký môn thi để định hướng ôn tập. Xu hướng chung cho thấy, phần lớn thí sinh vẫn chỉ lựa chọn 4 bài thi, trong đó tổ hợp môn khoa học tự nhiên (KHTN) được nhiều thí sinh lựa chọn.

Em Nguyễn Thị Phương – học sinh Trường THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, em dự định chọn tổ hợp môn KHTN do: “Lực học môn sử, địa của em cũng khá tốt, em băn khoăn có nên chọn thêm tổ hợp môn khoa học xã hội (KHXH) để tăng cơ hội vào ĐH hay không. Năm nay, nhiều trường ĐH công bố xét tuyển rất nhiều tổ hợp môn mới, nếu chỉ thi 4 bài em đã có 14 tổ hợp có thể dùng để xét tuyển, nếu thi hết 5 bài thì số cơ hội của mình sẽ rất lớn”.

Tại Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), trong tổng số 456 học sinh lớp 12 của trường có 153 học sinh chọn đăng ký bài thi KHXH, 303 học sinh lựa chọn bài thi KHTN. Lãnh đạo trường này cũng thông tin, có rất ít học sinh trong trường có ý định chọn cả 2 bài thi này.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), trong đợt khảo sát đầu tiên có tới 277 em chọn bài thi KHTN, trong khi chỉ có 104 học sinh chọn bài thi KHXH. Theo cô Ngô Thị Thành – Phó hiệu trưởng nhà trường, ngay từ đầu năm học, khối 12 đã được chia ban, xếp lớp theo môn thi các em đăng ký để thuận lợi cho việc ôn tập của học sinh.

Khảo sát của Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh cũng cho thấy, số lượng học sinh lựa chọn bài thi KHTN tại các trường THPT cũng áp đảo. Cụ thể, Trường THPT Marie (quận 3) có khoảng 80% học sinh chọn bài thi KHTN; Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) có 420 học sinh lớp 12 thì có đến 90% chọn bài thi tổ hợp KHTN. Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) có 335 học sinh lớp 12 nhưng có đến 310 em chọn bài thi KHTN…

Thận trọng khi lựa chọn

Nói về cơ hội vào ĐH, CĐ năm 2017 của thí sinh, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó trưởng ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cửa vào ĐH rộng mở hơn nhưng thí sinh cũng phải rất thận trọng trong lựa chọn của mình.

Năm nay, Bộ GDĐT không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển như các năm trước, thí sinh có thể đăng ký ở nhiều trường, nhiều ngành khác nhau với các nhóm tổ hợp môn thi mình có. Ngoài ra, chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp THPT, thí sinh cũng có cơ hội đỗ vào các trường ĐH top dưới.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, việc lựa chọn ngành, nghề cũng phải cân nhắc. Theo ông Cường, có 3 tiêu chí để chọn ngành: Phù hợp với năng lực, phù hợp với kinh tế và phù hợp với nhu cầu thị trường. “Cơ hội vào ĐH rất lớn nhưng không phải thí sinh nào cũng “cố gắng” vào ĐH. Có rất nhiều cấp học để lựa chọn, vào ĐH chỉ phù hợp với những em thiên về nghiên cứu, chuyên sâu, có sức học tốt. Nếu những em sức học chỉ vừa phải, mục tiêu ra trường có việc làm ổn định thì nên chọn bậc CĐ, TCCN thậm chí trường nghề để có điều kiện ra trường sớm tham gia thị trường lao động” – ông Cường nói.

Tương tự, TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu chọn thi 5 bài thi với 9 môn, cơ hội vào ĐH của thí sinh còn rộng mở hơn rất nhiều vì năm nay nhiều trường đã bổ sung  thêm nhiều tổ hợp môn thi mới trong đề án tuyển sinh. Tuy vậy, ông Nghĩa khuyên: “Thí sinh chỉ nên chọn 4 bài thi với 6 môn. Nếu dự thi cả 9 môn, sức học sẽ dàn trải, không tập trung, điểm các môn đều thấp hoặc không may bị điểm liệt môn thành phần trong 2 bài tổ hợp coi như sẽ mất cả chì lẫn chài”.

Lưu ý thêm với thí sinh về việc đăng ký dự thi, ông Cường cho biết, năm nay có một điểm mới là thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH cùng thời điểm làm hồ sơ thi THPT quốc gia. Bộ cũng quy định sau khi biết điểm, thí sinh có thể điều chỉnh lại nguyện vọng xét tuyển. “Đây là cơ hội cuối cùng thí sinh cần đặc biệt lưu tâm. Lúc này, các em phải tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển của các khoa, ngành những năm trước được đăng trên website trường và báo chí để điều chỉnh nguyện vọng của mình, tránh những rủi ro” – ông Cường nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem