Tuyển sinh Đại Học, Cao Đẳng năm 2015: Soi kỹ phổ điểm để chọn trường

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 25/07/2015 06:39 AM (GMT+7)
Ngày 1.8, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển, cũng là thời điểm thí sinh (TS) sẽ “hoa mày chóng mặt” để tra cứu và lựa trong khối lượng thông tin xét tuyển khổng lồ của hơn 400 trường ĐH, CĐ nhằm chọn trường phù hợp. Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, phổ điểm là căn cứ đầu tiên TS phải bám sát để chọn trường.
Bình luận 0

Phổ điểm nhiều môn chưa đẹp

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, phổ điểm (mức phân bố điểm của từng môn thi) chung của các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã phản ánh đúng thực chất năng lực của học sinh ở từng môn học.

img

Thí sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trao đổi sau buổi thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015.   Ảnh:   Đàm Duy

GS Trần Hồng Quân – Chủ  tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Phổ điểm đẹp nhất thuộc về các môn xã hội- văn, sử, địa. Cụ thể, ở những môn này, số lượng điểm nhiều nhất tập trung từ 5 – 7 điểm, điểm dưới trung bình và điểm cao 8, 9, 10 trải đều hình nón, rất phù hợp với việc xét tuyển của các top trường ĐH, CĐ khác nhau. Ngược lại phổ điểm các môn toán, sinh và đặc biệt là môn ngoại ngữ chưa đẹp, rất nhiều điểm liệt, ít điểm tối đa. “Riêng phổ điểm môn ngoại ngữ đã phản ánh đúng trình độ của học sinh Việt Nam. Môn này, có quá nhiều TS bị điểm liệt, điểm nhiều nhất là 2,5. Tôi cho rằng, các năm sau Bộ nên  thống nhất cách ra đề để mức độ phân hóa của các môn đồng đều hơn, nhất là đối với những môn xét tốt nghiệp” – ông Quân nói. Trong khi đó, số lượng điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) thể hiện trong phổ điểm các môn cũng rất cao, đặc biệt là đối với các môn xét tốt nghiệp. Điều này khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra không ít trường hợp TS đủ điểm xét tuyển vào ĐH nhưng… trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt. Cụ thể, ở môn Toán có đến 5.410 TS bị điểm 0; 6.671 TS bị điểm 0,5; 8.586 TS bị điểm 1. Phổ điểm này không thể hiện số thí sinh đạt mức 0,25 và 0,75 nên ước tính có khoảng 40.000 TS bị điểm liệt. Tương tự, môn Văn  số TS bị điểm 0 là 423; mức 0,5 là 192 TS và mức 1 điểm là 349 TS; môn Ngoại ngữ cũng có 167 TS bị dưới 1 điểm.

Theo PGS -TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên, trường hợp này sẽ xảy ra nhưng không nhiều: “Các em đã trượt tốt nghiệp thì các môn khác không bao giờ cao được, trừ trường hợp “ăn  may”. Tuy vẫn có thể có trường hợp các em học quá lệch, tuy nhiên vẫn cần thiết phải đảm bảo mức tối thiểu để tốt nghiệp, với đề thi năm nay, các em chỉ cần học lực mức trung bình thấp thôi cũng vẫn có thể đạt được mức điểm xét tốt nghiệp” – ông Vui nói. Với những trường hợp như trên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “TS đủ điểm các tổ hợp môn xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng trượt tốt nghiệp thì coi như trượt cả 2”.

“Găm” hồ sơ chờ ngày cuối

Đó là tâm lý của nhiều TS sau khi đã biết điểm và phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay. Em Trần Thị Ánh Nguyệt (xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Tổng điểm 3 môn khối A của em được 18,5 điểm, với mức điểm này em dự kiến sẽ gửi hồ sơ vào Trường ĐH Công nghiệp. Tuy nhiên, em phải chờ đến giữa tháng 8, gần hết đợt xét tuyển nguyện vọng 1 mới nộp hồ sơ, lúc đó sẽ phân tích được kỹ hơn mức điểm này có khả năng đỗ không khi biết điểm của các bạn”.

Đây cũng là lo ngại của nhiều trường ĐH, CĐ. Theo ông Nguyễn Quang Dong – Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, do tính chất xét tuyển năm nay rất khác biệt nên TS chắc chắn sẽ thận trọng hơn, nhất là đối với những TS có điểm không cao: “Sẽ xảy ra trường hợp TS giữ hồ sơ để theo dõi xem các biến động về chỉ tiêu của các ngành và số hồ sơ nộp vào rút ra, đến gần ngày cuối sẽ đổ dồn hồ sơ nộp vào các ngành còn chỉ tiêu. Nếu như vậy, điểm chuẩn ngành đó sẽ tăng cao, thậm chí làm tăng điểm chuẩn các ngành khác” – ông Dong nói.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga thì khuyên, TS cần phải bám sát phổ điểm để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Cụ thể, trước khi làm hồ sơ TS cần biết phổ điểm của mình nằm ở ví trí nào: “Ví dụ, tổng điểm 3 môn được 15 điểm, phân tích trên phổ điểm 3 môn đó (Bộ đã có số liệu cụ thể trên hình vẽ phổ điểm), các em sẽ biết được lượng TS nhiều điểm hơn mình và ít điểm hơn mình ở tổ hợp môn thi đó là bao nhiêu từ đó quyết định chọn top trường sao cho vừa sức với mức điểm” – ông Ga nói.

Ông Ga cũng cho rằng, TS cũng cần phải lựa chọn ngành, trường theo sở thích để tránh tình trạng đỗ vào học rồi lại bỏ giữa chừng vì chán. Cũng theo ông Ga, những trường top cao nhất sẽ có điểm xét tuyển rất cao là ĐH Y, Dược..; sau đó đến các trường: Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế Quốc dân… Tuy nhiên, TS cũng lưu ý, không phải tất cả các trường top trên thì tất cả các ngành của trường đó đều lấy điểm đầu vào cao, có nhiều ngành mức điểm rất “mềm”. Ngoài ra, TS cũng cần cân nhắc đến những ngành tuy lấy điểm chuẩn không cao nhưng đầu ra tốt, cơ hội có việc làm khả quan. 

 Từ ngày công bố điểm thi 22.7 thí sinh có 10 ngày sau đó để xin phúc khảo bài thi THPT quốc gia. TS nộp đơn tại các Sở GDĐT địa phương, lệ phí phúc khảo 30.000 đồng/môn. Sau 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, các Sở GDĐT phải công bố kết quả   phúc khảo.  

Xem kỹ các yêu cầu sơ loại

Trong thời gian chờ điểm sàn của Bộ GDĐT và điểm chuẩn của các trường, TS cần xem xét kỹ các yêu cầu sơ loại của các trường ĐH, CĐ đã công bố trong phương án tuyển sinh trước đó để loại trừ khả năng có đủ tiêu chuẩn nộp hồ sơ hay không. Ví dụ: ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn xét tuyển phải đạt 20 điểm trở lên; ĐH Sư phạm Hà Nội yêu cầu TS phải có hạnh kiểm 8 học kỳ đạt khá trở lên và có điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 5,5 điểm trở lên; ĐH Thủy lợi cũng yêu cầu điểm trung bình các năm học THPT từ 5,5...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem