Thi THPT 4 môn: Học sinh mừng húm

Thứ ba, ngày 25/02/2014 14:50 PM (GMT+7)
Vui mừng, phấn khích - Đó là cảm xúc chung của thầy - trò và phụ huynh trên cả nước trước phương án thi tốt nghiệp THPT mới vừa được Bộ GD&ĐT công bố.
Bình luận 0
img


Giảm áp lực cho con, giảm áp lực cho cả bố mẹ

Chị Nguyễn Thu Hà - Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Con tôi năm nay thi tốt nghiệp THPT, tôi theo dõi và mong đợi phương án thi mới không kém các cháu. Sau khi chính thức biết thông tin về phương án thi tốt nghiệp, tôi rất mừng.

Con đi thi thì bố mẹ ở sau hỗ trợ từ miếng ăn, giấc ngủ, đưa con đi học, đi ôn… Con thi giảm áp lực, chúng tôi cũng giảm áp lực!

Từ 6 môn thi, năm nay các cháu chỉ phải thi 4. Nếu tính như cách lựa chọn của con, năm nay cháu chỉ phải thi trong 1,5 ngày là xong.

Việc Bộ GD&ĐT đưa Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn với gia đình tôi cũng là tin vui. Bởi cháu dự định thi khối D, có thế mạnh Ngoại ngữ nên năm nay sẽ được phát huy sở trường. Hy vọng với phương án thi mới, kết quả tốt nghiệp của cháu sẽ như mong đợi.

Học sinh thích được lựa chọn môn thi


Nguyễn Thị Yến, HS lớp 12 Sinh - Trường THPT chuyên (ĐHSP):


Ngay sau khi biết thông tin phương án thi tốt nghiệp mới, bố mẹ em đã nhắn tin: “Quy chế thi ngày càng tốt hơn, con may mắn hơn các anh chị vì được lựa chọn môn học mình thích”.

img

Các bạn trong lớp em cũng rất vui mừng vì môn thi giảm. Toán và Văn thì bạn nào cũng phải học, 2 môn còn lại được tự chọn, lịch ôn tập nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bản thân em thấy rằng đây là phương án thi tốt và rất có lợi cho học sinh. Chúng em được lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực, phù hợp với xu hướng chọn ngành nghề khi lên ĐH.

Theo em, nnhững bài kiểm tra, kỳ kiểm tra trên lớp đã đánh giá được học lực của học sinh một cách khá toàn diện. Quy định xếp loại tốt nghiệp cũng có đến 50% từ kết quả học tập, rèn luyện năm lớp 12. Bởi vậy, phương án thi tốt nghiệp như năm nay là hợp lý.

Với giải Nhì học sinh giỏi quốc gia, em sẽ không phải lo về kỳ thi ĐH nên chỉ tập trung cho thi tốt nghiệp. Hai môn tự chọn của em là Hóa, Sinh.

Đỗ Minh Ngọc - HS lớp 12 Hóa, Trường THPT chuyên ĐHSP:


Biết thông tin chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT, em rất vui. Đây cũng là phương án thi mà em và các bạn mong chờ.

img

Với 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý, Sinh học, áp dụng ngay trong kỳ thi năm nay chắc chắn em sẽ chủ động hơn nhiều trong việc ôn thi tốt nghiệp, giảm áp lực thi cử.

Việc giảm áp lực không chỉ ở việc số môn thi ít đi mà việc được lựa chọn môn sở trường - cũng là môn có sự chuẩn bị chu đáo từ đầu năm học để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH giúp cho chúng em không bị dàn trải trong chuẩn bị thi. Riêng lựa chọn của em năm nay sẽ là tiếng Anh và Hóa học.

Đáp ứng mong muốn sớm được thụ hưởng thành quả đổi mới giáo dục

Thầy Lê Đình Diệp (Trường THPT Bình Sơn) - giáo viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi - bày tỏ niềm vui trước phương án thi tốt nghiệp mới.

“Các học sinh của tôi phấn khởi lắm và rất hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em học tập. Các em luôn mong muốn sớm được thụ hưởng những thành quả của đổi mới giáo dục” - thầy Diệp tâm sự.

Để chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp theo phương án mới, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện những bài test thử, cho học sinh đăng ký môn thi xem các lựa chọn môn thi nào để rút ra bài học kinh nghiệm.

Về xu hướng chọn môn thi, thường các em có học lực khá, giỏi sẽ lựa chọn môn thi tốt nghiệp theo hướng thi ĐH. Học sinh có học lực trung bình chọn môn giúp các em rèn luyện khả năng để chuẩn bị cho kỳ thi cao hơn.

Thầy Diệp cho biết, sau khi phương án thi tốt nghiệp được công bố thầy đã trao đổi với học sinh của mình, chuẩn bị tâm thế sớm nhất cho kỳ thi.

Một bộ phận học sinh yếu, xác định mục tiêu cuối cùng là đỗ được tốt nghiệp để xét tuyển vào trung cấp, học nghề sẽ lựa chọn môn nào mình có khả năng đỗ cao nhất.

Là một giáo viên giỏi và giàu kinh nghiệm, thầy Diệp cho rằng, học sinh nên lựa chọn môn thi phù hợp với năng lực và sở trường của mình.

Những môn không lựa chọn để thi tốt nghiệp, các em cũng không nên lơ là. Bởi thứ nhất, việc xét kết quả tốt nghiệp có đến 50% từ kết quả học tập và rèn luyện năm lớp 12. Bên cạnh đó, khi vào ĐH, ra đời làm việc, kiến thức những môn học đó sẽ vô cùng cần thiết đối với các em.

Cô Nguyễn Thị Nga - Giáo viên Địa lý trường THPT tại Hà Nội:


Tôi và các đồng nghiệp đều thực sự phấn khởi trước phương án thi tốt nghiệp mới bởi cả thầy và trò đều giảm rất nhiều áp lực, đồng thời có điều kiện để dạy và học hiệu quả hơn.

Việc giảm số môn thi, thời gian dài rộng, tâm lý nhẹ nhàng hơn, giáo viên có thời gian để giảng sâu, quan tâm đến học sinh hơn; từ đó tăng hiệu quả dạy - học.

Có thể làm một phép so sánh như thế này: Trước đây, với 6 môn thi, trong lớp học chắc chắn sẽ có học sinh hào hứng học, có em lại kém hứng thú hơn, bởi đó không phải là môn sở trường. Thái độ học tập của học sinh ảnh hưởng ít nhiều đến người dạy và ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Nhưng nay, học sinh được chọn, nếu các em chọn môn Địa lý chắc chắn bởi các em thích môn học này, có thế mạnh về môn học này. Giáo viên dạy thì phấn khởi, học sinh cũng học tập tích cực hơn.
GD&TĐ (Theo GD&TĐ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem