Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (ảnh IT).
Vấn đề liên quan đến thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đã được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật): Luật Giáo dục hiện hành quy định, học sinh học hết chương trình THPT, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Về vấn đề này hiện có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.
Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.
Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ ý kiến thứ nhất.
Góp ý cho dự thảo Luật, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần thận trọng, nghiêm túc và có thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri trong việc làm luật giáo dục, nhất xây dựng quy định về thi tốt nghiệp phổ thông.
Trưởng ban Dân nguyện cho rằng, bà rất băn khoăn với cách thức tổ chức thi như hiện nay. Cử tri cũng có nhắn tin trao đổi với bà nhiều về vấn đề này. “Tôi thấy còn phương án khác có thể xem xét là tổ chức 2 kỳ thi, vẫn thi tốt nghiệp phổ thông và nguồn điểm đó dùng để tham khảo cho các trường đại học, coi như đó là mức điểm sàn để sàng lọc thí sinh vào trường từ ban đầu”, bà Hải nói.
Ở góc độ khác, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân về vấn đề thi tốt nghiệp phổ thông để khi Quốc hội quyết định có sự đồng thuận của người dân, đồng thời cũng có thêm cơ sở khoa học, số liệu cụ thể.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua để lại những vấn đề cần phải giải quyết. Việc thi, nếu giao cho địa phương như hiện nay thì nảy sinh nhiều phức tạp. Ông cũng đề nghị dự Luật này cần xem xét thận trọng, phải xin ý kiến chuyên gia để đảm bảo.
Tổng Thư ký Quốc hội nói thêm, nếu đến kỳ họp thứ 6 tới dự luật này được thông qua có thể hơi sớm. Cần tiếp tục lắng nghe ý kiến và bàn bạc thêm một kỳ họp nữa.
Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25.11.2015, có hiệu lực ngày 1.7.2016. Theo Luật, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. Luật cũng quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân. Từ khi Luật này có hiệu lực tới nay chưa có vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.