Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Lăk (tỉnh Đăk Lăk), vụ đông xuân 2017 - 2018, một số diện tích cây trồng hằng năm trên địa bàn có sự biến đổi rõ rệt.
Trong đó, diện tích khoai lang tăng tới 224,7% so với kế hoạch, đạt 781ha (trong khi kế hoạch chỉ 348ha), chiếm 1/3 diện tích khoai lang của toàn tỉnh. Trong khi đó, một số diện tích lúa nước và ngô lai lại giảm so với kế hoạch.
Tương tự, tại huyện Krông Ana (Đăk Lăk), diện tích khoai lang Nhật Bản vụ đông xuân năm nay lên đến 350ha, vùng đất này phù hợp với khoai lang năng suất bình quân đạt tới 18 – 20 tấn/ha.
Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Krông Ana, vụ Đông Xuân năm nay, địa phương có khoảng 350 ha khoai lang Nhật Bản. Đây là vùng đất phù hợp với loại cây trồng này, nên năng suất bình quân đạt từ 18-20 tấn/ha.
Cán bộ Phòng NNPTNT huyện Lăk tìm hiểu việc trồng cây khoai lang Nhật của người dân. Ảnh: Nguyễn Gia
Thực tế, mấy năm gần đây, nhận thấy việc trồng khoai lang Nhật Bản đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định nên người dân mới đổ xô trồng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk, vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha khoai lang Nhật Bản. Chưa kể, ở nhiều địa phương khác trong khu vực Tây Nguyên, diện tích khoai lang đã tăng chóng mặt.
Đây có lẽ là một trong những lý do khiến thời gian qua, giá khoai lang Nhật Bản trên địa bàn Tây Nguyên giảm sâu khiến nông dân thua lỗ nặng. Nếu như mọi năm giá khoai lên đến 15.000 – 16.000 đồng/kg thì vụ này chỉ đạt 3.000 – 4.000 đồng/kg,thậm chí có lúc còn 2.000 đồng/kg, tính sơ sơ nông dân lỗ tới 30 – 35 triệu đồng/ha.
Tâm lý thấy vụ trước người ta trồng thu lãi cao đã thúc đẩy nhiều nông dân xuống giống. “Năm ngoái, thấy người ta trồng khoai thu được 130-140 triệu đồng/ha nên ai cũng ham, ai ngờ vụ này giá bán chỉ còn 30-35 triệu đồng/ha, trong khi chi phí đầu tư đã lên đến 50 triệu đồng/ha”, nhiều nông dân đã cho biết như vậy trước một mùa khoai thất bát.
Từ thực tế này, Phòng NNPTNT huyện Lắk đang khuyến cáo nông dân không nên trồng ồ ạt trồng mà chỉ trồng trên những vùng đất thích hợp; chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, quy hoạch cây trồng của huyện, liên kết thành tổ, đội sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã… để có hướng phát triển thích hợp, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, dẫn tới việc được mùa mất giá…
Rõ ràng, nhu cầu thị trường lên xuống là việc bình thường, nhưng tư duy nhìn mùa trước để sản xuất đã đến lúc phải được xem lại một cách nghiêm túc, nếu không muốn phải “giải cứu” như rất nhiều chiến dịch giải cứu dưa hấu, chuối, dứa, củ cải,… trong suốt thời gian qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.