Đồ vàng mã truyền thống phong phú
Hiện tại, hầu khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội, hình ảnh bắt mắt nhất là la liệt quần áo, mũ, hài, ngựa, cá chép, tiền vàng… được bày bán phục vụ cho ngày cúng Táo quân. Cũng như năm trước, mặt hàng truyền thống này rất đa dạng nhưng ít thay đổi về mẫu mã, chủng loại, giá cả hầu như không thay đổi so với mọi năm.
Các tiểu thương chợ cá Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) nhập cả tạ cá mỗi ngày phục vụ Tết ông Công, ông Táo. Ảnh: Đ.V
Tùy chất liệu, kích cỡ, giá các mặt hàng dao động từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng. Bộ 3 mũ là lễ vật cúng ông Công, ông Táo quan trọng nhất, giá bộ nhỏ nhất, giấy thường là 35.000 đồng, bộ to, giấy cứng và đẹp nhất là 150.000 đồng.
Các loại đồ cúng thông dụng khác được bán với giá cả bình dân như: Quần áo từ 10.000 - 20.000 đồng/bộ; tiền vàng giá từ 10.000 - 20.000 đồng/tập; vàng thỏi thần tài 30.000 đến 45.000 đồng/khối hộp; ngựa từ 25.000 - 100.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ.
Theo một số tiểu thương ở chợ Bưởi, cái mới của đồ vàng mã ông Công, ông Táo là màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Chẳng hạn, năm hành kim thì dùng màu vàng hay năm hành mộc thì dùng màu trắng, song sự thay đổi về màu sắc ở đồ vàng mã không thực sự nổi trội. Năm nay, bộ mũ được cải biến cầu kỳ và chất liệu đẹp hơn từ giấy vàng đỏ ánh thiếp, giá cũng chỉ tăng 10.000 đồng/bộ.
Giá cá chép phóng sinh tăng nhẹ
Càng cận ngày 23 tháng Chạp, người dân càng đổ xô đi mua cá chép. Không giống như các loại đồ cúng khác có thể mua trước cả tuần, cá chép để phóng sinh thường được mua trước 1- 2 ngày.
Tháng Chạp năm 2018 có 3 ngày đẹp để cúng Táo quân: Ngày tốt nhất là 22 tháng Chạp (ngày Canh Ngọ) vì vào tiết Lập xuân, giờ cúng tốt nhất là giờ Ngọ (11-13 giờ) hoặc giờ Mùi (13-15 giờ); Ngày tốt thứ hai là 20 tháng Chạp (ngày Mậu Thìn), giờ Tỵ (9-11 giờ) hoặc giờ Mùi (13-15 giờ); Ngày cuối cùng là 23 tháng Chạp, phải làm lễ trước 12 giờ trưa.
|
Ở chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), những ngày này các tiểu thương phải nhập khoảng 4 - 5 thùng cá chép (tương đương 1 tạ cá) để bán vào dịp Tết Táo quân. Cá được bắt từ chiều hôm trước, rạng sáng chở lên chợ để bán, tránh để trong thùng kín quá lâu khiến cá chết yểu.
Giá cá chép trên thị trường tăng nhẹ do thời tiết lạnh kéo dài, công tác chuẩn bị, vận chuyển, bảo quản để cá được tươi khá vất vả. Nếu mua trước 1 tuần, cá chép nhỏ giá không quá 10.000 đồng/con, nhưng từ ngày 21- 22 tháng Chạp giá sẽ tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/con tùy to nhỏ.
Theo ghi nhận, người mua rất thích cá chép đỏ, số lượng mua lẻ ít nhất là 3 con, nhiều là 9 con. Thêm nữa, có khá nhiều khách mua buôn để về bán lẻ ở các chợ ngõ, khiến “cháy hàng” cá chép nhỏ (1kg cá khoảng 45 con). Cá chép vàng có giá trung bình dao động khoảng 100.000 đồng/kg, cá chép đỏ 150.000 đồng/kg trở lên, đặc biệt cá chép đỏ vảy rồng có giá trung bình trên 100.000 đồng/con.
Dịp Tết ông Công, ông Táo là ngày tiêu thụ cá chép đỏ nhiều nhất. Anh Giang - một người mua buôn cá chép đỏ - cho biết: “Buôn bán cá chép vào dịp Tết ông Táo cũng khá mạo hiểm, bởi mặt hàng này chỉ có thể bán trong khoảng thời gian rất ngắn (3-4 ngày), đến hết ngày 23 mà không bán hết thì mất cả chì lẫn chài, nhưng nếu đắt hàng thì cũng kiếm lời rất khá”. Ở một số cửa hàng cá cảnh lâu năm còn xuất hiện thêm cá koi, được nhập Trung Quốc, Nhật Bản với giá cao, thường dành cho các gia đình khá giả, giá từ 200.000 - 800.000 đồng/con.
Ngoài đồ vàng mã, cá chép, thì mâm cỗ cúng Tết ông Công, ông Táo cũng được coi trọng, do vậy các mặt hàng như hoa, quả, thịt lợn, giò chả, đồ nếp cũng đắt hàng. Khảo sát nhanh tại các chợ, giá thực phẩm, hoa quả cũng có biến động nhẹ. Cam canh giá từ 35.000- 50.000 đồng/kg, tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái do cuối vụ, số lượng cam càng hiếm. Các loại trái cây khác cũng tăng giá so với ngày thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Nhiều loại hoa đang tăng giá từng ngày, đặc biệt hoa lay ơn tăng 5.000- 7.000 đồng/cành, hoa cúc tăng 3.000-4.000 đồng/cành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.