30 NĂM MỚI CÓ VÀI SHOW QUỐC TẾ
Năm nay, sau gần 20 năm hoạt động âm nhạc, Taylor Swift có một tour diễn vô tiền khoáng hậu mang tên The Eras Tour kéo dài suốt hai năm từ đầu 2023 đến hết 2024, với bao kỷ lục. Cả thế giới lên cơn sốt, số lượng vé bán ra phá vỡ kỷ lục mọi thời đại, vậy mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua vé cao khủng khiếp của người hâm mộ (nghe đâu tỷ lệ chọi để mua được vé lên đến 1/hàng vạn). Các điểm đến là các sân vận động trên khắp nước Mỹ, rồi Canada, Mexico, Argentina, Brazil, Nhật, Australia, Singapore, Pháp, Thuỵ Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh quốc, xứ Wales, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Italia, Đức, Ba Lan, Áo, trước khi quay về Mỹ và Canada. Ở Việt Nam, cộng đồng fans của Taylor Swift khá đông đảo, và những người chịu chơi phải canh book vé show ở Singapore. Cô ca sỹ sinh năm 1989 đã dành tới 6 đêm diễn vào tháng 3/2024 tại đảo quốc sư tử nhỏ bé này.
Những fans Việt vì thế phải chi một số tiền khá lớn, khoảng 20 triệu cho một chuyến đi show bao gồm tiền vé show, vé máy bay, phòng khách sạn và ăn ở. Không chỉ Taylor Swift mới có những tour diễn dọc ngang trái đất như vậy.
Đã từ rất lâu, hàng chục năm nay, các nghệ sỹ quốc tế thường xuyên có các tour diễn trải dài ở nhiều miền đất trên thế giới. Có xem lịch diễn dày đặc của các tên tuổi gạo cội như Bob Dylan, Elton John, Roger Waters, Rolling Stones, Queen, U2, AC/DC, Metallica, Guns n' Rores, Coldplay... hay những con số doanh thu concert khổng lồ của các gương mặt đình đám đương thời như Ed Sheeran, Harry Styles, Beyoncé, Taylor Swift, Adele, Rihanna, Sharika, Lady Gaga, Katy Pery, Ariana Grande... mới thấy, Việt Nam hầu như đã bị bỏ quên ở bên lề dòng chảy âm nhạc thế giới.
Trong vòng 30 năm qua kể từ sau khi mở cửa, số nghệ sỹ nổi tiếng quốc tế đến Việt Nam biểu diễn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là nữ danh ca người Pháp Patricia Kass năm 1994, ban nhạc Air Supply năm 1996 và năm 2009, ban nhạc Michael learns to rock vào các năm 1997, 2015 và 2016, ban nhạc The Moffatts năm 1999, ban nhạc Backstreet Boys năm 2011, nhạc sỹ - ca sỹ Bob Dylan năm 2011, ban nhạc Scorpions năm 2016 trong khuôn khổ Monsoon Music Festival, ca nhạc sỹ Babyface năm 2022 trong khuôn khổ Hozo Music Festival, The Moffatts, 911, A1 và Blue năm 2022 trong khuôn khổ HAY Glamping Music Festival, Ronan Keating năm 2023 trong khuôn khổ HAY Glamping Music Festival, Charlie Puth tại Đại nhạc hội 8Wonder năm 2023 tại Nha Trang, Maroon 5 tại Đại nhạc hội 8Wonder Winter tại Phú Quốc và sắp tới là Katy Perry trong Lễ trao giải VinFure năm 2023 tại Hà Nội, tất nhiên là phải kể đến hai concert BlackPink năm 2023 tại Hà Nội và hai concert Westlife năm 2023 tại TPHCM. Đây là một con số quá ít ỏi nếu so với sự sôi động hàng ngày của thị trường biểu diễn âm nhạc quốc tế, với hàng ngàn ca sỹ ban nhạc cả cựu trào lẫn tân binh.
Truyền thông và một bộ phận khán giả Việt Nam, cứ mỗi khi có một nhóm nhạc, nghệ sỹ quốc tế đến lưu diễn một hai buổi, là đã vội chạy những tít bài mang hơi hướng tự sướng như "Việt Nam là điểm đến của các nghệ sỹ quốc tế", "Nhiều nghệ sỹ thế giới chọn Việt Nam làm điểm dừng chân", "Việt Nam: Thị trường âm nhạc đang lên"... mà không biết rằng, so với tình hình thực tế của thế giới rộng lớn ngoài kia, những câu viết ấy thật hài hước đến chạnh lòng.
Có đến hàng trăm, hàng ngàn ban nhạc, nghệ sỹ vẫn đang miệt mài chạy show khắp thế giới mà suốt cả sự nghiệp mấy chục năm chưa một lần đặt chân tới Việt Nam, chưa một lần thèm biết đến khán giả nước ta. Đáng nói là, không so với đâu xa, ngay nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thường xuyên dập dìu show diễn quốc tế. Đơn cử như Thái Lan, chỉ riêng năm 2023, thủ đô Bangkok diễn ra tới 30 concert của các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như One Republic, Harry Styles, 50 Cent... Hoặc theo như lịch diễn năm 2024 được công bố trước của "hoạ my nước Anh" Adele, cô đến diễn tại Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Indonesia và không hề đoái hoài gì đến dải đất hình chữ S.
RỤC RỊCH CHUYỂN MÌNH, CẦN GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN?
Tháng 4/2011 có một món quà bất ngờ cho người yêu nhạc folk rock ở Việt Nam. Đó là sự ghé chân của huyền thoại âm nhạc Bob Dylan tại TPHCM trong tour diễn vòng quanh thế giới của ông. Đặc biệt hơn khi đó là show diễn duy nhất của Bobby ở khu vực Đông Nam Á dịp đó, và lần đầu tiên, nhiều khán giả ở Thái Lan, Singapore và Malaysia, Philippines... đã phải bay sang Việt Nam để được xem show tại khuôn viên trường ĐH RMIT. Sự kiện ấn tượng đó có được là nhờ công ty SaiGon Sound System (SSS) do ông Rod Quinton, một người Mỹ yêu nhạc làm Giám đốc điều hành. Được biết, SSS đã mất tới 3 năm để có được sự gật đầu của Bob Dylan. Khi đó, công ty này chịu chơi đầu tư khoản tiền mấy triệu đô (thời giá lúc đó) từ việc mời nghệ sỹ đến thuê dàn thiết bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng nhập ngoại về để các khán giả có một đêm diễn trọn vẹn trải nghiệm. Nói về sự đầu tư này, ông Rod Quinton đầy hào hứng hy vọng đêm diễn sẽ khai phá thị trường concert quốc tế tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ tiếp tục mang về những ngôi sao toàn cầu khác.
Thế nhưng, có lẽ ông Rod và SaiGon Sound System đã quá lạc quan. Khán giả Việt của hơn 10 năm trước vẫn chưa đủ tạo nên một cộng đồng lớn mạnh và am hiểu sẵn sàng cho việc tiếp đón các huyền thoại âm nhạc quốc tế. Những kế hoạch về việc đưa các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới tiếp theo về biểu diễn tại Việt Nam bất thành và SaiGon Sound System sau đó biến mất không dấu tích trên thị trường một cách đầy đáng tiếc.
Sau nhiều thập kỷ gần như không hoà nhập vào dòng chảy của thị trường âm nhạc quốc tế, thị trường tổ chức biểu diễn âm nhạc ở Việt Nam bắt đầu cựa mình với sự ra đời của Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) năm 2014. Đến nay, sau 10 năm, tuy chưa phải lễ hội lớn trong khu vực nhưng Monsoon cũng có tác động khá tích cực tới sự chuyển mình của thị trường biểu diễn cũng như thói quen xem show của khán giả.
Khoảng 3-4 năm trở lại đây, không hẹn mà gặp, làng nhạc Việt chứng kiến sự nở rộ của các lễ hội âm nhạc thường niên, thậm chí hai lần/năm. Có thể kể đến Những thành phố mơ màng khởi động vào năm 2017, Liên hoan Âm nhạc quốc tế TPHCM (Hozo Music Festival) ra đời năm 2019, HAY Glamping Music Festival ra mắt năm 2022 và mới đây là GEN Fest bước vào cuộc chơi với concert tháng 11/2023.
Tất cả đều theo mô hình lễ hội âm nhạc, tổ chức ở những không gian thoáng rộng, tự do ngoài trời như công viên, quảng trường. Hình thức đại nhạc hội với sự biểu diễn từ chiều đến đêm của hàng chục nghệ sỹ, ban nhạc trong khi khán giả tha hồ relax và chill. Các lễ hội âm nhạc này đã tạo điều kiện rất tuyệt vời cho nhiều gương mặt mới tài năng tiếp cận với khán giả. Rất nhiều cái tên trong giới âm nhạc indie đã trở thành quen thuộc qua các mùa music festival như Ngọt band, Chillies, Vũ, MCK, TLinh, Madihu, Thịnh Suy, Vũ Thanh Vân, LowG, Wren Evans... Quan trọng hơn, sự diễn ra thường xuyên của các lễ hội âm nhạc này tạo thói quen xem show cho lớp khán giả đương thời. Ngoài các gương mặt nhạc Việt, họ cũng được tiếp cận nhiều nghệ sỹ quốc tế, tuy hoặc còn ít tiếng tăm như Fergessen (Pháp), Lydmor (Đan Mạch), Andreas Tilliander (Thụy Điển), Munan (Hàn Quốc), Club Mild (Singapore), Rome in Reverse (Italia)... hoặc đã qua thời hoàng kim như Ronan Keating, The Moffatts, 911, A1, Blue... nhưng là những tiền đề rất tốt hình thành văn hoá và nhu cầu xem show quốc tế.
Từ những tín hiệu ban đầu này, hy vọng môi trường sẽ dần trưởng thành cả từ phía những đơn vị tổ chức lẫn khán giả. Các nhà tổ chức chuyên nghiệp thì mới càng dễ thu hút khán giả. Ngược lại, có một lực lượng khán giả thường xuyên, trung thành thì các nhà tổ chức mới yên tâm mở rộng quy mô phát triển và đầu tư mời các tên tuổi quốc tế xịn xò hơn. Đến khi Việt Nam đủ tạo ấn tượng về các concert tự tổ chức, mới mong các nghệ sỹ thế giới chú ý đến.
Tất nhiên, quá trình này dự kiến sẽ mất một khoảng thời gian dài. Song song với đó, cần sự hỗ trợ từ cấp nhà nước trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho các thủ tục hành chính. Hy vọng, một ngày nào đó, người yêu nhạc Việt Nam sẽ không cần phải đáp máy bay sang mấy nước lân cận để xem show, mà sẽ được gặp gỡ, thưởng thức các nghệ sỹ quốc tế nổi tiếng ngay trên đất nước mình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.