Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Là người trong ngành, tôi thấy thật vui vì phim “Đất rừng phương Nam” đã gặt hái được nhiều thành công: Từ chất lượng nội dung, nghệ thuật của phim, đến khán giả đông đảo, đạt doanh thu cao, sự quan tâm bình luận nhiều chiều của người xem, giới phê bình, nghệ sỹ, nhà quản lý... và cả vài ý kiến suy diễn quá đà.
Nếu nói tới chấn hưng văn hóa, nâng cao phẩm cách con người, thì vẻ đẹp của các tác phẩm văn học nghệ thuật với chiều sâu tư tưởng, giàu tính nhân văn, có tầm cao văn hóa và thẩm mỹ chính là những sản phẩm tinh thần quý giá cần thiết trong xã hội ồn ào hôm nay. Chúng ta cần biết trân trọng những sáng tạo nghệ thuật vì mục đích cao cả ấy.
Phim “Đất rừng phương Nam” đã được phân tích khen chê nhiều, nay tôi chỉ nêu một vài ý kiến (trên cơ sở bản phim đã chỉnh sửa và công chiếu).
Nói về thể loại, phong cách bộ phim, thì đây là phim lịch sử, với thời gian, không gian, bối cảnh, nhân vật, sự kiện… thời điểm những năm 1920 đến trước 1930. Xoay quanh câu chuyện cậu bé An đi tìm cha, Nam Bộ hiện ra với cảnh quan tươi đẹp, trù phú, con người hào sảng, nghĩa hiệp, “giữa đường thấy chuyên bất bình chẳng tha”, yêu nước chống thực dân Pháp.
Chủ đề phim ca ngợi vẻ đẹp của Đất và Người phương Nam, chiều sâu đời sống văn hóa tinh thần Nam Bộ, qua những câu hò, lời ru, tình cảm bà con lối xóm thương yêu đùm bọc lẫn nhau, những câu chuyên vui dân gian, những gánh hát bội truyền tải truyền thống cha ông, toát lên niềm tự hào về mảnh đất tươi đẹp, trù phú với lịch sử bi tráng, hào hùng.
Thủ pháp hiện thực với chút cường điệu, pha trộn chút phóng đại của thể loại hài, đồng thời vẫn đậm chất trữ tình sâu lắng, ngôn ngữ thể hiện đề cao hiệu quả hình ảnh và tiếng động, âm nhạc tạo nên những ẩn dụ phía sau màn ảnh… đã làm nên phong cách nghệ thuật của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong bộ phim này.
Mảng phim lịch sử của Điện ảnh Việt Nam đang thiếu hụt, dù Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí cho Điện ảnh và Truyền hình làm phim lịch sử những năm qua, nhưng chưa được thành công như mong muốn.
Trong khi điện ảnh phía Nam nở rộ, với các phim doanh thu hàng trăm tỷ thì Nguyễn Quang Dũng tạm xa mảng đề tài từng làm nên “tên tuổi” anh: những “Nụ hôn thần chết” và "Giải cứu thần chết", “Tiệc trăng máu”, “Siêu nhân X”, “Tháng năm rực rỡ”… để khai thác đề tài lịch sử - văn hóa, truyền thống, lấy cảm hứng về Đất và Người Nam Bộ để sáng tạo. Ý tưởng của đạo diễn thật đáng khuyến khích và cần biểu dương công ty HK Film của Nguyễn Trinh Hoan, Trấn Thành và cá nhân đạo diễn đã đầu tư kinh phí sản xuất.
Hành trình tìm cha của An gắn với đường dây thứ 2 của truyện phim là hoạt động của một số tổ chức, hội đoàn yêu nước chống Pháp.
Tiếp thu những góp ý, các tác giả phim đã sửa Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội và Nghĩa Hòa đoàn thành Nam Hòa đoàn, để tránh vi phạm tính chân thực lịch sử.
Hoạt động của các tổ chức, hội đoàn giúp tăng cường kịch tính, hấp dẫn cho phim, nhất là các phân đoạn đánh nhau, cứu Võ Tòng, cứu ông Tiều, đêm diễn tuồng cuối phim… với tiết tấu nhanh, khói lửa, võ thuật, đã tăng tính hấp dẫn của phim, ngay cả với những khán giả thiếu nhi.
Nam Bộ là vùng đất mở, với nhiều tộc người sinh sống: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Người Hoa đến sống ở Nam Bộ cách nay mấy trăm năm, từ thời các Chúa Nguyễn, đã trở thành người Việt. Sự giao thoa văn hóa, phong tục, lối sống giữa các dân tộc trong vùng, trong đó có trang phục là một thực tế. Tôi không thấy có gì phản cảm trên phim.
Vả lại dân tộc Hoa hiện nay là 1 trong 54 dân tộc trong Đại gia đình Việt Nam. Lẽ nào trong thời hiện đại, vẫn còn có sự phân biệt, kỳ thị với người Việt gốc Hoa ở Nam Bộ, thụt lùi mấy trăm so với các bậc Tiền Nhân. Và lẽ nào chúng ta sẽ thôi không tự hào về các cụ Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Võ Tánh, Phan Thanh Giản, Trịnh Hoài Đức, Vương Hồng Sển…?
Một số ý kiến so sánh, cho rằng phim “Đất rừng phương Nam” khác với truyện thì vô lý, vì phim không phải chuyển thể từ truyện. Không nên lấy yếu tố “giống” hay “khác” truyện để đánh giá phim.
Tuy vậy, dù các tác giả phim ghi rõ ở đầu phim lấy cảm hứng từ truyện “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi và từ phim truyền hình “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhưng vẫn dùng tên “Đất rừng phương Nam” và nhiều tình tiết, nhân vật như trong truyện.
Thời gian phim lùi lại khoàng 20 năm so với tiểu thuyết được cố vấn nghệ thuật Nguyễn Vinh Sơn giải thích: “Muốn làm dài tập nên kéo lùi thời gian để phim có thề làm được nhiều phần. Cuối cùng là nhân vật An trưởng thành, tham gia kháng chiến...”.
Vậy tại sao các tác giả phim không trình bày điều đó ngay ở đầu phim?
Tôi nghĩ có lẽ đây là suy nghĩ giản đơn, xử lý vụng về của các tác giả phim khi dùng tên “Đất rừng phương Nam” và nhiều nhân vật trong truyện của Đoàn Giỏi. Nếu tên phim và tên các nhân vật khác đi, sẽ không có những phản ứng gay gắt như vậy.
Tôi cũng chưa thật thích một số trường đoạn trong phim.
Những đại cảnh sông nước hoành tráng và cảnh khói lửa chiến đấu dàn dựng rất công phu, nhưng đông người quá. Ngay cả các toàn cảnh đường phố Sài Gòn ở phần đầu phim cũng đông đúc quá.
Vì dân số Việt Nam thời kỳ đó chỉ trên 20 triệu, Nam Kỳ chắc chỉ vài triệu. Nếu giảm bớt quy mô, bớt số lượng diễn viên quần chúng, sẽ có thêm thời lượng đi sâu vào nhiều chi tiết thú vị nữa.
Nhiều đoạn diễn viên diễn xuất cường điệu quá mức, như sân khấu kịch.
Huỳnh Hạo Khang vai An và Tuấn Trần vai Út Lục Lâm hoàn thành vai diễn của mình. Nhiều đoạn thú vị, tuy nhiên một số cảnh sinh hoạt hơi thô. Một vài đoạn hơi dài.
Nếu trong những câu chuyện An kể về cha, xen kẽ vài cảnh tuổi thơ An và cha, mẹ thì sẽ xúc động hơn.
Diễn xuất để lại nhiều ấn tượng cho phim, dù thời lượng không nhiều là: Trấn Thành vai bác Ba Phi, Băng Di vai Tư Mắm, Huỳnh Đông vai Hai Thành, Tiến Luật trong vai ông Tiều, Hứa Vĩ Văn vai thầy giáo Bẩy.
Nhiều trường đoạn đạo diễn sử dụng ngôn ngữ điện ảnh khá xuất sắc, hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo, như cảnh chợ nồi trên sông, với nhiều góc máy phong phú, cảnh đêm rằm bé Xinh và An ngắm trăng nhớ mẹ, cảnh họp hội kín trên đầm nước, cảnh đêm hát bội cuối phim...
Các cảnh đánh nhau với súng, gươm, khói lửa, võ thuật, cascadeur dàn dựng công phu, chuyên nghiệp.
Nhạc phim rất hay. Từ nhạc tình huống đến ca khúc. Có lẽ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng viết nhạc và làm phim ca nhạc, nên đã giành nhiều “đất” cho nhạc. Đặc biệt ca khúc “Bài ca đất phương Nam” cuối phim do nhạc sỹ Đức Trí phối khí, huy động dàn hợp xướng hàng trăm người rất ấn tượng, mang tới cảm xúc mạnh mẽ, hào hùng, và sau đó là giai điệu nhẹ nhàng, da diết ở phần cuối generic, tạo khoảng lặng cho khán giả suy ngẫm về thông điệp của tác giả, chiều sâu và vẻ đẹp của bộ phim.
Âm thanh hậu kỳ tại HK Film đã đạt hiệu quả tốt không thua kém phim nước ngoài.
Khản giả hôm nay đến rạp xem phim đã khác xưa, có kiến thức và hiện đại hơn. Họ không chỉ chú ý cốt truyện hay dở ra sao, mà quan tâm phân tích về ngôn ngữ điện ảnh: Dàn cảnh, diễn viên diễn xuất, màu sắc bố cục khuôn hình, âm nhạc, tiếng động, kỹ xảo... qua đó đánh giá tâm huyết và tài năng của những người làm phim ra sao.
Ở mức độ cao hơn, nhiều khán giả cảm nhận được cả “phía sau màn ảnh”: Tuy không thấy trên phim, nhưng âm hưởng toát lên từ bộ phim những gì mà tác giả phim gửi gắm và mong muốn: Triết lý sâu xa về nhân tình thế thái, về vẻ đẹp cuộc sống và vẻ đẹp cao quý của nghệ thuật.
Ở phim “Đất rừng phương Nam”, đó là tình yêu và niềm tự hào về vẻ đẹp của Đất và Người Nam Bộ. Những tinh túy phương Nam ấy là tài sản quý giá của Đất nước, Dân tộc, là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cho xây dựng và phát triển Đất nước phồn vinh.
Để văn hóa có thể ngang bằng với kinh tế và chính trị như Nghị quyết Đảng đã đề ra, hơn ai hết, trí thức, văn nghệ sỹ cần biết tiến lên phía trước, học hỏi trau dồi kiến thức, đổi mới tư duy và sáng tạo, để có thể là những “cánh chim báo bão", ”soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã dạy.
Điện ảnh Việt Nam chưa thể sánh ngang với điện ảnh các nước tiên tiến, nhưng những người làm công tác điện ảnh ở thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay chắc chắn luôn theo dõi và cập nhật được sự phát triển và thành tựu của điện ảnh thế giới, và không nên nghĩ họ không học được gì. Điều này thấy rõ trong số lượng và chất lượng, doanh thu phim Việt Nam hôm nay, và sự quan tâm của người xem phim Việt Nam trong nước và quốc tế.
Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan trả lời báo chí về ý định có làm Phần 2 “Đất rừng phương Nam” hay không: "Sẽ rất khó cho các bộ phim liên quan tới đề tài mang tính lịch sử. Do vậy chúng tôi cũng phải cân nhắc có làm tiếp phần 2 hay không. Cách mọi người đang đặt vấn đề với một bộ phim truyện như vậy sẽ rất khó để nghệ sĩ sáng tạo được”.
Nghe mà thấy buồn buồn…
Có phải chúng ta đang quá khô cứng, xét nét trong đón nhận sáng tạo, với tâm huyết của nghệ sỹ bươn chải huy động tiền cá nhân để làm phim?
Có phải chúng ta đang mất đi sự đồng cảm và tình thương yêu? Vì có tình thương yêu, chúng ta sẽ biết nâng niu viên ngọc quý, dù có vài tì vết để thông cảm độ lượng, với những khiếm khuyết của nó?
Thật may là điện ảnh Việt Nam có các tầng lớp khán giả yêu phim Việt, am hiểu và cởi mở, bao dung. Các buổi chiếu phim ở Hà Nội, thấy nhiều bậc cha, mẹ đưa con đi xem “Đất rừng phương Nam”, và hạnh phúc thấy con khóc, cười với các nhân vật trên phim. Đồng nghiệp trong nghề thì nói “Phải đi xem phim này!”.
Còn phần thưởng nào đẹp đẽ, ý nghĩa hơn thế cho những người làm phim.
Và bất chấp tất cả, bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã bước vào cuộc sống, tạo nên “số phận” của riêng mình, có khi vượt ra ngoài mong muốn của các tác giả phim, và của cả những người yêu, ghét nó.
Tôi nghĩ, đó là sức mạnh của tác phẩm văn học – nghệ thuật đỉnh cao.
Và Điện ảnh Việt Nam cần có nhiều tác phẩm lay động lòng người như thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.