Thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc của Hải Dương xuất hiên các mô hình sản xuất, doanh thu tiền tỷ
Thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc của Hải Dương xuất hiên các mô hình sản xuất, doanh thu tiền tỷ
Nguyễn Việt
Thứ tư, ngày 08/01/2025 10:00 AM (GMT+7)
Với nhiều giải pháp được Hội Nông dân thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) triển khai, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 – 2024" đạt nhiều kết quả đáng mừng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân SXKD giỏi cho thu nhập tiền tỷ.
Tại hội nghị tổng kết phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2022 – 2024" của thị xã Kinh Môn, ông Trần Văn Mạnh, phường Long Xuyên, một nông dân SXKD giỏi tiêu biểu của thị xã với doanh thu tiền tỷ đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để mô hình VAC của gia đình ông.
Năm 2003, ông Mạnh chuyển đổi 4000 m2 đất nông nghiệp của gia đình, người thân về khu vực quy hoạch chuyển đổi làm trang trại, gia trại để phát triển kinh tế gia đình. Ông Mạnh quy hoạch đào ao thả cá, trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Do chưa có kinh nghiệm trong phát triển mô hình VAC cùng với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khó lường, thị trường tiêu thụ bấp bênh, năng suất thấp vì vậy mô hình chưa mang lại hiệu quả kinh tế.
Không nản chí, ông Mạnh đã lặn lội đi đến nhiều nơi Hưng Yên, Bắc Giang… để tìm hiểu, học hỏi các mô hình vườn ao chuồng đã thành công, cho hiệu quả kinh tế cao. Quá trình đó, ông Mạnh nhận thấy mô hình nuôi gà đẻ trứng kết hợp với thả cá, trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất, hiệu quả.
Năm 2005, ông Mạnh vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng 700 m2 chuồng trại để nuôi gà đẻ trứng thương phẩm kết hợp với thả cá, trồng cây ăn quả. Sau một thời gian nuôi gà đẻ trứng kết hợp với trồng cây, thả cá đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình ông Mạnh có nguồn thu nhập ổn định.
Trong các năm 2008, 2012, 2017, ông Mạnh tiếp tục mở rộng đầu tư mở rộng, nâng quy mô sản xuất, diện tích chuồng trại. Hiện tại, tổng diện tích chuồng trại nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Mạnh là 14000 m2 chuồng trại, nuôi với quy mô 20.000 – 30.000 gà đẻ trứng, 10.000 gà hậu bị; 1500 m2 ao nuôi cá nheo, cá rô phi đơn tính; 5500 m2 vườn trồng cây ăn quả hồng xiêm, mít, nhãn… Trang trại của ông Mạnh, thường xuyên tạo việc làm cho từ 4 – 6 lao động.
Hằng năm, ông Mạnh lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, năm 2020 ông Mạnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu, tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Ông Mạnh chia sẻ, để mô hình kinh tế của gia đình thành công, ông luôn phải tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó yếu tố cây, con giống tốt, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, chuồng trại, trang thiết bị hiện đại, công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi để giúp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm luôn được ông chú trọng, quan tâm.
Ở thị xã Kinh Môn còn có nhiều mô hình của nông dân cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập tiền tỷ.
Ông Đinh Văn Mười, phường Thất Hùng (thị xã Kinh Môn) với mô hình nuôi gà đẻ trứng ấp giống cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã được ông ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, chuồng trại khép kín, máy ấp trứng hiện đại đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ sở sản xuất của ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Tổng doanh thu của gia đình ông đạt 2 tỷ đồng/năm.
Ông Vũ Văn Yên, xã Minh Hoà với mô hình chăn nuôi khép kín. Ngoài nuôi thuỷ sản, gà siêu trứng, ông còn nuôi cá lồng cho hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu hàng năm, trừ chi phí ông Yên còn lãi 1,5 tỷ đồng. Năm 2019, ông Yên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận và vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Bà Nguyễn Thị Bình, phường Minh Tân với mô hình nuôi và sản xuất các sản phẩm từ đà điểu. Hàng năm, trang trại cho thu nhập trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 – 15 lao động, với mức lương từ 6 – 8 triệu đồng. Năm 2022, bà Bình đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi cấp Trung ương; năm 2023, bà được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc".
Còn tại huyện Gia Lộc, nông dân nơi đây cũng năng động, nhạy bén trong SXKD, biết lựa chọn, tìm tòi những mô hình, cách làm, SXKD những sản phẩm có giá trị kinh tế cao nên vùng đất này cũng đã có nhiều nông dân SXKD giỏi, trong đó có nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ.
Đơn cử như tỷ phú nông dân Phạm Đăng Tiến, thôn Quỳnh Huê, xã Thống Nhất. Năm 2022 gia đình ông thuê đất mở trang trại sản xuất kinh doanh con giống, chăn nuôi gà thương phẩm. Khu trang trại sử dụng công nghệ chuồng kín hiện đại với đầy đủ các trang thiết bị tiên tiến, đầu tư dây chuyền công nghệ tự động trong chăn nuôi, đảm bảo sản xuất, chăn nuôi với bảo vệ môi trường nông thôn. Hằng năm, trang trại của ông thu nhập trên 2,3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 17 công nhân, với mức lương từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Hoàn, xã Nhật Tân, phát triển mô hình chăn nuôi – thủy sản đạt hiệu quả cao. Cách làm của ông tập hợp một số thành viên để thành lập Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Nhật Tân, với diện tích nuôi thuỷ sản khoảng 25ha, nuôi cá trên ao nổi. Ông và các thành viên HTX đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Bên cạnh đó, ông Hoàn còn phát triển sơ chế tại chỗ cá thương phẩm. Phối hợp với các doanh nghiệp phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ cá như: Bún cá rô ăn liền, bánh đa cá rô ăn liền, chả cá … Mỗi năm ông Hoàn có thu nhập đã trừ chi phí đạt trên 1,5 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho 30 lao động, thu nhập từ 12-15 triệu đồng/năm.
Từ một phong trào lớn của Hội
Các tỷ phú nông dân ở Kinh Môn, Gia Lộc của tỉnh Hải Dương xuất hiện ngày càng nhiều, một mặt xuất phát từ sự nhạy bén, năng động của từng cá nhân hội viên nông dân, còn phải kể đến các cấp hội nông dân ở Kinh Môn, Gia Lộc đã triển khai, thực hiện có hiệu quả phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững".
Các cấp hội nông dân thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc đều coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phong trào trọng tâm của Hội. Hàng năm, Hội Nông dân Kinh Môn, Gia Lộc đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ sở phát động và đăng ký phấn đấu trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp theo quy định, giao chỉ tiêu cụ thể tới các cơ sở, chi tổ hội...
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi trong 3 năm qua của thị xã Kinh Môn, huyện Gia Lộc đã góp phần tích cực thúc đẩy các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ, toàn diện theo hướng phát triển hàng hoá. Ở lĩnh vực nào cũng có nhiều mô hình SXKD cho hiệu quả kinh tế, đã tạo ra bức tranh đa dạng, phong phú cho phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi 3 năm qua của các địa phương này.
Bà Trịnh Thị Hồng Thuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Gia Lộc cho biết: "Để thúc đẩy, hỗ trợ phong trào, các cấp Hội đã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tổ chức tham quan, hội thảo, học tập kinh nghiệm, giống, vốn, vật tư…".
Theo đó, trong giai đoạn 2022 – 2024, các cấp hội nông dân huyện Gia Lộc đã tổ chức một số hoạt động hỗ trợ nông dân về vật tư nông nghiệp như: Cung ứng vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm được trên 3.450 tấn phân bón, 180 tấn thức ăn chăn nuôi và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm vi sinh khác… Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho 2.727 lượt hộ vay, với tổng số dự nợ 316,5 tỷ đồng; triển khai các nguồn Quỹ Hội, Quỹ Hỗ trợ Nông dân 4 cấp với tổng quỹ được hơn 17,6 tỷ đồng, cho 634 hộ vay.
Trong giai đoạn 2022 – 2024, đã có 47.731 lượt hộ nông dân trong huyện đăng ký hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, đạt hơn 67% so với hộ nông dân. Qua bình xét đã có 38.041 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, đạt 79% số hộ đăng ký.
Trong đó, có 4.785 lượt hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi lãi dưới 200 triệu đồng/năm, đạt 12,6%; có 17.305 lượt hộ có lãi từ 200 đến gần 500 triệu đồng/năm, đạt 45,5%; có 14.346 lượt hộ lãi từ hơn 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng/năm, đạt 37,7%; có 1.605 lượt hộ lãi từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, đạt 4,2%.
Còn theo số liệu do Hội Nông dân thị xã Kinh Môn cung cấp, trong 3 năm qua (giai đoạn 2022 – 2024), toàn thị xã Kinh Môn đã có 53.594 lượt hộ đăng ký phấn đấu đạt hộ SXKD giỏi 4 cấp, đạt 60% hộ nông dân, tăng 3898 hộ so với giai đoạn 2019 – 2021. Qua bình xét có 32.367 lượt hộ, đạt 60,4% so với hộ đăng ký, trong đó có 56 lượt hộ cấp Trung ương; 972 lượt hộ, đạt 3%; cấp thị xã có 6094 lượt hộ, đạt 18,83%; cấp cơ sở có 28.449%, đạt 78%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.