Hội Nông dân huyện Ba Chẽ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế từ trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu

Thanh Tuyền Thứ ba, ngày 07/01/2025 09:15 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã phát huy vai trò cầu nối giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế từ trồng rừng kinh tế, trồng cây dược liệu, trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng rừng gỗ lớn...
Bình luận 0

Ba Chẽ là huyện miền núi của Quảng Ninh, gồm 14 dân tộc cùng sinh sống ổn định thành các cộng đồng, cư trú tập trung tại 7 xã và 1 thị trấn. Toàn huyện có hơn 23.400 người dân, trong đó hơn 19.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 80% dân số toàn huyện.

Hội Nông dân huyện Ba Chẽ hỗ trợ hội viên Cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế ở Ba Chẽ - Ảnh 1.

Ra mắt HTX thương mại dịch vụ Thành Nam Hải (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) chủ yếu phát triển các sản phẩm OCOP từ cây ba kích tím và một số loài cây dược liệu khác… Ảnh: Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh

Vốn là mảnh đất nghèo khó, song những năm gần đây, Ba Chẽ đã "thay da đổi thịt". Bằng chính sức lao động và tư duy đổi mới, người dân nơi đây đang từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần kiến tạo sự đổi thay của huyện miền núi Ba Chẽ. 

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, trong đó có các cấp Hội Nông dân huyện Ba Chẽ đã luôn quan tâm hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế, tạo động lực thi đua, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu, chung sức xây dựng quê hương.

Để nâng cao đời sống nông dân, góp phần giảm thiểu hộ nghèo, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên vận động hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện các dự án, đề án phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Anh Triệu Quay Phúc (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho hay, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh đã được xã và Hội Nông dân vận động thay đổi mô hình kinh tế, đồng thời hỗ trợ vay 100 triệu đồng để chuyển đổi 15ha trồng keo sang trồng quế, nâng cao thu nhập. 

Nhà nước cũng đầu tư đường sá thuận lợi, nên thương lái đến tận rừng thu mua, vận chuyển quế. Hiện gia đình anh thu hoạch khoảng 300 triệu đồng/vụ quế.

Theo ông Khúc Thanh Nghị - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Chẽ, do làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp vận động, người dân đã thực sự quan tâm phát triển nghề rừng, đặc biệt là trồng cây dược liệu, trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng rừng gỗ lớn nhằm tăng giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hội Nông dân huyện Ba Chẽ hỗ trợ hội viên Cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế ở Ba Chẽ - Ảnh 2.

Hội Nông dân huyện Ba Chẽ phối hợp Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Ba Chẽ tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân về trồng và phát triển cây dược liệu. Ảnh: Hội Nông dân huyện Ba Chẽ

Trong năm 2024, Hội Nông dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã tuyên truyền, vận động trên 125 hộ nông dân tham thực hiện trên 20 mô hình, dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện tạo điều kiện cho 1.587 hộ nông dân vay 152.821 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế; cho 53 hộ vay 5 tỷ 060 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, huyện thực hiện 9 dự án phát triển sản xuất.

Cũng trong năm 2024, Hội Nông dân huyện Ba Chẽ đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động, thành lập 1 HTX, nâng tổng số HTX toàn huyện 10 HTX và thành lập 1 tổ hợp tác, nâng tổng số THT là 12 THT; hoạt động trong lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp và dịch vụ, môi trường; thành lập 4 tổ hội nông dân nghề nghiệp nâng tổng số lên 10 tổ hội và thành lập 1 chi hội nghề nâng tổng số lên 5 chi hội.

Trong năm, trên địa bàn huyện Ba Chẽ có 1.338 hộ nông dân đăng ký thi đua Hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; duy trì hoạt động Câu lạc bộ "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Ba Chẽ" với 37 hội viên, nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Với sự khích lệ của Hội Nông dân huyện Ba Chẽ, hơn 2 năm qua, toàn huyện đã trồng được 14,9ha cây dược liệu, gồm trà hoa vàng, ba kích, cát sâm; trồng rừng tập trung 3.857ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn 171,5ha. Toàn huyện đã có 13 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt 3- 4- 5 sao, riêng sản phẩm Trà hoa vàng khô đạt 5 sao, hiện nay đã có hồ sơ và đang trình để được công nhận đạt sản phẩm cấp Quốc gia.

Hội Nông dân huyện Ba Chẽ hỗ trợ hội viên Cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế ở Ba Chẽ - Ảnh 3.

Nông dân huyện Ba Chẽ được giới thiệu về trồng và phát triển cây dược liệu như ba kích, cát sâm, trà hoa vàng cùng với các loài dược liệu quý khác... Ảnh: Hội Nông dân huyện Ba Chẽ

Ông Khúc Thanh Nghị khẳng định, vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thông qua các mô hình trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu tại huyện Ba Chẽ bước đầu đã đạt được kết quả. Từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân về giá trị của trồng rừng, cây dược liệu.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Chẽ cho biết thêm, thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động của hệ thống Khuyến nông, nhất là khuyến lâm nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn đến các chủ rừng. 

Ngoài ra, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh rừng gỗ lớn, các mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả, mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng, tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập "lấy ngắn nuôi dài"…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem