Một dự án kéo điện bằng cáp ngầm ra đảo trị giá hơn 200 tỷ đồng là khao khát cháy lòng của dân đảo Cù Lao Xanh để họ có thể đổi đời... Nhưng thay vì dự án này, họ chuẩn bị đón nhận một dự án gấp đôi số tiền trên để xây dựng một hồ nước ngọt dù trên đảo không hề thiếu nước.
Thừa và phí
Thêm một điều kiện mà thiên nhiên ưu đãi để đàng hoàng gọi Cù Lao Xanh là thiên đường du lịch là lượng nước ngọt dồi dào trên đảo. Hầu như nhà nào tại Cù Lao Xanh cũng có một giếng nước để dùng. Tuy nhiên, do các nhà nằm sát biển nên nước “không được ngọt lắm”, chỉ dùng để tắm rửa. Nước dùng để ăn uống thì phải vào mấy giếng nước sâu hơn bên trong khoảng vài trăm mét, nước tại các giếng này trong vắt, ngọt lịm.
|
Nếu du lịch phát triển, cuộc sống của người dân Cù Lao Xanh chắc chắn sẽ tốt hơn. |
Khi được khen về lượng nước “trời ban” cho hòn đảo này thì ông Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, bỗng ngồi thừ ra suy nghĩ. Sau cùng ông nói: “Xã đảo nghèo, thiếu thốn mọi bề. Cấp trên đầu tư cho cái gì thì quý cái đó, nhưng xây dựng đập chứa nước trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay thì hơi phí”. Từ “phí” nghe ra hơi nhẹ, tôi muốn hiểu đó là từ “thừa”.
Trong chương trình phát triển cho các xã nghèo, khó khăn, nước ta đã có chiến lược phát triển “điện, đường, trường, trạm”, thì tại Cù Lao Xanh việc phát triển này đi từ cuối lên, tức là “trạm, trường, đường… và chưa có điện”. Ý thức được tài nguyên du lịch của đảo mình, UBND xã đã có kiến nghị xin được lắp điện cáp ngầm ra đảo. Kiến nghị khá chi tiết với các khảo sát của ngành điện đã định giá được công trình này ở mức trên 100 tỷ đồng…
Tuy nhiên, thay vì một dự án thực tế đáp ứng mong mỏi của người dân thì nơi đây đã phải tiếp nhận một dự án làm hồ chứa nước ngọt (theo ước tính có thể lên tới hơn 400 tỷ đồng và sức chứa hàng vạn mét khối nước). Dự án này đã hoàn thành xong khâu khảo sát và đang hoàn thiện khâu thiết kế. Nếu công trình này hoàn thiện thì chuyển sang mục đích làm… hồ bơi thì có lẽ hợp lý hơn.
Cần lắm một trường cấp 3
Cũng với tình trạng “cái cho thì không cần, cái cần thì không cho” này thì sự xuất hiện của trung tâm sinh hoạt cộng đồng 2 tầng khang trang trên đảo cũng không cần thiết. Tại trung tâm này có phòng đọc sách, có trung tâm dạy… tin học (dù chưa có điện). Dân đảo cả ngày đi biển, thời gian đâu mà sinh hoạt cộng đồng, buổi tối thì lại không có điện. Tôi dám khẳng định chữ “thừa” gắn lên trung tâm khang trang này đơn giản vì hiện tại nó đang được dùng làm nơi chứa thuyền thúng cho ngư dân.
Trong khi đó, nhu cầu có một ngôi trường cấp 3, hay nói đúng hơn là 3 phòng học cho 3 lớp học của cấp 3 (lớp 10, lớp 11, lớp 12) là cái mà đảo Cù Lao Xanh với 60 học sinh cấp 3 đang trọ học tại Quy Nhơn đang ngày đêm mong mỏi. Ngành giáo dục Bình Định chỉ cần có một quy chế riêng cho xã đảo này để ghép 3 cấp học vào một trường (hiện tại cấp 1 và cấp 2 tại đây cũng đã được ghép vào một trường) và tăng cường 5 thầy cô giáo bộ môn cho nơi đây.
Một tính toán đơn giản cũng cho thấy sự hợp lý của việc xây dựng 3 lớp học của cấp 3 này trên đảo. 60 học sinh hiện “du học cấp 3” tại Quy Nhơn tiêu tốn số tiền 150 triệu đồng/ tháng (mỗi em chi phí ăn ở, đi lại khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng) trong khi số lương để trả cho 5 thầy cô chưa đến 50 triệu đồng. Hiện việc tìm giáo viên ra đảo dạy học không khó vì nơi đây có chính sách thêm 70% lương (áp dụng cho xã đảo), một mức ưu đãi hấp dẫn cho việc dạy học ở một đảo cách đất liền trên dưới 10 km.
Đường thênh thang, không người bước
Trong thiếu thốn bộn bề thì những sà lan lớn chở cát, sỏi, xi măng, vật liệu xây dựng kìn kìn kéo ra Cù Lao Xanh để xây dựng thêm một con đường nữa trên đảo chưa hợp lý lắm nếu xét về mặt dân sinh. Con đường lớn với 4 làn xe chạy sẽ hoàn thành vào sang năm sẽ là một thứ hơi sang trọng khi nó chạy qua những nơi hoang vu trên xã đảo và lượn vòng quanh những căn nhà lụp xụp tại đây.
Nước ngầm tại Cù Lao Xanh nằm ở độ sâu khoảng 8m. Ngoài nguồn nước ngầm, trên đảo còn có suối Bà Tứ và bàu Trạm Xá là nơi chứa nước mặt.
Cũng con đường này nếu như nó hẹp vào 1m thì dân đảo sẽ có điện lưới để dùng. Con đường ngắn đi 100m thì sẽ có 3 phòng học cấp 3 cho nơi đây và nếu nó được nắn lại để không phải chạy vòng vèo qua các nơi hoang vu thì dân xã đảo sẽ có dăm chiếc ca nô để phục vụ cho những nhu cầu cấp bách… Sự bất cập trong việc phân bổ dự án không căn cứ vào nhu cầu thực tế của người dân đã hiện rõ tại nơi đây khiến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đầu tư cho xã đảo này lâm vào tình trạng “trăm voi không được bát nước xáo”.
Trên thực tế, Cù Lao Xanh còn thiếu cả một cái tên gọi. Trước nay mọi người dùng từ “xã đảo” để nói về Nhơn Châu vì thực tế nó là một hòn đảo. Tuy nhiên về mặt giấy tờ hành chính thì nơi đây chưa được công nhận là xã đảo mà chỉ là bãi ngang ven biển (!?). Sự bất hợp lý quá rõ ràng như vậy đã nhiều lần được UBND xã Nhơn Châu đề đạt lên các cấp của tỉnh Bình Định nhưng vẫn chưa được trả lời. Việc mặc tấm áo không phải của mình đã khiến cho chính quyền và người dân trên Cù Lao Xanh chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn khi tiếp nhận các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Tuấn Lệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.