iPhone 2018 đã chính thức trình làng với bộ 3 smartphone bao gồm iPhone XR, iPhone XS và iPhone XS Max - không có quá nhiều bất ngờ vì cả 3 iPhone này đều có thiết kế giống hệt iPhone X đã ra mắt năm 2017 chỉ là với kích thước khác hoặc chất liệu khác.
Các thế hệ iPhone chứng kiến nhiều biến đổi về mặt thiết kế.
Với vai trò là người khởi xướng các trào lưu trong giới smartphone của thế giới trong suốt nhiều năm từ khi ra mắt tới nay, iPhone luôn biết cách tạo bất ngờ cho người dùng và thực sự đã "nghĩ tới cảm nhận của người dùng" bằng việc ngày càng đưa ra các thiết kế phù hợp với nhu cầu và thói quen của người sử dụng. Và hai nhân vật khắc dấu đậm nét lên từng đường nét, thiết kế của những chiếc iPhone không ai khác đó chính là cố "huyền thoại" Steve Jobs và CEO đương nhiệm của Apple - Tim Cook.
Dưới triều đại Tim Cook, các sản phẩm Apple đã đến gần hơn với người dùng, đồng thời đưa thương hiệu Táo khuyết nhiều khả năng trở thành công ty "nghìn tỷ USD" đầu tiên.
Theo số liệu từ Fastcompany, kể từ khi Tim Cook nắm quyền điều hành Apple, doanh thu của Táo khuyết đã tăng gấp 3, đồng thời số người sử dụng sản phẩm của họ cũng đạt con số hơn 1 tỷ.
Tim Cook có những quyết sách đối lập hoàn toàn với thời Steve Jobs.
“Điều này sẽ không xảy ra nếu Steve Jobs còn ở đây”, là lời lời chỉ trích mà CEO Tim Cook phải hứng chịu nhiều nhất từ các iFan khi ông làm điều gì đó khiến họ không hài lòng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng chính câu nói đó để nói về một Apple đang phát triển mạnh mẽ ngay lúc này.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại những "cuộc cách mạng" về thiết kế của điện thoại iPhone trong suốt giai đoạn từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt cho tới nay.
1. Giai đoạn 1: 2007-2009, định hình thiết kế
Ngày 9/1/2007, Steve Jobs với bộ quần áo giản dị, đứng trên sân khấu tại Macworld 2007 và cầm trên tay "thiết bị làm thay đổi công nghệ toàn thế giới" - chiếc iPhone thế hệ đầu tiên.
Hình ảnh Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone thế hệ đầu tiên.
Được cộng đồng công nghệ sau đó gọi là iPhone 2G (2G là mạng di động hiện đại nhất thời bấy giờ), chiếc iPhone thế hệ đầu là sản phẩm của dự án nghiên cứu nghiêm túc của nhóm PEP được Steve Jobs giao phó tạo ra thiết bị di động cảm ứng hoàn toàn đầu tiên.
iPhone 2G là smartphone đầu tiên trên thế giới.
Sở hữu màn hình cảm ứng LCD 3.5 inch, độ phân giải 320x480 pixel, mật độ điểm ảnh 163ppi, iPhone 2G chính là chiếc điện thoại tạo được loại bỏ hoàn toàn nút bấm và thay thế bằng màn hình cảm ứng. Tuy nhiên nó chưa có cổng cắm tai nghe "bình thường", và vấn đề này được khắc phục ở iPhone 3G.
Thế hệ iPhone 3G và 3GS vẫn giữ lối thiết kế của iPhone 2G nhưng thay khung nhôm bằng nhựa, và có mặt sau "vồng" hơn, khiến nó thực sự kém đẹp so với iPhone thế hệ đầu. Tuy nhiên, phần jack cắm tai nghe đã được khắc phục và người dùng hoàn toàn có thể sử dụng bất kỳ tai nghe 3.5mm nào.
iPhone 3G và 3GS sau đó không có nhiều thay đổi về thiết kế so với người tiền nhiệm.
2. Giai đoạn 2: 2010-2013, bước nhảy vọt về thiết kế
Nếu như giai đoạn trước đó cả iPhone đầu tiên và cặp đôi iPhone 3G, iPhone 3GS không thực sự có được thành công lớn thì iPhone 4 - ra mắt năm 2010 lại mang tới một sự đột phá tuyệt vời về thiết kế cho thương hiệu này.
iPhone 4 với thiết kế được cải tiến nhiều, khác hẳn với iPhone 2G - iPhone 3G - iPhone 3GS trước đó.
Vẫn là màn hình 3.5 inch nhưng iPhone 4 - với công nghệ màn hình Retina có được độ phân giải lên tới 960x840 pixel - thuộc hàng sắc nét nhất ở thời điểm đó. Ngoài ra, đây cũng là chiếc iPhone đầu tiên sở hữu camera trước và đèn flash sau. Và thay vì sử dụng chất liệu nhựa như iPhone 3GS, iPhone 4 sở khung thép chống gỉ và mặt lưng kính, đem lại một tổng thể mảnh dẻ, sang chảnh. iPhone 4 cũng là smartphone mỏng nhất ở thời điểm đó với chỉ 9.3mm.
Tất cả những điều này cùng với cấu hình mạnh mẽ, máy nhanh chóng có được doanh số lên tới 70 triệu chiếc và sự phủ sóng rộng khắp 90 quốc gia, trở thành chiếc iPhone có thiết kế được đánh giá là đẹp nhất trong số các thiết kế iPhone đã ra mắt.
Tuy nhiên các thế hệ iPhone 4S, 5 và 5S lại không có nhiều vượt trội so với iPhone 4.
Tiếp sau iPhone 4 thì iPhone 4S sau đó, cùng với iPhone 5, iphone 5S thực sự không có nhiều thay đổi về thiết kế, ngoài trừ việc iPhone 5 bắt đầu sử dụng chất liệu nhôm thay vì thép để tăng độ bền cho sản phẩm, cũng như việc áp dụng khóa vân tay trên phím home vật lý của iPhone 5S.
iPhone 5S và 5C với bộ sưu tập màu đa dạng cũng không khiến nó thành công hơn.
Giai đoạn 2010-2013 cũng có sự xuất hiện của iPhone 5C thế hệ iPhone với một bộ sưu tập màu sắc đa dạng nhất của iPhone trước đó, tuy nhiên nó không thực sự có được sự ưa chuộng của đông đảo người dùng, nên nhanh chóng đi vào thất bại. Việc iPhone 5C ra mắt cùng với hệ điều hành iOS 7 năm 2013 là một trong những động thái đầu tiên mà nhà câm quân mới của Apple là Tim Cook - một chiến lược gia kỳ cựu về thị trường đã hướng đường lối phát triển của Apple theo một hướng khác so với định hướng trước đó của Steve Jobs.
3. Giai đoạn 3: 2014 - 2017, đỉnh cao về thiết kế
Nếu như thiết kế màn hình và độ mỏng của iPhone lần lượt bị các hãng khác theo đuổi và vượt qua thì tới năm 2014, Apple thực sự đã lột xác với việc cho ra mắt iPhone 6. Không chỉ lần đầu tiên giới thiệu cùng lúc 2 chiếc iPhone (iPhone 6 và iPhone 6 Plus), thiết kế của thế hệ iPhone này còn phá hàng loạt các kỷ lục của iPhone nói riêng và smartphone nói chung.
Mặc dù ra mắt đã lâu như đến nay iPhone 6 và 6 Plus vẫn là các flagship nhiều người ưa chuộng.
iPhone 6 sở hữu màn hình lên tới 4.7 inch và chỉ có độ mỏng 6.9 inch - mỏng nhất trong các smartphone cho tới thời bấy giờ. Apple cũng rời phím nguồn từ đỉnh máy trên các thế hệ trước sang cạnh bên, và iPhone 6 Plus còn sở hữu màn hình lên tới 5.5 inch.
Tuy nhiên, nếu Steve Jobs còn sống thì có thể iPhone 6 đã không được ra đời, vì ông là người tôn thờ chủ nghĩa thực dụng. Cụ thể khi Samsung Galaxy Note với màn hình lớn ra mắt, Jobs đã từng nói "Bạn không thể cầm vừa tay những mẫu điện thoại lớn này", ông nói. "Sẽ không ai mua nó cả". Thế nhưng, rõ ràng với việc đưa ra chiếc iPhone với màn hình lên tới 5 inch mà Tim Cook và đội ngũ quản trị Apple đã cho thấy họ sẵn sàng rũ bỏ quá khứ để vươn tới một hình mẫu smartphone "hợp thời hơn". Và chiến lược này dường như rất đúng đắn.
"Tôi thà liều mình với định hướng của mình hơn là đi theo cái người khác đã làm"
Và suốt 4 năm liên sau đó, Apple không có sự thay đổi về thiết kế của iPhone khiến các thế hệ iPhone 6S/6S Plus, iPhone 7/iPhone 7 Plus và iPhone 8/iPhone 8 Plus không có khác biệt so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, về công nghệ, iPhone 6S lại được tăng cường công nghệ 3D Touch của màn hình và iPhone 7 lại là việc lược bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm - điều mà sau đó hàng loạt các smartphone khác cũng làm theo. Trong giai đoạn này, Apple cũng tung ra mẫu smartphone giá rẻ - chiếc iPhone SE với thiết kế nhỏ bé nhưng cấu hình vượt trội và mang tới thành công nhiều về mặt doanh số cho ông lớn thung lũng Silicon.
Các thế hệ iPhone 6S, iPhone 7 và iPhone 8 không có đột phá về thiết kế, nhưng iPhone SE lại thành công hơn dự kiến.
Và khi các ý tưởng về công nghệ đã dần tới cạn kiệt thì iPhone X xuất hiện.
4. Giai đoạn 4: 2017-2018, rũ bỏ quá khứ
Với dấu mốc 10 năm ra mắt của iPhone, iPhone X đóng vai trò chuyển giao trong giai đoạn thoái trào từ thiết kế kiểu cũ, sang thiết kế mới - tràn viền. Không còn viền, không còn phím home vật lý, không còn Touch ID, iPhone X phá vỡ mọi quy tắc mà Steve Jobs từng mong muốn về một chiếc smartphone khi sở hữu màn hình lên tới 5.8 inch và một cụm "tai thỏ" chịu nhiều chế giễu sau khi được giới thiệu.
iPhone X mang tới đột phá thiết kế và mở ra một trào lưu phát triển mới của giới smartphone toàn thế giới.
Nhưng Apple cũng nhanh chóng có được câu trả lời về "phép thử" của mình về một smartphone nghìn đô đầu tiên, không chỉ thành công về mặt doanh số mà điểm xấu nhất của iPhone X là tai thỏ lại trở thành xu hướng bắt trước mà bất kỳ smartphone dù là giá rẻ hay cao cấp ra mắt trong năm 2018 đều theo đuổi (trừ Samsung).
Và mới đây, vào 12/9, Apple lại tiếp tục tung ra bộ ba smartphone iPhone XR, iPhone XS và iPhone XS Max với thiết kế tương tự iPhone X nhưng được điều chỉnh về chất liệu và kích thước để phù hợp với đa dạng các đối tượng người dùng khác nhau. Người ta nói rằng Apple đang sử dụng chính sách giá thông minh khi "răng lưới" ở khắp các phân khúc thay vì tập trung ở cao cấp, nhưng rõ ràng là thiết kế của iPhone X vẫn rất thời thượng tính cho tới thời điểm này.
Bộ ba smartphone 2018: iPhone XS, iPhone XS Max và iPhone XR giá rẻ.
Có thể trong tương lại không xa, Apple sẽ dần cạn kiệt ý tưởng về thiết kế và sẽ nhặt nhạnh những tinh hoa từ các hãng khác, đơn cử như bút stylus, hay smartphone màn hình gập... điều mà có lẽ sẽ khiến cố CEO Steve Jobs phải "đội mồ" lên phản đối vì, ông là người rất ghét bút stylus.
"Ai cần đến chiếc bút cảm ứng chứ, Bạn sẽ luôn phải giữ nó khư khư bên mình, và phải làm gì nếu làm mất nó. Vì thế, không ai cần đến một chiếc bút cảm ứng"
Rõ ràng, dưới đời Tim Cook, thiết kế iPhone đã "linh hoạt" hơn rất nhiều, trở nên hợp thời hơn và đạt được những thành công vượt trội mà kết quả lớn nhất có lẽ là Apple đã trở thành công ty nghìn tỷ đô đầu tiên của Mỹ. Sẽ còn chặng đường dài phía trước, và trọng trách định hướng thị trường của iPhone sẽ chắc chắn khiến smartphone này còn nhiều lần lột xác để "hoàn hảo hơn".
Còn bạn, bạn thích thiết kế của những chiếc iPhone dưới thời Steve Jobs hay thời Tim Cook hơn?
Mức chi phí thay thế và sửa chữa iPhone XS Max đắt đỏ tới mức nó tương đương với mức giá của hàng loạt các smartphone...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.