Thiếu chính sách đặc thù

Thứ năm, ngày 21/03/2013 20:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một chính sách đặc thù, trong đó có việc hỗ trợ vốn, hay miễn thuế, cho ngư dân, là một sự hỗ trợ cần thiết để những con sói biển thoát ra khỏi cảnh “treo thuyền, gác lưới”.
Bình luận 0

Ba hôm trước, một clip ngư dân Quảng Ngãi kiên cường bám biển trước sự xua đuổi của tàu hải giám Trung Quốc được đăng trên các báo điện tử đã gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận.

Cuộc kiên cường bám trụ đó, không chỉ là chuyện những chiếc tàu dân sinh không tấc sắt đối mặt “vòi rồng” và “họng súng”, mà là đối mặt với một cái giá được biết trước, như vô số tiền lệ: Tàu bị phá.

Người bị bắt, bị giam giữ trái phép, bị đòi tiền chuộc và phá sản. Không từ ngữ nào đủ để ca ngợi sự dũng cảm của ngư dân. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính những ngư dân âm thầm nhưng kiên cường ngày ngày “vào khơi ra lộng” chính là những cột mốc sống trên biển. Và, chẳng có cách khẳng định chủ quyền nào tốt hơn là việc những ngư dân đánh bắt cá trên chính biển nhà: Hoàng Sa.

Những ngư dân lặng thầm đó đã được nhắc đến một cách rưng rưng tại nghị trường Quốc hội. “Tôi nói với anh Phát (Bộ trưởng Cao Đức Phát), anh Dũng (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) cần thiết kế chính sách cho ngư dân như những người giữ yên mặt biển”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói. Bởi theo ông “nghề đánh bắt cá ngoài biển không chỉ là nghề làm ăn với rất nhiều rủi ro mà còn là giữ chủ quyền”. Và chữ mà ông dùng là “Miễn thuế”. Miễn chứ không phải chỉ là giảm.

Thực ra, chính sách đối với ngư dân không phải là thiếu. Nghị định 41 về tín dụng cho nông thôn, được Chính phủ ban hành tháng 4.2012 chẳng hạn. Trước nghị định, 80% trong số 23.000 chiếc tàu cá (công suất 90 CV trở lên) đang phụ thuộc hoàn toàn vào đầu nậu khấp khởi hy vọng. Sau nghị định, với số vốn vay tối đa 50 triệu đồng, ngư dân tiếp tục lặng lẽ, mặt cúi thấp, quay về với “tín dụng đen”, với “đầu nậu”. 50 triệu, chỉ đủ 1/3 tiền dầu cho những chuyến khơi xa. Chẳng thấm vào đâu.

Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nguyễn Ngọc Oai có lần chỉ thẳng “vấn đề mấu chốt” nằm ở chỗ “Nhà nước cho vay vốn đóng tàu, nhưng không cho vay vốn để phục vụ sản xuất”. Thậm chí, từ thời điểm tháng 9.2011, ông đã nói đến việc thiếu một “chính sách riêng” cho ngư dân, khiến cho biết bao nhiêu chính sách chung gặp hết rào cản này đến rào cản khác.

Một chính sách đặc thù, trong đó có việc hỗ trợ vốn, hay miễn thuế, cho ngư dân, là một sự hỗ trợ cần thiết để những con sói biển thoát ra khỏi cảnh “treo thuyền, gác lưới”. Nhưng điều ngư dân mong mỏi không chỉ là số lượng đầu mục các chính sách mang tính chất “lệnh vua” ngày càng nhiều thêm, trong khi, ở một đâu đó, vì một ai đó vẫn tồn tại những cái “lệ làng” để sự tốt đẹp còn ở xa thẳm đâu đó ngoài biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem