Thiếu đắp thêm, thừa phải cắt, mỗi tàu cải hoán tốn 150 triệu đồng

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 16/08/2019 13:22 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), cho biết, việc cải hoán tàu cá đang bị thiếu chiều dài đủ 15m để đảm bảo điều kiện hoạt động vùng khơi tốn khoảng 100 - 150 triệu đồng/tàu. Trong khi ở Quảng Trị, tàu của ngư dân thừa 15m thì phải... cắt để hoạt động trong vùng lộng.
Bình luận 0

Cải hoán không khó nhưng tốn kém

Cụ thể, ông Phan Thuẫn – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP.Tuy Hòa cho biết, tỉnh Phú Yên vừa cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 451 chiếc tàu, hiện có 733 tàu dưới 15m không đủ điều kiện đánh bắt xa bờ, chỉ đủ điều kiện khai thác vùng lộng. Trong số đó, có 41 chiếc tàu chiều dài 14,9m

"Nói thật là khi nghe tin tàu của mình phải hoạt động trong vùng lộng, không được khai thác xa bờ như trước, nhiều ngư dân trong nghiệp đoàn rất hoang mang, lo lắng vì tàu và các ngư lưới cụ của họ là để đánh bắt cá ngừ đại dương, trong khi loài cá này không có trong vùng lộng, phải ra khơi xa mới có. Nếu giờ phải hoạt động trong vùng lộng thì họ phải trang bị lại ngư lưới cụ, rất tốn kém" - ông Phan Thuẫn nói.

img

Nhiều tàu cá của Phú Yên chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, không thể hoạt động vùng lộng. Ảnh: I.T

Cũng theo ông Thuẫn, trong số những chiếc tàu thiếu mét này, có những con tàu đã đủ thông số kỹ thuật để vươn khơi. Cụ thể, do yếu tố tâm linh của người đi biển, nhiều ngư dân dù đóng tàu dài 15,2m, 15,4m nhưng cũng chỉ đăng ký 14,9m, 14,6m... để cầu mong sự may mắn.

"Với những con tàu này, chỉ cần đo đạc lại, lấy thông số kỹ thuật mới, đăng kiểm lại là đủ điều kiện vươn khơi, còn những tàu không đủ chiều dài thì bắt buộc phải cải hoán" - ông Thuẫn nói.

Về việc cải hoán tàu, ông Thuẫn khẳng định, không hề khó, chỉ cần thuê thợ mộc đến cắt dán thêm cho đủ chiều dài tàu là được, tuy nhiên kinh phí tốn thêm khoảng 100 - 150 triệu đồng/tàu.

"Hiện nay, nhiều ngư dân hoạt động vùng lộng rất khó khăn, do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên cũng muốn cải hoán cho đủ chiều dài để vươn khơi. Trước, một chuyến biển chúng tôi thu 2 - 3 tấn cá đơn giản, còn bây giờ được 1 tấn đã là kỳ tích" - ông Thuẫn cho biết thêm.  

Theo ông Thuẫn, quy định mới về quản lý tàu cá tuy làm khó cho ngư dân nhưng đây cũng là điều kiện bắt buộc để đáp ứng các khuyến nghị của EC. Chỉ tính riêng ở Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được người dân thực hiện rất nghiêm túc.

Tuy nhiên, ông Thuẫn cũng thừa nhận, hiện các ngư dân mới được thông báo cho phép cải hoán tàu, còn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ nào liên quan đến vấn đề này được ban hành.

Thừa... mét cũng không được vươn khơi

Trong khi nhiều địa phương đang đau đầu vì có nhiều tàu đủ 90CV nhưng thiếu chiều dài (đủ 15m trở lên) để hoạt động đánh bắt xa bờ thì tại tỉnh Quảng Trị, việc cấp giấy phép cho các tàu có chiều dài từ 15m trở lên nhưng công suất máy dưới 90CV đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

img

Trong khi ở Quảng Trị, những con tàu thừa 15m nhưng dưới 90CV được yêu cầu cắt để đảm bảo đủ yêu cầu hoạt động vùng lộng. Ảnh: I.T

Cụ thể, theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động ở vùng ven bờ và vùng lộng. Nhưng nếu tỉnh Quảng Trị cấp phép cho những con tàu đủ 15m nhưng dưới 90CV này thì dẫn đến một số bất cập như: không đảm bảo an toàn cho tàu cá.

Lý do, bởi đăng kiểm và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá này chỉ đảm bảo an toàn khi hoạt động ở vùng lộng; nếu cho khai thác xa bờ thì không phù hợp với các nghề khai thác mà các chủ tàu đang làm và những ngư lưới cụ đang có trên tàu. 

Trước thực tế này, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền, vận động các chủ tàu có chiều dài từ 15m trở lên thực hiện cải hoán, cắt ngắn tàu xuống dưới 15m cho phù hợp với hoạt động vùng lộng nhưng đa số các chủ tàu không muốn cải hoán vì vỏ tàu đã cũ hoặc thiếu kinh phí. 

Tỉnh Quảng Trị hiện có gần 200 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng công suất máy dưới 90CV, hoạt động khai thác thủy sản với các nghề truyền thống như vó, mành, câu, rê. 

Ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT) cho biết, đúng là có tình trạng này nhưng số lượng tàu không nhiều, việc cải hoán không quá khó, do loại tàu này mũi và đuôi nhọn, thon dài, việc cắt ngắn tương đối đơn giản. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem