Thiếu nguyên liệu cá tra trầm trọng

Thứ ba, ngày 15/06/2010 07:31 AM (GMT+7)
(NTNN) - Từ giữa tháng 5 đến nay, tình hình xuất khẩu cá tra - basa của Việt Nam khởi sắc trở lại do nhu cầu tiêu thụ thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, sự hấp dẫn về giá cả vẫn chưa làm nông dân quay trở lại nuôi cá.
Bình luận 0
img
Cá tra tăng giá nhưng người dân không có để bán.

Chưa có thống kê chính thức nào từ các cơ quan chức năng, nhưng theo ước tính của Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL năm 2009 giảm 30% so với 2008. Tương tự, năm 2010 này cũng sẽ giảm thêm 20% nữa so với năm 2009.

Như vậy, nếu tình hình không có gì thay đổi, vào cuối năm nay diện tích cá tra của ĐBSCL sẽ giảm từ 40 - 50% so với thời kỳ "thịnh vượng" năm 2007-2008; quy đổi bình quân sản lượng sẽ giảm từ 1,1 triệu tấn xuống còn không tới 800.000 tấn trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà máy sẽ lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng bất chấp đầu ra xuất khẩu đang rất sáng sủa.

Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL), khẳng định: "Bộ NN&PTNT và chính quyền các địa phương phải sớm ban hành quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ tích cực cho người nuôi. Chúng ta để nông dân "tự bơi" với con cá tra quá lâu rồi, bây giờ họ đã đuổi sức. Không cứu họ thì sớm muộn gì cả ngành sản xuất cá tra trị hàng tỷ USD của nước ta cũng sẽ "đuối" theo!".

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở TP.Cần Thơ nói: "Đúng là trong 2 năm qua thiếu nguyên liệu là nỗi lo thường trực của nhiều nhà máy. Chúng tôi đã lường trước được khó khăn này, nên đang quyết liệt đầu tư vùng nguyên liệu riêng khoảng 30ha, đáp ứng trước mắt khoảng 70% nhu cầu chế biến của nhà máy. Nhưng đầu tư hơn nữa thì rất khó khăn vì vướng đất đai, nhân lực quản lý…".

Nhiều doanh nghiệp ở TP.Cần Thơ cũng cho biết, dù đơn đặt hàng về đều đều, nhưng nhà máy cũng chỉ chạy được 50 - 70% công suất vì hết nguyên liệu đầu vào.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, việc quy hoạch vùng nuôi riêng đang là xu thế chung của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn ở ĐBSCL hiện nay. Tuy nhiên, điều này chỉ làm giảm áp lực thiếu nguyên liệu, nhưng sẽ làm tăng gánh nặng chi phí đầu tư, nhân công và công tác quản lý…

Về lâu dài điều này cũng sẽ đi ngược quy luật phát triển, làm giảm sức cạnh tranh của cá tra Việt Nam. Vì doanh nghiệp đầu tư dàn trải tốn kém, rất khó tập trung nguồn lực để đầu tư cải tiến công nghệ, đổi mới sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem