Thiếu nguyên liệu, khó phát triển đông dược

Thứ hai, ngày 27/06/2011 10:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những mục tiêu chiến lược phát triển của ngành công nghiệp dược Việt Nam là thị phần thuốc có nguồn gốc đông dược chiếm 30% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Tuy nhiên, với xuất phát điểm là 10% như hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ, ngành đông dược rất khó phát triển.
Bình luận 0

Báo cáo của Cục Quản lý dược cho thấy, năm 2010 cả nước có 178 doanh nghiệp và 200 hộ cá thể sản xuất thuốc từ dược liệu. Tuy nhiên mới chỉ có 5 cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP, số còn lại vẫn là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống.

Ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Cái khó nhất của ngành công nghiệp dược Việt Nam nói chung và đông dược nói riêng là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. 90% nguồn nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Do đó, chừng nào nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất thì chừng đó ngành công nghiệp dược của chúng ta vẫn phát triển chậm chạp".

img

VN chưa có chính sách xây dựng vùng quy hoạch dược liệu quý.

Thực tế đang có tình trạng nhiều đông dược quý của ta "chảy" sang Trung Quốc theo cách tận diệt (NTNN đã có loạt bài phản ánh), mà không có sự phát triển theo hướng quy hoạch các khu trồng dược liệu bài bản. Bà Vũ Thị Thuận - Tổng Giám đốc Công ty dược Traphaco bày tỏ: "Trong điều kiện nước ta có vùng thổ nhưỡng, địa hình thuận lợi cùng nguồn lao động dồi dào thì nên mở rộng những vùng chuyên canh dược liệu chất lượng cao".

Cùng chung ý kiến này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dược đề nghị Nhà nước nên có chính sách ưu tiên, giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc quy hoạch và mở rộng vùng nguyên liệu. Ngoài mục đích, đầu tư phát triển kinh tế, việc quy hoạch vùng chuyên canh dược liệu còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội là góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động vùng khó khăn, đồng thời phát triển kinh tế vùng, bảo vệ phủ xanh rừng...

Nhìn từ góc độ bào chế, ông Nguyễn Đức Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam khẳng định: "Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển dây chuyền chiết xuất các hoạt chất từ dược liệu quý hiếm, bằng công nghệ hiện đại. Đồng thời cũng phải ưu tiên quy hoạch các vùng nuôi trồng dược liệu quý".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem