Thiếu tá Đinh Mạnh Cường, sĩ quan công an đầu tiên làm Chỉ huy trưởng Văn phòng Cảnh sát ở Nam Sudan
Thiếu tá Đinh Mạnh Cường - Sĩ quan CAND Việt Nam đầu tiên làm Chỉ huy trưởng Văn phòng Cảnh sát ở Nam Sudan
Thứ ba, ngày 20/08/2024 06:45 AM (GMT+7)
Có đến 60 cảnh sát địa phương Nam Sudan đã được tập huấn công tác bảo vệ và khám nghiệm hiện trường giao thông nhờ bộ vali khám nghiệm. Bộ dụng cụ “nhỏ nhưng có võ” ấy chính là món quà thiết thực của Thượng tướng Lương Tam Quang.
Cuối tháng 3/2024, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an) dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam sang thăm và làm việc tại Phái bộ UNMISS, Nam Sudan. Trong số các sĩ quan Công an Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại đất nước châu Phi này, Thiếu tá Đinh Mạnh Cường là người duy nhất không thể đến Juba đón đoàn. Bởi thời điểm đó, anh vừa được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Văn phòng Cảnh sát GGHB LHQ bang Đông Xích Đạo. Nhiệm vụ nặng nề, đường lên thủ đô xa xôi nên anh không thể rời vị trí.
Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, Thiếu tá Cường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thượng tướng Lương Tam Quang. Thông qua lãnh đạo Cảnh sát Phái bộ UNMISS, Thượng tướng Lương Tam Quang đã trao tặng Văn phòng Cảnh sát bang Đông Xích Đạo bộ vali khám nghiệm hiện trường giao thông. Ngay khi nhận được món quà đặc biệt ấy, Thiếu tá Cường đã tích cực chỉ đạo triển khai kế hoạch sử dụng bộ vali này một cách hiệu quả.
Đến nay, các sĩ quan Văn phòng Cảnh sát bang Đông Xích Đạo đã sử dụng bộ vali làm phương tiện giảng dạy trong nhiều đợt tập huấn nâng cao năng lực cho cảnh sát địa phương, góp phần thực hiện sứ mệnh GGHB nơi đây. Chỉ huy trưởng Đinh Mạnh Cường đã trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn trong các đợt tập huấn.
Cho đến thời điểm hiện tại, Thiếu tá Đinh Mạnh Cường là sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên đặt chân tới vùng đất này với nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành Văn phòng Cảnh sát GGHB LHQ tại bang Đông Xích Đạo theo chức trách và quyền hạn được giao. Đây là 1 trong 10 bang của Nam Sudan, tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Việt Nam. Quản lý địa bàn rộng tới 73 nghìn km2 nhưng Văn phòng Cảnh sát chỉ có 32 sĩ quan đến từ 16 quốc gia thuộc các châu lục, chia thành các khối tác chiến, xây dựng - nâng cao năng lực và khối hành chính.
Sinh năm 1987, Thiếu tá Đinh Mạnh Cường hiện là chỉ huy trẻ tuổi nhất trong số 10 chỉ huy trưởng của cảnh sát LHQ tại Nam Sudan. Ở Văn phòng, anh cũng thuộc nhóm số ít các sĩ quan 8X, trong khi đa số đồng nghiệp quốc tế thuộc thế hệ 7X. Là lãnh đạo trẻ, anh xác định phải tập trung và quyết liệt với công việc ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ. Không chỉ chỉ đạo về chuyên môn mà còn phải xử lý vi phạm nội bộ, giải quyết chế độ, quan tâm đến đời sống sinh hoạt của anh em.
Anh xác định phải tạo ra môi trường làm việc nhất quán, công bằng thì mới tạo ra sự đồng thuận, thuyết phục được các sĩ quan dưới quyền. Và đặc biệt, mọi mệnh lệnh đưa ra phải căn cứ theo quy định, kế hoạch; tuân thủ các giá trị của LHQ về sự chuyên nghiệp, liên lạc hiệu quả, quy định rõ trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm giải trình. Với những kiến thức, kĩ năng đã được tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động GGHB; được sự động viên, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, anh có thêm động lực, sự tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bản lĩnh của người chỉ huy
Trụ sở chính Văn phòng Cảnh sát bang Đông Xích Đạo đóng tại thị trấn của huyện Torit. Nơi đây đang vào mùa mưa với "đặc sản" là những con đường đất lầy lội. Ôtô vật vã lội bùn đất với vận tốc 20km/giờ như thử thách lòng kiên nhẫn của Thiếu tá Cường và đồng nghiệp trong những chuyến tuần tra kéo dài cả nửa tháng. Không chỉ vậy, trên các ngả đường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình ANTT phức tạp và diễn biến nhanh.
Đây cũng là thời điểm dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát ở Nam Sudan. Anh kể: "Hiện tại có đến hơn 2 nghìn người mắc bệnh tả. Dịch đau mắt đỏ, dịch sốt xuất huyết có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, tích cực tập luyện để đủ sức khoẻ bám trụ địa bàn". Hết giờ làm việc, trở về căn phòng container quen thuộc, Chỉ huy trưởng Đinh Mạnh Cường lại vào bếp nấu nướng rồi tranh thủ đi xách nước ở bể nước chung về dùng. Anh nói vui rằng dù ở mặt trận nào cũng giữ vững tinh thần độc lập tác chiến.
Bang Đông Xích Đạo có hơn 1 triệu dân nhưng thuộc 18 tộc người. Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc. Tháng 4/2024, khoảng 1 nghìn người thuộc tộc Murle mang theo vũ khí từ bang Jonglei tràn sang bang Đông Xích Đạo để cướp gia súc của tộc người Toposa. Có đến 17 nghìn đầu gia súc như dê, ngựa, bò bị cướp. Nghiêm trọng hơn, 90 phụ nữ và 32 trẻ em tộc Toposa bị bắt cóc, 40 người thiệt mạng khi chống trả lại toán cướp.
Nhận được tin báo từ người dân, Thiếu tá Cường nhanh chóng cử các sĩ quan cảnh sát xuống địa bàn nắm bắt tình hình. Nhận định đây là một vụ cướp có vũ trang quy mô lớn, tính chất phức tạp và đặc biệt nguy hiểm, anh xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cảnh sát phái bộ, cảnh sát Nam Sudan; đồng thời nhanh chóng phối hợp với quân đội, cảnh sát địa phương và các tổ chức của Liên hợp quốc đóng trên địa bàn để lập kế hoạch tác chiến. Các báo cáo về nhân đạo, về vấn đề tội phạm, về biện pháp đối phó với diễn biến vụ việc khẩn trương được gửi đi.
Cấp thiết nhất tại thời điểm đó là yêu cầu về nhân đạo, vì vụ tấn công đã khiến người dân tộc Toposa bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bị cướp hết gia súc dẫn đến không còn tài sản, đồ ăn thức uống. Sau khi có sự kêu gọi của Văn phòng Cảnh sát, các tổ chức nhân đạo đã viện trợ lương thực, thuốc men y tế cho người dân. Các biện pháp đối phó với toán cướp được ráo riết triển khai. Kết quả có 7 trẻ em và 30 phụ nữ bị bắt cóc được thả, 3 nghìn con bò được trả lại cho người dân. Tư lệnh Cảnh sát phái bộ đã đánh giá rất cao về kế hoạch, cách thức ứng phó và giải quyết vụ việc của Chỉ huy trưởng Đinh Mạnh Cường và đồng nghiệp.
Đây chỉ là trường hợp điển hình trong số nhiều vụ việc phức tạp liên tiếp xảy ra tại địa bàn khiến Thiếu tá Cường và các đồng nghiệp luôn căng như dây đàn. Tuy thế, anh vẫn lạc quan và vững vàng, bởi luôn nhận được sự chia sẻ và giúp đỡ của người dân bản địa. Anh nhớ lại: "Thời điểm đặt chân tới Torit, tôi gặp bà Hawa - một phụ nữ bản địa dễ mến. Biết tôi là sĩ quan Công an Việt Nam, bà Hawa vui lắm. Bà bảo bà biết đến Việt Nam và khâm phục tinh thần dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người dân để giành được độc lập dân tộc. Rồi bà tự tay làm cho tôi một cốc nước hoa quả. Cốc nước mát như xua tan cái nóng hầm hập ở Nam Sudan, xoá nhoà mọi khoảng cách khiến tôi thấy xúc động và tin cậy. Đến giờ, tôi thường gọi bà là "ma ma Hawa" một cách đầy yêu mến".
Hơn 6 tháng qua, môi trường khắc nghiệt đã tôi rèn nên bản lĩnh của người chỉ huy. Thiếu tá Đinh Mạnh Cường vẫn ngày đêm bám địa bàn và từng bước lãnh đạo Văn phòng Cảnh sát bang Đông Xích Đạo hoạt động ổn định, hiệu quả. Trong mắt nhân viên văn phòng, anh là vị chỉ huy quyết đoán và chuyên nghiệp. Lãnh đạo Cảnh sát phái bộ nhận xét rằng Chỉ huy trưởng Văn phòng Cảnh sát bang Đông Xích Đạo là một trong những vị chỉ huy nghiêm khắc nhất, đã tạo ra sự chuyển biến hoàn toàn ở địa bàn từ khi nhận nhiệm vụ. Tận mắt chứng kiến người dân Nam Sudan sống dưới mức nghèo khổ bởi hệ lụy của xung đột sắc tộc, Thiếu tá Đinh Mạnh Cường càng trân quý giá trị của hòa bình và càng nỗ lực góp phần GGHB ở lục địa đen.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.