Vụ phá rừng nghiến “khủng” nhất Việt Nam: Phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thanh: Phải xem xét rõ nguyên nhân tính chất vụ việc phá rừng ở Bắc Mê (Hà Giang)
Lương Kết
Thứ tư, ngày 14/07/2021 16:01 PM (GMT+7)
“Vụ phá rừng nghiến cần phải điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm. Cần phải làm rõ xem trong việc phá rừng này có hay không sự câu kết, móc nối, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng, nếu phát hiện có phải xử lý nghiêm”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.
Liên quan đến vụ phá rừng nghiến ở Hà Giang như Dân Việt đã phản ánh, PV đã có trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIV.
Theo thông tin mà Báo điện tử Dân Việt nêu, cũng như sự xác nhận của cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang về số lượng cây nghiến ở rừng đặc dụng và rừng sản xuất tại Bắc Mê bị đốn hạ, đã đủ căn cứ khởi tố vụ án để điều tra không, thưa ông?
Với khối lượng gỗ nghiến ở Vườn quốc gia Du Già bị chặt hạ trái phép rất lớn, hậu quả là rất nghiêm trọng, đã có đủ căn cứ để Cơ quan điều tra khởi tố vụ án làm rõ sai phạm, xử lý theo pháp luật hình sự.
Với hành vi của các đối tượng khi chặt phá trái phép một lượng rất lớn các cây nghiến tại Vườn quốc gia (tài sản của đất nước), thì đó là hành vi cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Vụ phá rừng ở Hà Giang được Báo điện tử Dân Việt phản ánh rất rõ ràng, ông có đánh giá thế nào về việc này?
Khi sự việc xảy ra, bên cạnh việc xem xét, xử lý hành vi phạm tội của các đối tượng trực tiếp gây ra việc chặt phá rừng thì chúng ta phải xem xét nguyên nhân, tính chất của vụ việc. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, ngoài việc điều tra, truy tố, xét xử đối tượng phạm tội phải rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra giải pháp để phòng ngừa tội phạm, khắc phục những tồn tại, sơ hở.
Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của bộ phận cán bộ được giao trách nhiệm bảo vệ rừng, rồi trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Qua theo dõi vụ việc phá rừng mà Báo Dân Việt điều tra, phanh phui, ông thấy có vấn đề gì đáng chú ý trong sự việc này?
Rõ ràng để xảy ra việc các đối tượng phá rừng với quy mô lớn như Báo đã nêu thì công tác bảo vệ rừng ở đây là không tốt.
Trong sự việc này, tôi chưa rõ Báo Dân Việt điều tra và có những tư liệu gì liên quan khác ngoài thông tin trên báo nhưng thông thường những vụ phá rừng nghiêm trọng bị điều tra xử lý thấy bao giờ cũng có sự tiếp tay của những cá nhân, đơn vị có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, cơ quan quản lý địa bàn hành chính.
Tôi cho rằng vụ việc phá rừng ở Vườn quốc gia Du Già cần phải được điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm.
Cần phải điều tra làm rõ xem trong việc phá rừng này có hay không sự câu kết, móc nối, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm của lực lượng chức năng, nếu phát hiện có phải xử lý nghiêm.
Để bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đã được quy hoạch thành Vườn quốc gia cần phải có sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chính quyền cũng như lực lượng Kiểm lâm phải biết dựa vào dân, thưa ông?
Đúng như vậy. Thông thường những vùng rừng quốc gia, rừng đặc dụng có người dân sống xen canh, phong tục tập quán, lao động sản xuất của họ sẽ gắn liền với rừng.
Nếu ở địa phương nào làm tốt chính sách giao quản lý bảo vệ rừng, gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của người dân để họ được khai thác các tài nguyên, sản vật của rừng theo quy định của pháp luật thì rõ ràng rừng ở đó được bảo vệ.
Nếu ở địa phương có rừng mà khâu quản lý thiếu trách nhiệm, thậm chí có trường hợp lực lượng bảo vệ rừng còn tiếp tay cho lâm tặc thì rõ ràng rừng ở đó không được bảo vệ. Qua theo dõi những vụ chặt phá rừng với quy mô lớn thường có tổ chức, hoạt động tinh vi, liều lĩnh.
Mặc dù Chính phủ và chính quyền địa phương đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc chặt phá rừng nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng này.
Quy định của Luật nêu rõ Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Qua theo dõi Báo Dân Việt, sau khi Báo phanh phui tình trạng phá rừng tại Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cũng đã cử các vị lãnh đạo có trách nhiệm đến hiện trường để kiểm tra, tỉnh cũng có những văn bản để chỉ đạo giải quyết, để bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng chỉ mang tính chất hành chính. Sự việc xảy ra rồi mới có các chỉ đạo, có các văn bản thế này, thế kia. Điều đó cần nhưng chưa đủ. Sự việc phải được điều tra, giải quyết triệt để, xử lý nghiêm các đối tượng sai phạm.
Và điều quan trọng hơn các vị lãnh đạo phải tìm ra nguyên nhân, tại sao xảy ra sự việc như vậy để từ đó có những giải pháp ngăn chặn và chấm dứt tình trạng phá rừng.
Liên quan đến nhiều vụ việc sai phạm trong đó có việc rừng bị phá, lâu nay chúng ta vẫn nói trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, đến nay qua các vụ việc sai phạm đã xảy ra thấy xử lý trách nhiệm người đứng đầu vẫn chỉ mang tính khẩu hiệu chung chung.
Với số lượng gỗ nghiến bị chặt phá tại Hà Giang có thể sau này những đối tượng trực tiếp tiếp tay, làm ngơ bị xử lý, nhưng còn những vị lãnh đạo khác như Chủ tịch UBND huyện tại đó, Chủ tịch UBND tỉnh ở đó, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm ở đó rồi các đơn vị liên quan cũng phải bị xem xét để xử lý trách nhiệm hành chính.
Có thể nói khâu xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm còn yếu nên nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm pháp luật nói chung trong đó có tình trạng chặt phá rừng.
Liên quan đến việc bảo vệ rừng, nếu có quy định cụ thể, ví dụ ở tỉnh đó có rừng đặc dụng bị chặt phá nghiêm trọng, thậm chí chỉ một cây di sản bị chặt hạ, thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm hành chính; rồi trách nhiệm theo các thiết chế khác như quy định về quản lý cán bộ công chức, trách nhiệm đảng viên, rồi vấn đề "văn hóa từ chức", có như vậy mới nâng cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu trong bảo vệ, quản lý rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.