Trước đó theo điều tra độc lập của nhóm PV Dân Việt sau nhiều lần vào rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất để chụp ảnh, quay phim, đo đếm và phỏng vấn bà con, số lượng cây nghiến bị chặt phá là rất nhiều, ở nhiều điểm khác nhau.
Từ nguồn tin "độc quyền" bà con cung cấp, Dân Việt cũng là tờ báo đầu tiên và liên tục nỗ lực đưa vụ việc này ra công luận.
Ngay sau bài viết của Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã dẫn đoàn công tác đi kiểm tra thực địa; Cục Kiểm lâm Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo khẩn.
Loạt bài điều tra của Báo Điện tử Dân Việt đã nêu rõ, ít nhất hơn 700m3 gỗ nghiến đã bị tàn phá ở Vườn Quốc gia Du Già.
Chiều ngày 3/7/2021, ông Hoàng Hải Lý - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang đã xác nhận với Dân Việt: "Phó Giám đốc Sở đã ký văn bản xác nhận 66 cây nghiến (bị phá-PV) với số lượng 710 m3. Đó là số liệu do anh em đi xác minh về hôm 27/6/2021, tương đối chuẩn, cụ thể bao nhiêu Công an sẽ công bố sau quá trình điều tra".
Về phần rừng sản xuất, ông Lý cho biết lực lượng kiểm lâm sẽ xác minh cụ thể và báo cáo riêng.
Một lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng nhìn nhận: "đây là một vụ việc phức tạp, rất nghiêm trọng" và đã "giao Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng, thành lập chuyên án, mở rộng điều tra, xác minh vụ vi phạm và xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật".
Được biết, báo cáo ban đầu của Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê trong một khu vực rừng sản xuất ở thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc hồi cuối tháng 6/2021 cũng phát hiện 21 cây nghiến với khối lượng đo ban đầu khoảng 73m3.
Ngoài ra PV Dân Việt còn phát hiện một điểm phá rừng nghiến ở khu vực giáp ranh giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ tại thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc, với khoảng 20 cây nghiến cổ thụ.
Tại hiện trường còn lại hàng trăm mét khối gỗ ngổn ngang giữa rừng.
"Hỏa tốc" tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh Hà Giang
Trước đó, từ ngày 11/6 đến nay, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã liên tiếp có 2 loạt bài điều tra chi tiết, phản ánh tình trạng phá rừng nghiến tại rừng đặc dụng (Vườn quốc gia) Du Già, rừng phòng hộ và rừng sản xuất tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
Đồng thời phân tích các mâu thuẫn phức tạp trong các lực lượng, những bất cập về quản lý khiến bà con "không ưng cái bụng", để rồi rừng nghiến cổ thụ bị tàn sát trên diện rộng "chưa từng thấy ở Việt Nam".
Ngay sau khi Báo NTNN/Dân Việt phản ánh, ngày 28/6/2021 vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản hỏa tốc số 2046/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo văn bản này, tỉnh Hà Giang yêu cầu các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Địa phương, chủ rừng nào buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không quan tâm chỉ đạo để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng phức tạp, nổi cộm hoặc để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng quản lý các đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm.
Văn bản này cũng yêu cầu các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; kiểm tra nguồn gốc lâm sản đưa vào chế biến ở các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, tổ chức cho các cơ sở ký cam kết không đưa vào chế biến gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Nếu cơ sở nào vi phạm xử lý nghiêm theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tiến hành rà soát nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động, căn cứ điều kiện cụ thể để xây dựng phương án thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện kế hoạch triệt phá các đường dây, ổ nhóm khai thác, mua bán, tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái phép.
Luật sư Hoàng Tùng: "Đối tượng có thể nhận mức án đến 15 năm tù"
Về vụ, nhiều cây gỗ nghiến cổ thụ với khối lượng gần 800m3 bị tàn phá ở "Rừng đặc dụng Du Già", rừng phòng hộ và rừng sản xuất thuộc huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết:
Điều 5 Luật Lâm nghiệp năm 2017, Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ được xác định là chủ rừng theo quy định của pháp luật. Chủ rừng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; bảo đảm chế độ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm, lỗi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định về nội bộ, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội.
Với hành vi chặt cây gỗ nghiến lớn ở huyện Bắc Mê, đối tượng chặt hạ cây có dấu hiệu của tội "Huỷ hoại rừng" theo Điều 243, Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng "thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá 100.000.000 đồng trở lên; thực vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá 200.000.000 đồng trở lên".
"Do vậy, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào giá trị các cây gỗ nghiến bị chặt phá để đánh giá mức độ thiệt hại và xác định khung hình phạt cụ thể. Và, việc chặt hạ với số lượng cây gỗ nghiến như ở huyện Bắc Mê, có thể các đối tượng sẽ phải lĩnh mức án từ 7-15 năm tù", Luật sư Tùng nêu quan điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.