Đó là lý do tại sao thông tin thịt lợn có chất cấm sử dụng, có khả năng gây ung thư lại khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang và ngay tức thì có thái độ tiêu cực với mặt hàng này.
Sức mua giảm mạnh
Mặc dù kết quả sử dụng chất cấm gốc Beta - Agonist dùng làm chất tạo nạc trong quá trình “vỗ béo” đàn lợn giảm tiêu tốn thức ăn được phát hiện ở các tỉnh phía Nam nhưng những tác hại mà chúng để lại cho con người, đặc biệt là khả năng gây bệnh ung thư đã khiến nhiều bà nội trợ e ngại thịt lợn.
|
Ảnh minh họa |
Ghi nhận của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn TP Hà Nội trong những ngày qua, cho dù giá thịt lợn liên tục giảm (5.000-10.000đ/kg) nhưng sức mua không hề được cải thiện. “Hơn 10 năm kinh doanh mặt hàng này, hiếm khi nào sức mua lại giảm đến gần nửa như hiện nay. Thấy dân e ngại thịt lợn, chúng tôi đã chủ động giảm lượng hàng nhập, trước kia mỗi ngày gần 100kg thịt các loại thì nay chỉ dám lấy nhiều nhất 70% mà vẫn khó” – chị Thành, bán thịt ở chợ tạm Định Công chia sẻ.
Ngày 18.3, mặc dù đã sắp chính ngọ nhưng sạp hàng của chị Thành vẫn đầy ê hề, nhất là thịt nạc. “Trước khi quyết định mua, khách hàng lật lên lật xuống, ấn tay kiểm tra xem có độ đàn hồi, có ra nước không? Thấy thịt có màu đỏ sậm, kể cả đóng dấu kiểm dịch vẫn nhất quyết không mua”.
Phải chọn đến mấy miếng thịt, chị Bích Diệp – ngách 154, ngõ 197 Định Công mới ưng ý. Khác với trước đây, chị Diệp chỉ mua cầm chừng, còn lại bổ sung thêm các loại thịt khác như gà, bò, cá… vừa phong phú mâm cơm vừa hạn chế chất độc nếu có vào cơ thể. Đặc biệt, trong sự lựa chọn của mình, chị Diệp nói không với các loại thịt nạc ít mỡ hay có lớp mỡ mỏng mà chuyển sang sử dụng thịt có nhiều mỡ và không ủng nước theo khuyến cáo.
“Không biết thực hư thế nào nhưng nhà có con nhỏ, nghe đến chất cấm là sợ”. Nhiều bà nội trợ đề cao cảnh giác, ngày nào cũng cất công vào siêu thị mua thịt lợn và có xu hướng chỉ chọn miếng thịt có nhiều mỡ.
Thịt lợn tại Hà Nội chưa nguy hiểm
Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN các chất cấm gốc Beta-Agonists mà một số hộ dân sử dụng để “vỗ béo” lợn hay kích nạc được phát hiện ở Đồng Nai, có nguồn gốc từ Trung Quốc và Thái Lan. Thịt lợn cung cấp cho HN phần lớn từ các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh; thịt siêu nạc sử dụng chất cấm từ Đồng Nai “tuồn” ra miền Bắc là rất hiếm vì thị trường TP Hồ Chí Minh đã không đủ đáp ứng.
Hơn nữa, “thông tin về chất tạo nạc cho lợn là có, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng dưới 1%, người tiêu dùng không nên quá lo sợ”. Khẳng định thực tế này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cũng cho biết: việc giám sát 43% số mẫu nước tiểu, 26% số mẫu thịt vừa được kiểm tra phát hiện chất cấm gốc Beta Agonits chỉ thực hiện tại một số tỉnh miền Nam, chưa thể kết luận 30 - 40% thịt lợn trong cả nước bị nhiễm chất tăng nạc.
Đàn lợn tại HN hiện có 1,7 triệu con lợn, theo bà Nguyễn Thị Tam - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT HN cho biết, qua lấy mẫu phân tích, chưa phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cả khâu sản xuất và kinh doanh.
Kết quả kiểm tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) công bố cuối tuần qua cho thấy, Cục phối hợp cùng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm trên 5 mẫu thịt tươi trên địa bàn HN không phát hiện hóa chất nhóm Beta-Agonists.
Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm và sử dụng thịt lợn bình thường nếu miếng thịt đó có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả. Mỡ có màu sắc, độ rắn, mùi vị bình thường; vết cắt cũng có màu sắc bình thường, sáng và khô.
Không nên mua những miếng thịt kém tươi, khi ôi sẽ có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen, không bóng; màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt; mỡ màu tối, mỏng khoảng 1cm; nếu thịt nhão hơn, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn thịt lợn này đã bị sử dụng chất kích thích.
Cần khoanh vùng lợn “bẩn” và công bố công khai
Người dân không thể phát hiện chất cấm trong thịt bằng mắt thường bởi nó chỉ có thể được tìm thấy khi lấy mẫu phân tích. Để thực sự đem lại sự an toàn thực phẩm cho người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và nhanh chóng khoanh vùng, công bố công khai các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi sử dụng các loại thuốc tăng trọng nằm trong danh sách cấm.
Quan trọng hơn, phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm này tận gốc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần công bố rộng rãi những địa chỉ cung cấp thịt lợn sạch đã qua kiểm tra và chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng không hoang mang trước nhiều luồng dư luận.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.