Thờ ơ với sức khỏe của thợ làng nghề

Chủ nhật, ngày 25/08/2013 06:18 AM (GMT+7)
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hầu như lúc nào cũng rình rập tới sức khỏe những người thợ làng nghề ở Hải Phòng nhưng hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho thợ làng dường như vẫn còn bỏ ngỏ.
Bình luận 0
Làng nghề đối mặt với bệnh tật

Anh Vũ Văn Đoán (34 tuổi), thợ mộc làng nghề Kha Lâm, quận Kiến An cho biết, nghề thợ mộc lúc nào cũng hít phải hơi gỗ, mùn gỗ nên hầu hết thợ mộc đều gầy, dù có ăn uống đến đâu. Đấy là chưa kể lúc cưa đục sơ xẩy tí là đứt tay, què chân.

Thợ làng nghề mộc Kha Lâm (Kiến An) luôn đối mặt với bệnh về đường hô hấp.
Thợ làng nghề mộc Kha Lâm (Kiến An) luôn đối mặt với bệnh về đường hô hấp.

Nhưng nghề mộc vẫn nhẹ nhàng chán so với nghề đúc đồng ở Thủy Nguyên. Những người thợ nơi đây lúc nào cũng chìm trong lửa, bụi, khí từ các lò nung nồng sặc. Anh Phạm Đăng Dương, thợ của làng nghề này cho biết: “Từ khi làm ở làng nghề này, mình bị bỏng và bị thương lặt vặt cũng vài lần rồi. Ngoài ra còn bệnh về phổi, họng. Mỗi lần bị thương, chủ cho nghỉ ít bữa với chút quà gọi là, còn lại mình tự băng bó, tự điều trị cho khỏi rồi đi làm tiếp...”.

Tai nạn lao động nhẹ ở các làng nghề thủ công là chuyện cơm bữa, và là việc “có thể nhìn thấy”. Trong khi đó, thợ làng nghề còn phải đối mặt với “sát thủ” giấu mặt là bệnh ung thư, nhưng ít người để ý. Tại làng nghề Tràng Minh, quận Kiến An, số người mắc ung thư không ngừng tăng. Ông Trần Ngọc Hưởng, tổ dân phố Vinh Quang cho biết: Cứ vài nhà gần nhau lại có một người chết do ung thư. Từ đầu năm 2013 tới nay đã có hơn chục người chết vì ung thư.

Cũng theo ông Hưởng, hầu hết số người bị chết do ung thư trong phường đều còn trẻ, là lao động phổ thông, tiếp xúc trực tiếp với nguồn phế thải độc hại.

Không ai quan tâm tới sức khỏe người thợ

Nguy cơ thương tích và bệnh nghề nghiệp cao như vậy nhưng hầu như không có thợ nào được khám bệnh định kỳ hoặc khám sức khỏe. Một chủ cơ sở đúc ở làng nghề Mỹ Đồng thừa nhận chưa bao giờ tổ chức khám sức khỏe cho thợ. Tất cả các cơ sở khác trong làng nghề đều thế.

Thông tư số 13/2007/TT-BYT của Bộ Y tế nêu rõ: DN phải khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề ít nhất 1 lần/năm và 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhưng quy định này về đến địa phương dường như đều bị “vô hiệu hóa”.


Tiến sĩ Lê Thị Song Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng phân tích: Người lao động ở các làng nghề ngoài thương tích về tay, chân, mắt… còn mắc các bệnh hô hấp, ngoài da, nhiễm kim loại, hóa chất… Nhưng những bệnh nghề nghiệp này không thể mắc ngay, mà nó âm ỉ theo thời gian rồi mới phát bệnh. Do đó, chính người lao động cũng thờ ơ với việc bảo vệ sức khỏe của mình.

“Hầu hết thợ làng là lao động thủ công, họ được trả lương theo sản phẩm, theo công lao động, chưa có chế độ về BHXH, BHYT. Có chăng, thì chủ doanh nghiệp (DN) mua cho bảo hiểm thân thể. Vì thế, sức khỏe thợ làng có vấn đề gì thì họ đều phải tự lo” - bà Hương nói.

Tiến sĩ Hương cũng phải thừa nhận một thực tế hiện nay ở Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng là đơn vị có nhiệm vụ quản lý, giám sát sức khỏe người lao động ở các làng nghề nhưng chưa triển khai được gì. Hiện nay, ngành y tế dự phòng ở Hải Phòng mới quản lý, theo dõi sức khỏe người lao động của 30 DN. Còn lại, các DN nhỏ lẻ khác, đặc biệt là cơ sở sản xuất ở làng nghề né tránh, không thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho lao động. Vi phạm rõ ràng nhưng các đơn vị quản lý, từ cấp xã tới tỉnh đều “lực bất tòng tâm”.
Bùi Hương (Bùi Hương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem