Thỏ trắng, chó Nhật và chồn đen

Thứ bảy, ngày 08/12/2012 19:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhớ lại hồi kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 4 tự do, đời sống của cán bộ, công nhân viên rất khó khăn. Nông dân cũng không khá gì hơn. Thóc gạo làm ra, sau khi đóng góp cho kháng chiến, còn lại chỉ vừa đủ ăn.
Bình luận 0

Bỗng năm nào đó rộ lên “phong trào nuôi thỏ”. Người ta đồn nhau y tế đang thu mua thỏ để làm thí nghiệm mà không ai có bán. Từ nông dân tới cán bộ, học sinh, người buôn bán... đổ xô nhau tìm mua thỏ giống. Giá thỏ giống lên cao mỗi ngày (bây giờ gọi là “sốt” hay “cháy”). Ra đường gặp người nào hơn hớn thì y như là vừa bán được thỏ và cả vì vừa mua được thỏ.

Thế nhưng, hỡi ôi, chỉ một - hai năm, thỏ bán không ai mua. Cũng chẳng thấy y tế nào mua thỏ làm thí nghiệm. Còn thịt thỏ thì dân ta không quen ăn, không biết cách làm thịt, cách nấu, cách thuộc da. Đành vứt thỏ ra đường hay làm thịt, nhắm mắt mà nuốt!

Chó cảnh Nhật cũng được bàn tay bí ẩn nào đó phù phép thành bí quyết làm giàu và thực tế một số người đã giàu nếu biết ăn non. Nhưng số người mất của vì chó Nhật ở các thành phố miền Bắc những năm 80 thế kỷ trước không ít. Cũng chủ yếu là mua con giống thật đắt và rồi phải bán theo giá chó thịt hoặc đem cho nhưng chẳng ai muốn nhận.

“Chồn nhung đen” có vẻ như đang vận hành vòng quay đầu tiên của quá trình tạm nghi vấn là “có cái gì bên trong”. Chẳng ai dại gì đi nuôi một con gia súc mà không dùng được vào việc gì cả thịt lẫn da, cũng không hề thấy ai mua bán hay xuất khẩu được con nào. Nhà khoa học kia đưa con chuột đồng Nam Mỹ về nước rồi đề bạt nó lên thành “chồn nhung đen”. Nhưng hỏi ông con “chồn chuột” dùng để làm gì, ông cũng không trả lời được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem