|
Sản xuất ở Việt Hải chủ yếu vẫn tự cấp, tự túc. Ảnh Nguyễn Bích |
Sóng nước cách trở
Xã Việt Hải nằm lọt thỏm giữa biển khơi, bao bọc bởi núi cao và rừng già của Vườn quốc gia Cát Bà. Tính theo đường chim bay, Việt Hải chỉ cách bến Bèo, thị trấn Cát Bà chừng 10km vậy mà gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Sau khoảng 30 phút đi xuồng máy, từ bến Bèo, qua vịnh Lan Hạ, chúng tôi tới bến đò của Việt Hải. Từ bến vào trung tâm xã phải đi theo con đường bê tông ôm ngang núi, bên trái là một đầm nhỏ từ ngoài biển ăn vào khá sâu trong núi. Anh Đinh Văn Khánh - Phó Công an xã Việt Hải kể: "Trước đây, khi chưa có con đường này, người dân phải lội theo đầm nước, đi qua hang nước lụt, rồi theo đường mòn cây cối um tùm vào xã.
Chính quyền xã Việt Hải đang đề nghị huyện hỗ trợ mỗi năm hơn 10 triệu đồng mua dầu để chiếc đò duy nhất kết nối Việt Hải với bên ngoài chạy mỗi ngày một chuyến.
Có thời điểm, mưa bão lớn, nước dâng lên kín hang, cả xã bị cô lập hoàn toàn". Giao thông cách trở nên người dân Việt Hải mang một gánh rau ra thị trấn Cát Bà bán, tiền chỉ đủ trả tiền đò, xe ôm. Vì giao thông cách trở nên sự nghiệp "trồng người" ở Việt Hải cũng khó. Xã chỉ có trường mầm non và tiểu học, học sinh từ cấp 2 trở lên phải ra thị trấn Cát Bà trọ học. Đi lại khó khăn, tốn kém nên nhiều em phải bỏ học giữa chừng.
Anh Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho biết: "Hiện, xã có 86 hộ với 260 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi dê, vịt. 7 năm trở lại đây, được nhà nước đầu tư, chúng tôi đã làm được con đường bê tông xuyên xã, xây dựng cảng đón tàu, hệ thống thuỷ lợi và nhà văn hoá...". Điện lưới chính thức đến Việt Hải ngày 19-8-2009.
Dù đã được nhà nước đầu tư, Việt Hải vẫn là xã khó khăn nhất huyện Cát Hải. Tuyến giao thông đường bộ từ Việt Hải lên huyện không có, muốn lên chỉ có cách xuyên qua rừng già Cát Bà. Hiện, xã có một tàu đò, mỗi ngày chạy một chuyến nếu đủ khách, nếu ít khách, đò không phục vụ.
Thu hẹp khoảng cách bằng du lịch
Nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà nên Việt Hải có nhiều tiềm năng du lịch. Tận dụng tiềm năng này, năm 2009, đồn Biên phòng Cát Bà đã tham mưu cho chính quyền xã xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng, đón khách nghỉ qua đêm. Trong khi chờ UBND huyện phê duyệt, người dân Việt Hải đã mở các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách.
Ông Soi, một trong số những người đầu tiên mở dịch vụ ăn uống cho du khách ở Việt Hải cho biết: "Khách du lịch ngoại quốc chọn Việt Hải là điểm dừng chân và thường nghỉ lại một đêm sau tour du lịch thám hiểm xuyên khu bảo tồn Cát Bà. Họ thích ở đây vì phong cảnh đẹp, hoang sơ, người dân vẫn giữ được những nét văn hoá nguyên thuỷ, đặc biệt là những món ăn dân dã từ măng rừng, ếch đồng.... Mỗi ngày nhà tôi đón khoảng 20 khách".
Nếu như trước đây Việt Hải không có một hàng quán nào thì nay đã có ba quán ăn. Cuối con đường trục chính của xã có một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng có tên Bugalow sang trọng. Khu nghỉ dưỡng này được thiết kế đẹp và thân thiện với môi trường với những ngôi nhà lợp lá.
Người dân Việt Hải đang háo hức làm du lịch với mong muốn biến ngôi làng vẫn còn những nét hoang dã của mình thành điểm đến, điểm dừng chân của du khách. Họ coi đây là cơ hội thoát nghèo, kéo ngắn khoảng cách về sự phát triển kinh tế - xã hội so với các địa phương khác. Song để làm được, Việt Hải rất cần nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu đãi về nguồn vốn vay đầu tư phát triển kinh tế, du lịch...
Nguyễn Bích
Vui lòng nhập nội dung bình luận.