Trượt chức bí thư vì thoa son
"Bây giờ phụ nữ ra đường để mặt mộc có khi còn bị coi là không tôn trọng cộng đồng, chứ cái thời tôi còn trẻ, nếu không phải văn công mà tô son điểm phấn thì không hay đâu", bà Hoàng Linh, hiện sống ở Gia Lâm, Hà Nội, nói. "Ở thành phố lớn như thủ đô, nơi người ta quen nhìn phụ nữ ngắm vuốt thì không biết thế nào, chứ ở cái thị xã miền Trung quê tôi hồi đó, cô nào diện một chút là gây ngứa mắt lắm".
Bà Linh đang nói đến những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi toàn dân đang dốc sức cho việc đánh Mỹ và thống nhất đất nước. Tất cả cho chiến trường, mọi người đều phải chịu thiếu thốn, đến ăn còn không đủ. Vì vậy, những thứ dùng cho việc làm đẹp trở thành xa xỉ và khó với và nếu có, việc sử dụng chúng dường như cũng lạc lõng.
Bà Linh kể: "Tôi có bà chị họ đi nghiên cứu sinh về tặng một thỏi son đỏ, bảo thỉnh thoảng thoa một tí cho xinh. Lần đầu tiên tôi được cầm một vật xinh đẹp như vậy, lại còn thơm nữa. Chưa trang điểm bao giờ nên tôi cũng ngượng, giấu thỏi son trong rương, mỗi tối soi gương thoa trộm, tự ngắm nghía một tí rồi chùi đi".
"Một hôm chủ nhật, anh bạn cùng cơ quan rủ đi thăm người ốm. Nghĩ thế nào, tôi lại lấy son ra bôi, có lẽ vì tôi thích anh ta. Đến nhà chị bạn bị ốm, chị ấy khen xinh. Tôi thích lắm nên mấy hôm sau khi đi làm cũng lôi son ra thoa nhẹ, phớt một chút thôi, nhưng chị em nhận ra ngay, xúm lại hỏi han, bảo hôm sau mang son đến cho họ bôi thử với".
|
Thỏi son từng được cho là thứ xa xỉ quá mức. |
"Không ngờ, tuần đó họp đoàn, tôi bị phê vì gieo rắc tư tưởng đua đòi ăn chơi tiểu tư sản, mà người phê phán tôi lại chính là anh chàng tôi thích. Anh ta bảo tôi là người trong ban chấp hành, thậm chí có tiềm năng trở thành bí thư khóa tới, mà như thế thì làm gương thế nào được, mà thực tế là nhiều nữ đoàn viên cũng bị cuốn theo thói hư của tôi".
Sau hôm đó, bà Linh hết dám ho he trang điểm, chị em trong cơ quan cũng chả dám xin bôi thử son nữa. Tưởng thế là xong, ai ngờ các cuộc họp sau đó, chuyện thỏi son của Linh vẫn tiếp tục được đưa ra để nhắc nhở, cảnh báo về chuyện giữ vững lối sống lành mạnh. Và đến kỳ đại hội đoàn sau đó, bà Linh cũng bị gạch tên khỏi danh sách đề cử ban chấp hành.
Những năm đó, việc mang tiếng tiểu tư sản không đến nỗi "nguy hiểm chết người" nhưng cũng đủ cản trở sự thăng tiến, vì nó được đánh đồng với "lập trường không vững, tư tưởng mơ hồ, coi thường lao động", tóm lại là cần được uốn nắn, giáo dục nhiều. Thích những thứ xa xỉ, phù phiếm cũng là một biểu hiện của cái thói tiểu tư sản. Vì thế hồi đó, những anh chị điệu đà dễ bị "để ý".
"Mẹ tôi kể, hồi đó bố đi nước ngoài về tặng mẹ đôi xu chiêng nhọn với cái khăn mỏng rất điệu. Mẹ mới quàng cái khăn đã bị phê là tiểu tư sản rồi, sợ quá cất luôn, đôi xu chiêng nhọn cũng chả dám mặc nữa vì sợ lúc giặt phơi bị phát hiện, lại thành học đòi lối sống đồi trụy thì chết", chị Mai Lê, 39 tuổi, nói. "Dì tôi được cho cục xà phòng thơm, cũng suốt ngày đem ra hít hà, ngửi lấy ngửi để mà không dám dùng, vì nó thơm quá, không giống xà phòng thường vốn hôi xì".
Lại còn quần áo nữa. Những năm 1960, dễ gặp lôi thôi nhất là những anh mặc quần ống tuýp, nếu thêm kiểu đầu "đít vịt" (tóc để dài, bôi sáp bóng mượt, chải túm về phía sau) nữa thì càng đích thị là kẻ không ra gì. Để thể hiện tinh thần văn minh, tiến bộ, có nơi còn để bảng cấm đầu đít vịt, quần ống tuýp vào làng. Tới những năm sau giải phóng, mốt quần trên bó dưới loe cùng mốt tóc dài kiểu John Lennon từ miền Nam tràn ra Bắc, càng được cho là tàn dư của lối sống hưởng thụ cực kỳ độc hại, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức thanh niên.
Thế là hồi đó, trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên cờ đỏ cầm kéo chực sẵn, hễ thấy anh chị nào mặc quần ống loe thì nhẹ là cắt dọc theo đường may, nặng là cắt xoẹt cụt cả ống quần. Anh nào tóc dài, râu xồm xoàm cũng bị xén trụi. "Tôi bị mất đứt hai cái quần ngay ngoài phố", ông Thiện, người Hà Nội, nhớ lại.
Sự cố từ tính lãng mạn
Chỉ cần báo cáo tổ chức là đôi trai gái được phép công khai tìm hiểu nhau nhằm tiến tới hôn nhân. Thế nhưng thể hiện tình yêu như thế nào cũng là chuyện không phải muốn gì làm nấy. Nếu như thanh niên bây giờ vắt óc nghĩ ra cách thể hiện sự lãng mạn để người yêu hài lòng thì thời bao cấp, lãng mạn quá nhiều khi sinh vạ.
"Nghèo quá, chẳng có gì để tặng người yêu, tôi xót lắm vì nàng cũng nghèo, công việc vất vả, sức khỏe lại yếu. Để động viên nàng, mỗi chiều thứ 7 sang thăm, tôi đều cố kiếm một vài bông hoa để tặng, báo hại nàng bị phê phán là học đòi yêu đương mùi mẫn kiểu tiểu tư sản. Yêu hoa là tốt, nhưng ướt át, ủy mị đến mức thứ 7 nào cũng kiếm hoa tặng thì còn lao động, phấn đấu sao được", ông Trần Long, người Thanh Hóa, kể, "Sau này, tôi được biết chẳng có chủ trương, chỉ thị nào cấm những cái đó cả, nhưng mà nhiều người họ cứ suy diễn theo ý họ".
Còn ông Lê Văn Hưởng, người Bắc Ninh, hiện sống ở Thanh Xuân, Hà Nội, thì "chết" vì những bài thơ tình ông viết cho người yêu. Cũng vì bạn gái tự hào về tài thơ của ông quá, mang ra khoe. Các cô khác truyền tay nhau chép lại ngâm nga. Rồi một người trong cơ quan phát hiện ra những vần thơ này có vấn đề. Trong khi những người khác hoặc đổ máu ngoài chiến trường, hoặc lao động quên mình vì sự nghiệp chung thì anh chàng này lại chỉ nói về "hạnh phúc riêng hai đứa" với những lời sướt mướt, lại còn dám ước "tất cả tan biến thành hư vô, chỉ tình yêu, anh với em còn lại", quá ư ích kỷ. Rồi người ta thông báo đến cơ quan ông Hưởng để họ theo dõi và uốn nắn, giáo dục ông.
"Mấy chục năm, tôi vẫn nhớ lời 'tâm sự' của thủ trưởng cơ quan ngày đó, bảo chẳng ai cấm cậu làm thơ tình, nhưng thơ tình của cậu lãng mạn xa rời thực tế, thiếu tính chiến đấu, cực kỳ nguy hiểm và độc hại… Tôi nghe đến đâu, mồ hôi lạnh túa ra đến đó", ông Hưởng chia sẻ.
Còn ông Mai Văn Hồng thì gặp rắc rối vì yêu nhạc, nhất là những ca khúc tiền chiến, thời đó không được khuyến khích vì tính trữ tình ướt át có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Có lần cơm xong ngồi hóng mát ở hành lang, ông hát: "Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi! Dáng huyền tha thướt đê mê, tóc thề thả gió lê thê…" Ngay hôm sau Hồng đã bị căn vặn rằng anh đang ở Hà Nội, lại còn muốn hướng về cái Hà Nội nào, có phải cái Hà Nội tư sản ánh đèn giăng mắc với những cô áo màu, dáng huyền tha thướt đê mê không? Hú hồn.
Để hát cho thỏa, Hồng và các bạn anh thường chui xuống cái hầm trong nhà một cậu trong nhóm, đàn hát với nhau cho thỏa thích những ca khúc trữ tình lãng mạn mà họ say đắm. Cũng may mà không ai phát hiện ra, nếu không có khi cả bọn lại bị hiểu nhầm là đang làm chuyện gì mờ ám.
"Tôi vẫn thỉnh thoảng kể con cái những chuyện ngày xưa, để chúng biết thế hệ bố mẹ đã trải qua những khó khăn nào, và hiện chúng đang được hưởng những gì, và trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống", ông Hồng nói.
Theo Xzone
Vui lòng nhập nội dung bình luận.