Thời trai trẻ của tướng Nguyễn Thước

Thứ hai, ngày 26/03/2012 06:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ nổi danh trong chiến trận, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước còn được biết đến qua các cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thời bình.
Bình luận 0

Ông đã dành cho chúng tôi rất nhiều thời gian để nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên của thời trai trẻ.

Nhọc nhằn sự học

Với chất giọng xứ Nghệ đầm ấm, ông Nhất Thước (tên thường gọi của Tướng Thước) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng hình ảnh của mình gần 80 năm về trước. "Tôi sinh năm Dần, tuổi con hổ. Gia đình tôi thuộc diện thuần nông nhưng lại có truyền thống hiếu học ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ngày còn nhỏ, để cho tôi đi học, các cụ nhà tôi phải đem bán và cầm cố những tài sản có giá trị trong nhà.

Trường tôi học cách nhà đến 6 - 7 cây số. Mỗi sáng đi học, mẹ tôi nắm cho tôi một mo cơm để tôi mang theo. Hầu hết học sinh quê tôi lúc đó rất nghèo, đều phải cơm đùm cơm nắm như tôi. Không phải cơm trắng mà là cơm độn, một phần cơm hai phần khoai”.

img
 

Dù cuộc sống khó khăn nhưng thấy ông thông minh, học hành tiếp thu được nên cả họ xúm vào động viên ông đi học tiếp. Thấy nhiều bạn bè thuộc tầng lớp trung nông khá giả học không giỏi hơn mình nhưng cũng nộp đơn đi thi nên cậu học trò nghèo Nguyễn Quốc Thước quyết tâm nộp đơn dự thi vào Quốc học Vinh. Lúc đi thi ông giấu gia đình, chỉ khi có giấy báo đỗ bố mẹ ông mới ngã ngửa người ra vì… lo không biết lấy tiền đâu nuôi ông ăn học.

Nhớ lại quãng thời gian gian khó đó, Tướng Thước chia sẻ: "Trường Quốc học Vinh lúc đó là trường đầu đàn của cả Trung kỳ. Học ở Vinh một tháng phải mất 1 đồng bạc Đông Dương tiền học phí và 6 đồng bạc tiền ăn một tháng. Mỗi tháng, tôi đi bộ 13 cây số từ Vinh về nhà để lấy tiền. Tôi đi học nhưng không bao giờ có tiền mua sách nên phải mượn bạn để chép đề.

Để có giấy nháp, tôi đi xin những tờ giấy đã sử dụng về ngâm với nước gạo cho chữ bay đi rồi phơi khô”. Nhờ đó mà tôi quen Hoàng thân Xuvanuvông - một trong những lãnh tụ của nước bạn Lào - từ khi đồng chí làm kỹ sư cầu đường ở Vinh, gần chỗ tôi trọ học. Tôi hay đến xin ông Xuvanuvông những tờ giấy đánh máy chữ một mặt để về làm nháp".

Năm 1944, cậu học sinh Nguyễn Quốc Thước thi tốt nghiệp. Thi viết thì ở Vinh, thi vấn đáp thì phải vào Huế. Lúc đó nhà ông chẳng còn đồng nào, ông phải năn nỉ mẹ đi vay giúp một đồng để lấy lộ phí vào Huế dự thi. Trừ tiền vé tàu ra vào đã mất 8 hào, chỉ còn 2 hào để ăn ở trong 3 ngày. Vì thế ông không dám vào quán cơm ăn mà chỉ mua bánh nếp gặm.

Thi xong ông lên tàu về quê luôn vì không đủ tiền ở lại 5 ngày chờ kết quả. Mấy ngày sau, ông nhận được giấy báo ra Vinh nhận bằng diploma. Ngày đó, có được tấm bằng này là đã có thể vào làm chức sắc nhà nước để kiếm tiền. Tướng Thước là người thứ 3 ở huyện nhà khi đó có bằng diploma.

Trọn đời quân ngũ

Có bằng rồi, bố mẹ bảo ông đi nộp đơn vào công sở đi làm nhưng ông không đi vì không muốn làm quan cho chế độ Pháp. Thế là ông treo bằng lên tường rồi đi cày. Nhà ông có 3 mẫu ruộng thì mẹ ông đã bán mất 2 mẫu để nuôi ông ăn học. Vì thế ông phải đi cày thuê cho nhà khác. Làm nông dân được gần một năm thì tháng 4.1945, Nghệ An bắt đầu có phong trào Việt Minh. Ông Thước được giới thiệu kết nạp vào tổ chức để bí mật hoạt động.

img Lúc tôi xin đi bộ đội khó khăn lắm vì tôi đang làm Bí thư Huyện đoàn. Tôi báo cáo với đồng chí Bí thư Huyện ủy là mình kêu gọi thanh niên đi nhập ngũ, ra tiền tuyến mà mình ngồi sau thế này thì ai còn tín nhiệm mình nữa. Tôi xấu hổ lắm. Vì thế tôi mới được vào quân đội. img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Tổng khởi nghĩa nổ ra, tôi tham gia giành chính quyền ở địa phương và chính thức được chọn vào phục vụ cho bộ máy cách mạng. Lúc đó tôi được phân công làm thư ký lục sự cho Tòa án Nghệ An. Cuối năm 1947, tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, Tòa án Nghệ An thu hẹp đi lên chiến khu, tôi được biệt phái về làm ở Tòa án huyện Nghi Lộc kiêm phụ trách Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện.

Năm 1949 tôi được Đảng giới thiệu vào trong quân đội và được vào học ở Trường Sĩ quan Lục quân”.

Sau khi nhập ngũ, cậu thanh niên Nguyễn Quốc Thước được phân vào Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và được điều động vào chiến trường Trị Thiên. Năm 1952, ông được rút ra Nghệ Tĩnh để chuẩn bị cho chiến dịch 53 - 54 - 55. Sau đó ông được cử làm đại đội trưởng một đại đội sang Lào, góp phần giải phóng Lào và giải phóng một phần Campuchia. Đời quân ngũ, Tướng Thước đã đi qua cả 3 chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Cùng đồng đội của mình, ông đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần giành lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc thân yêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem