Thông điệp đầu đời của “nhà văn” nhí

Thứ năm, ngày 05/09/2013 13:55 PM (GMT+7)
“Hỡi con người, hãy yêu thương nhau và thân thiện với thiên nhiên như từ thuở sơ khai vốn thế!”.
Bình luận 0
Đó là thông điệp và giấc mơ tinh khôi đầu đời của cô bé vừa lên lớp 6 Trịnh Mai Phương ẩn chứa phía sau gần 300 trang của cuốn sách “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Sẻ con” do Nhà xuất bản Văn học vừa ấn hành đầu tháng 9 này.

Bìa cuốn sách  “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Sẻ con”.
Bìa cuốn sách “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Sẻ con”.

“Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Sẻ con” là một câu chuyện hấp dẫn và cảm động của Sẻ con và Chim ưng trong cuộc phiêu lưu truy tìm cô chủ nhỏ tên Linh. Sẻ con và Chim ưng đã “ngao du” qua rất nhiều vùng đất vùng trời vùng biển của dải đất hình chữ S. Và trong cuộc giải cứu cô chủ nhỏ, Sẻ con và Chim ưng đã gặp vô số cảnh, vật, người và vô số tình huống… Có tình huống thú vị, có tình huống nhân văn nhân bản rơi lệ, có tính huống gay cấn đến thót tim… và rất nhiều gian nan, rất nhiều máu, rất nhiều nước mắt, nhiều khi tưởng như mất mạng. Nhưng Sẻ con và Chim ưng đã vượt qua tất cả, gặp được rất nhiều bạn tốt, người tốt, cơ hội tốt, và đó chính là những yếu tố giúp Sẻ con và Chim ưng giải cứu cô chủ nhỏ thoát khỏi bàn tay ác độc của bọn bắt cóc buôn bán người.

Cuốn sách là sản phẩm của một trí tưởng tượng phong phú và trong trẻo, là sản phẩm của một tình cảm nhân văn nhân bản sâu sắc, là kết quả của một tấm lòng kiên trì và dũng cảm. Đó là một giấc mơ trẻ thơ tuyệt vời! Chương 18 của cuốn sách này là chương cảm động nhất. Đó là những trang miêu tả cuộc chiến khốc liệt ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, giữa một bên là liên quân của các loài chim thú, côn trùng với một bên là lâm tặc. Để cứu 3 cây sưa cổ thụ vẫn chở che mình, phía liên quân đã vận dụng mọi chiến thuật và mưu mẹo, nhưng cuối cùng đã thất bại vì phía lâm tặc được trang bị vũ khí nóng, còn phía liên quân thì chỉ có tình thương và quyết tâm… Cuộc chiến ấy đã gây xúc động và để lại nhiều suy ngẫm về nhân tình thế thái cho người đọc.

TS Trịnh Hữu Hạnh- Giảng viên Học viện Tài chính Hà Nội, bố của “nhà văn” Trịnh Mai Phương kể rằng: Mai Phương yêu sách, mê truyện từ khi mới biết chữ, nên mỗi tháng ông bố phải chi ra 1/4¼ tháng lương để mua sách cho con. Mai Phương viết cuốn “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của sẻ non” ngoài giờ học bài trong suốt cả năm học lớp 5 (năm học 2012–2013) ở Trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Mỗi ngày Mai Phương viết khoảng 5-7 trang vở học trò. Bé viết đến mức chai cả tay. “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Sẻ con” là phép cộng từ 9 cuốn vở học trò kín đặc chữ chép tay của Mai Phương. Không ít các thầy cô giáo của Mai Phương đã đọc cuốn sách và càng tỏ ra yêu mến hơn cô học trò bé nhỏ của mình. Còn Mai Phương thì bẽn lẽn nói: “Con chỉ viết về giấc mơ của con thôi. Đó là giấc mơ đã đến với con?từ rất lâu rồi”.
Minh Tâm (Minh Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem