Thông tin 90% người Việt ăn gạo “bẩn”: Làm tổn hại đến thương hiệu gạo Việt dày công xây dựng

Minh Huệ Chủ nhật, ngày 06/09/2020 08:19 AM (GMT+7)
"Có thể khẳng định kỹ thuật trồng lúa an toàn đã “phủ sóng” khắp các địa phương. Nhiều nơi nông dân đã thành thạo quy trình trồng lúa an toàn, VietGAP, làm ra hạt gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu… Cho nên không thể nói 90% người Việt ăn gạo “bẩn” được" – ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay.
Bình luận 0

Thưa ông, vừa qua một số báo có dẫn lại lời đại diện một doanh nghiệp nói rằng có tới 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn", còn nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

-Hiện nay, chưa có bất cứ cuộc nghiên cứu khảo sát, số liệu thống kê chính thống nào về vấn đề này, nên phát ngôn đó là không có căn cứ. Nhận xét cảm tính như vậy sẽ làm tổn hại đến thương hiệu gạo Việt mà chúng ta đang cố gắng xây dựng từ nhiều năm nay.

Khoảng 10 năm qua, Bộ NNPTNT và các địa phương đang triển khai rất tích cực các mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn, cánh đồng lúa thông minh, trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP… Bà con nông dân đều rất hào hứng, tham gia rất tích cực trong các mô hình trồng lúa giảm thuốc trừ sâu, sử dụng phân bón đúng cách, tránh lãng phí, lạm dụng…

Thông tin 90% người Việt ăn gạo “bẩn”: Làm tổn hại đến thương hiệu gạo Việt dày công xây dựng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (bên phải ảnh) và ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (bên trái ảnh) thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nếu nói trồng lúa hiện nay hoàn toàn không có dư lượng thuốc trừ sâu thì chúng ta chưa đạt được tới mức đó, nhưng hầu hết nông dân trồng lúa đã biết cách sử dụng đúng. Cơ bản các địa phương đang tiến tới sản xuất đúng, đảm bảo an toàn thực phẩm, các địa phương cũng đã xây dựng rất nhiều mô hình, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân. Nhận thức của người dân trong sản xuất lúa an toàn, lúa sạch ngày càng được nâng cao.

Tôi cũng không ngờ chỉ trong khoảng 5 – 7 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất lúa an toàn VietGAP, lúa hữu cơ đi vào cuộc sống, lan toả nhanh đến như vậy. Hầu như tỉnh nào, địa phương nào cũng có các cánh đồng lúa an toàn, lúa VietGAP, theo hướng hữu cơ, hay các mô hình áp dụng kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm"…

Ông có thể cho biết con số cụ thể những diện tích lúa đang được trồng theo các quy trình như vậy?

-Tuy nhiên đúng là đến thời điểm này chúng ta chưa có định lượng, tiêu chí kỹ thuật cụ thể để đong đếm được có bao nhiêu diện tích lúa được trồng theo các tiêu chuẩn an toàn, VietGAP hay GlobalGAP... Tôi cho rằng Bộ NNPTNT và các cơ quan quản lý có liên quan cũng cần nghiên cứu, sớm ban hành các bộ tiêu chí đánh giá, cấp giấy chứng nhận cho các vùng trồng lúa an toàn, hữu cơ.

Đó cũng là cách chúng ta xây dựng thương hiệu hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng, thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, với nhiều hiệp định FTA được kí kết trong thời gian qua.

Về mặt quan điểm, tôi cho rằng sản xuất lúa an toàn đang mang lại những tín hiệu tích cực, và các cơ quan báo chí, nhất là Báo NTNN/Dân Việt có thể vào cuộc tích cực hơn tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của các mô hình này.

Thông tin 90% người Việt ăn gạo “bẩn”: Làm tổn hại đến thương hiệu gạo Việt dày công xây dựng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (hàng đầu, thứ ba từ phải sang) và đoàn công tác thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: TTKNQG

Được biết Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị được giao triển khai nhiều dự án khuyến nông Trung ương trọng điểm, trong đó có các dự án sản xuất lúa chất lượng?

Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với một số doanh nghiệp, địa phương sản xuất có hiệu quả các mô hình trồng lúa hữu cơ ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Vĩnh Phúc… Sản phẩm lúa làm ra trong các mô hình này đã bán được với giá 1.000 USD/tấn tại thị trường trong nước, nếu xuất khẩu thì giá còn cao hơn nhiều.

Vừa rồi Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cũng đã đi thăm mô hình trồng lúa hữu cơ tại Vĩnh Phúc, tận mắt thấy những ruộng lúa hữu cơ nặng trĩu hạt, không thua kém bao nhiêu so với mô hình sản xuất đại trà.

Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai trên quy mô 25ha, sử dụng giống lúa DT39 Quế Lâm, phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học và thảo mộc, không sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc hóa học… Năng suất lúa hữu cơ thấp hơn so với lúa ngoài mô hình nhưng không đáng kể, trong khi lúa hữu cơ ít bị sâu bệnh hơn. Bình quân mỗi ha lúa hữu cơ thu được 52,56 triệu đồng, lãi 24,755 triệu, cao hơn canh tác lúa thông thường 3,683 triệu đồng.

Cái lợi nhất là canh tác lúa hữu cơ chúng ta làm ra sản phẩm chất lượng cao, người nông dân được lợi về sức khỏe, không phải tiếp xúc với hóa chất, bảo vệ môi trường đất và nước…

Đặc biệt, ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL chúng tôi đã triển khai các chương trình "1 phải 5 giảm", hay trước đó "3 giảm 3 tăng", các chương trình trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính thích ứng với biển đổi khí hậu, sử dụng thuốc trừ sâu có trách nhiệm, tiết kiệm vật tư… Các tiến bộ kỹ thuật này không chỉ giúp nông dân giảm giá thành sản xuất mà còn nâng cao chất lượng hạt gạo cung ứng cho thị trường.

Thông tin 90% người Việt ăn gạo “bẩn”: Làm tổn hại đến thương hiệu gạo Việt dày công xây dựng - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả các mô hình khuyến nông của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai ở Vĩnh Phúc, trong đó có dự án sản xuất lúa hữu cơ quy mô 25ha. Ảnh: TTKNQG

Ông có thể nói rõ hơn về hiệu quả của mô hình canh tác lúa "1 phải 5 giảm"?

Đã đến lúc người trồng lúa cần xác định canh tác theo phương pháp "1 phải 5 giảm". "1 phải" tức là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; còn "5 giảm" là giảm lượng hạt lúa giống, giảm phân bón, giảm thuốc BVTV, giảm chi phí bơm tát, giảm thất thoát sau thu hoạch để từ đó tăng lợi nhuận.

Từ phương pháp "3 giảm, 3 tăng" nâng lên "1 phải 5 giảm" cũng không có gì khó, rất thuận lợi cho nông dân. Theo đó, khâu giảm nước, giảm công thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch đã góp phần cho nhà nông thu lợi rất lớn mà từ lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ. Thực tế cho thấy các mô hình "1 phải 5 giảm" có thể giúp nông dân giảm chi phí phân bón khoảng 300.000 đồng/ha; thuốc BVTV giảm 1 triệu đồng/ha, chi phí bơm nước giảm 300.000 đồng/ha, chi phí thu hoạch giảm 1,7 triệu đồng/ha… Trong khi năng suất lúa vẫn đảm bảo.

Đặc biệt, qua các mô hình, cán bộ khuyến nông đều hướng dẫn các hộ ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất lúa vào sổ tay, mục tiêu là nhằm giúp bà con quen với quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, tính toán được đầu vào – đầu ra.

Xin cảm ơn ông! 

"Các mô hình trồng lúa an toàn, VietGAP đang được ngành nông nghiệp các địa phương triển khai rộng khắp và có thể nói đã "phủ sóng" khắp các vùng trồng lúa, tạo thành thói quen sản xuất của bà con, từ đó tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, đảm bảo chất lượng" – ông Lê Quốc Thanh nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem