Từ ngày 17-23.8, đoàn công tác liên Bộ do ông Chu Tuấn
Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) làm trưởng đoàn đã đi kiểm
tra chương trình cấp báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc
biệt khó khăn theo Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28.12.2011 của Thủ tướng Chính
phủ tại các tỉnh Tây Nguyên.
Nội
dung thiết thực với đồng bào
Tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), Phó chủ
tịch xã Kon Sơ Ha Vương cho biết, đây là xã vùng xa của huyện Lạc Dương cách
trung tâm huyện 45km, với 83,6% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có
5 thôn được nhận báo theo QĐ 2472 của Thủ tướng và đây là những ấn phẩm thiết
thực đối với đồng bào dân tộc trong xã.
Ông Chu Tuấn Thanh kiểm tra mô hình thư viện xanh tại trường tiểu học xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng)
Các ấn phẩm báo chí đã giúp đồng bào nắm
bắt kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước và đóng góp lớn vào đời sống văn
hóa, phát triển kinh tế tại địa phương. Phó Chủ tịch xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương
Konxa Ha Thi cho biết, đồng bào đặc biệt quan tâm đến các thông tin về kỹ thuật
sản xuất nông nghiệp, thị trường nông sản, thời vụ và dịch bệnh trong sản xuất
nên rất mong muốn các báo tăng cường nội dung này.
Đối với trường học, hệ thống chuyên đề cung cấp
thông tin trong trường học cũng rất thiết thực đối với học sinh. Cô giáo Hoàn
Thị Cúc Huyền - Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Dương cho biết, các
ấn phẩm chuyển tới trường là tài liệu quan trọng trong sinh hoạt của học sinh
vì thông tin bổ ích hấp dẫn. Trường đề nghị tăng số lượng ấn phẩm cho các lớp để
các em dễ dàng tiếp cận.
Ông Chu Tuấn Thanh kiểm tra hiệu quả thông tin tại nhà Trưởng thôn 4, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (Đăk Nông)
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng Bon Yo Soan khẳng
định, báo, tạp chí cấp cho đồng bào dân tộc, người có uy tín theo Quyết định
2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là thực sự cần thiết đối với đồng bào các
dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Đồng bào rất cần thông tin phát triển sản xuất cũng như
nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Cũng từ những ấn phẩm này, đồng bào có
thông tin chính xác để không bị những đối tượng xấu lợi dụng, xuyên tạc, giúp
an ninh chính trị được giữ vừng.
Tại tỉnh Đắk
Nông, đoàn công tác kiểm tra thực tế tại xã Đắk Plao và xã Quảng Khê, huyện Đắk
Glong. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) Lục Dường
Luyện cho biết, các chi hội nông dân trong xã thường xuyên chia sẻ thông tin với
người dân trong thôn, để cùng cập nhật thông tin về sản xuất nông nghiệp, thị
trường tiêu thụ sản phẩm và thông tin trên báo được người nông dân tích cực đón
nhận .
Giám đốc Đài PTTH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thành Nhân cho
biết, nhiều đài truyền thanh xã thuộc tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện chương trình
làm mới báo cũ. Các phát thanh viên của đài truyền thanh xã thường tìm các bài
báo phù hợp với nhu cầu người dân, dịch ra tiếng dân tộc và đọc trên hệ thống
loa truyền thanh vào giờ thích hợp. Hiện nay, 100% xã của tỉnh Lâm Đồng có hệ
thống đài truyền thanh, rất cần thông tin để cung cấp cho người dân nhưng không
có báo để đọc. Ông Nhân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm báo cho hệ
thống đài truyền thanh xã để tăng nội dung tuyên truyền phù hợp với người dân.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông Ka Bot cho biết,
toàn tỉnh có 40 dân tộc anh em sinh sống và có 4 huyện giáp biên giới
Campuchia nên chương trình cấp báo cho đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiều
năm qua đã có tác động tích cực tới đời sống xã hội đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk
Nông. Nội dung các báo phản ánh rất trúng với nhu cầu của đồng bào và là kênh
thông tin hữu ích để đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa
tinh thần. Ông Ka Bot đề nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được nhận báo và
tăng cường các ấn phẩm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Nóng
chuyện bưu tá xã
Đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, việc chuyển báo
tới tay bạn đọc là vấn đề nóng bỏng đang cần được Chính phủ quan tâm giải quyết.
Nhiều xã khó khăn, địa hình rộng, giao thông khó khăn và cách trung tâm huyện tới
120km nhưng nhân viên bưu tá chỉ đạt mức lương 1,8 triệu đồng/ tháng. Hơn nữa,
nhân viên bưu tá chưa có chế độ ổn định như công chức xã nên việc gắn bó là điều
khó thực hiện. Cũng vì lý do này nên việc phát báo chậm vẫn diễn ra.
Bưu tá xã
Quảng Khê, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) Nguyễn Đức Quynh cho biết, ông là bộ đội
nghỉ hưu và có thâm niên bưu tá xã 22 năm. Ông khẳng định, với mức lương 1,8
triệu đồng/ tháng thì cuộc sống thực sự khó khăn, chỉ vì yêu nghề và muốn
hàng ngày được chuyển tải thông tin đến với đồng bào nên ông thầm lặng gắn bó với công việc này.
Già làng Kon Sa Henry, thôn Đurra Hoa, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cảm ơn Nhà nước đã cấp báo để học tập kinh nghiệm.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Nông Nguyễn Như Thuận cho
biết, chuyển báo tới đồng bào là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện.
Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập, đảm bảo chế độ cho nhân viên bưu tá xã là rất
khó thực hiện vì kinh phí của ngành hoàn toàn không thể cho phép. Vì thế, việc
tuyển dụng và để người bưu tá gắn bó với nghề cũng là bài toán nan giải không
chỉ cho tỉnh Đắk Nông mà còn toàn khu vực Tây Nguyên nói chung.
Đánh giá tổng thể về đợt kiểm tra, Vụ trưởng Vụ
Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) Chu Tuấn
Thanh khẳng định, chương trình cấp báo tới đồng bào dân tộc thiểu số, trường học
và người có uy tín khu vực Tây Nguyên là thực sự cần thiết và hiệu quả, có đóng
góp nhất định đối với phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển phát
báo tại các xã còn có những khó khăn và bất cập nhất định do chưa có cơ chế hỗ
trợ trực tiếp cho nhân viên bưu tá xã đã ảnh hưởng tới công tác chuyển phát báo
tới tay bạn đọc.
Tài Dũng (Tài Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.