Thông xe kỹ thuật cầu Huống Thượng, cây cầu lớn nhất tỉnh Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 19/10/2023 13:32 PM (GMT+7)
Cầu Huống Thượng là cây cầu có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tính đến thời điểm hiện tại, được thiết kế dạng cầu dây văng Extradosed 3 nhịp chính bằng bê tông dự ứng lực, tuổi thọ 100 năm, tốc độ thiết kế 60km/h, với tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 740m.
Bình luận 0

Cầu Huống Thượng thông xe trong sáng 19/10. Clip: Hà Thanh

Sáng 19/10, UBND TP.Thái Nguyên đã tổ chức lễ thông xe kỹ thuật đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng, đường Huống Thượng – Chùa Hang. Đây là công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày thành lập TP.Thái Nguyên.

Công trình đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng; đường Huống Thượng - Chùa Hang là 2/9 hạng mục quan trọng của dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên. Công trình có tổng chi phí đầu tư 1.379 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng (sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới). Trong đó, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện dự án là trên 600 tỷ đồng.

Công trình đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng, đường Huống Thượng - Chùa Hang được khởi công từ tháng 12/2019. Đến nay, các hạng mục công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra, đáp ứng các tiêu chí và mục tiêu theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới.

Với việc tăng thêm 14,27km đường giao thông (cầu, đường), được thiết kế đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như: Vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hào kỹ thuật… theo tiêu chuẩn đường đô thị đã giúp cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị của TP.Thái Nguyên.

Thông xe cây cầu lớn nhất Thái Nguyên, mở ra nhiều tiềm tăng phát triển kinh tế - xã hội địa phương - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tặng quà các đơn vị thi công và các đơn vị nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án cầu Huống Thượng. Ảnh: Hà Thanh

Hạng mục đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng có điểm đầu tại ngã ba giữa đường Bắc Nam và đường Cách mạng tháng Tám, điểm cuối kết nối với tuyến đường Huống Thượng - Chùa Hang với tổng chiều dài cầu và đường là 3,2km bao gồm: Hạng mục đường Bắc Nam có tổng chiều dài tuyến 2,46km, nền đường rộng từ 16,5m - 21m, thiết kế cho 4 làn xe, trên tuyến có hệ thống cống hộp bê tông cốt thép tiết diện rộng 8m, cao 3,5m, thoát nước cho tuyến mương Xương Rồng với chiều dài 700m và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, chiếu sáng theo tiêu chuẩn đô thị.

Hạng mục cầu Huống Thượng được thiết kế dạng cầu dây văng Extradosed 3 nhịp chính bằng bê tông dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm, tốc độ thiết kế 60km/h, với tổng chiều dài cầu và đường dẫn là 740m (bao gồm chiều dài cầu chính 380m; tường chắn và đường dẫn mỗi bên dài 170m), mặt cắt ngang cầu 23,5m, được thiết kế với mặt đường 4 làn xe.

Để tăng cường tính thẩm mỹ và mang bản sắc văn hóa vùng miền, tạo điểm nhấn kiến trúc, cầu Huống Thượng được thiết kế hệ thống cột thép trang trí cách điệu hình tượng lá chè kết hợp với búp chè trên đỉnh tháp.

Hạng mục đường Huống Thượng - Chùa Hang có điểm đầu giao với đường Bắc Nam và cầu Huống Thượng, điểm cuối tuyến đảo tròn Chùa Hang với tổng chiều dài toàn tuyến là 5,7km, với bề rộng nền đường 24,5m, bề rộng mặt đường 15m, thiết kế 4 làn xe với vận tốc thiết kế 60km/h. Trên tuyến có cầu Mo Linh 1, chiều dài toàn cầu 160m, mặt cắt ngang cầu 18,5m. được thiết kế đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, như: Vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và hào kỹ thuật.

Việc đầu tư và đưa vào sử dụng công trình có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy mở rộng không gian của TP.Thái Nguyên về phía Đông theo Quyết định số 1889/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Phát triển tổng hợp đô thị động lực - thành phố Thái Nguyên".

Thông xe cây cầu lớn nhất Thái Nguyên, mở ra nhiều tiềm tăng phát triển kinh tế - xã hội địa phương - Ảnh 4.

Các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Huống Thượng. Ảnh: Hà Thanh

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Licogi 18 (đơn vị thi công cầu Huống Thượng) cho biết, cầu Huống Thượng được thi công trong thời điểm dịch Covid-19, việc điều chỉnh giá vật liệu trong quá trình thi công khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành của TP.Thái Nguyên, đơn vị thi công đã tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công ngày đêm để hoàn thiện công trình theo đúng tiến độ.

Ông Đoàn Bá Thu - Chủ tịch UBND xã Huống Thượng, TP.Thái Nguyên cho biết: "Sau khi cầu Huống Thượng hoàn thành sẽ giúp thu hút các dự án đầu tư của tỉnh và TP.Thái Nguyên. Đồng thời tạo mọi điều kiện về giao thông để bà con đi lại thuận lợi cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản của địa phương. Ngoài ra còn tạo điều kiện kết nối vùng miền để bà con các địa phương khác giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương".

Ông Dương Quốc Hùng (xã Huống Thượng, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho hay: "Là một người dân sinh sống ở đây, tôi thật sự phấn khởi khi cầu Huống Thượng chính thức được thông xe. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cây cầu này giúp cho bà con chúng tôi có đường rộng và đẹp để đi lại thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Đây là niềm mơ ước từ hơn 10 năm nay của chúng tôi và bây giờ đã trở thành hiện thực".

Thông xe cây cầu lớn nhất Thái Nguyên, mở ra nhiều tiềm tăng phát triển kinh tế - xã hội địa phương - Ảnh 2.

Cây cầu Huống Thượng có chiều dài 380m với tổng mức đầu tư 466 tỷ đồng là cây cầu lớn nhất Thái Nguyên tính đến thời điểm này. Ảnh: Hà Thanh

Phát biểu tại lễ thông xe kỹ thuật, ông Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND TP.Thái Nguyên khẳng định, công trình xây dựng đường Bắc Nam - cầu Huống Thượng và đường Huống Thượng - Chùa Hang được đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng kết nối giao thông 2 bờ sông Cầu; khu vực trung tâm với khu vực phía Đông của thành phố giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông, từ đó góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong đô thị. Đồng thời, nâng cao mức độ an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông sẽ khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng đô thị hiện đại về khu vực phía Đông của thành phố, theo đúng với Quy hoạch chung của TP.Thái Nguyên đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm tăng sức hấp dẫn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20 và Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.Thái Nguyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem