Cuối năm 2007, một lần tình cờ lên mạng, anh Giang thấy nuôi trùn quế thu nhập cao, mà vốn bỏ ra không lớn. Vợ chồng anh mua trùn quế về nuôi thử ở vườn nhà, song hiệu quả không cao. Tìm hiểu, anh thấy nguyên nhân do đất ít mùn.
|
Anh Giang giới thiệu khu nuôi trùn quế của mình. |
Vợ chồng anh lên vùng đất mới (thôn Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông) thuê đất nuôi trùn quế. Với 150m2, năm đầu tiên trùn quế đã đem về cho vợ chồng anh hơn 20 triệu đồng. Trang trại của anh còn tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.
Giữa năm 2008, anh vay Ngân hàng Vietcombank 80 triệu đồng mở rộng quy mô nuôi trùn quế lên 600m2. Song không phải lúc nào công việc cũng suôn sẻ, trận lụt cuối năm 2008 và cơn bão đầu năm 2009 đã khiến vợ chồng anh tay trắng. Đầu năm 2010, anh xây dựng lại trang trại kiên cố để chống chọi với thiên tai.
Hiện nay, cứ hai tháng rưỡi, vợ chồng anh thu hoạch trùn quế một lần. Anh cho biết, trùn quế bán cho người nuôi tôm và cá cảnh, phân vi sinh bán để bón cho cây trồng. Không chỉ người dân địa phương, khách hàng từ Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng… cũng đến tận trang trại của anh để mua trùn quế và học hỏi kinh nghiệm nuôi.
"Kế hoạch của vợ chồng tôi là sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trùn quế và đào ao để nuôi cá để tận dụng nguồn thức ăn trùn quế có sẵn" - anh Giang tâm sự.
Văn Luận
Vui lòng nhập nội dung bình luận.