Thứ Bảy nông thôn mới ở một huyện có 6 cái nhất của tỉnh Lâm Đồng có gì mà ai cũng háo hức?

Văn Long - Khắc Tuấn Thứ tư, ngày 26/07/2023 06:06 AM (GMT+7)
Phát động, duy trì mô hình “Ngày thứ Bảy xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” hàng chục năm nay, hiện toàn huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.
Bình luận 0
Thứ Bảy nông thôn mới ở một huyện có 6 cái nhất của tỉnh Lâm Đồng có gì mà ai cũng háo hức? - Ảnh 1.

Ngày thứ Bảy nông thôn mới

Huyện Di Linh là huyện rất đặc biệt của tỉnh Lâm Đồng. Nói như ông Vũ Đức Nhuần – Phó Chủ tịch huyện Di Linh: "Huyện Di Linh có 6 cái nhất của Lâm Đồng đó là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất, tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh, sản lượng cà phê lớn nhất tỉnh, có số ao hồ lớn nhất tỉnh và huyện có nhiều đơn vị hành chính nhất tỉnh. Cái lớn nhất của tỉnh nữa là tỷ lệ hộ nghèo, nhưng điều này thì không ai muốn và chúng tôi luôn phấn đấu để giảm con số này".

Mô hình thứ Bảy xây dựng nông thôn mới độc đáo của huyện có 6 cái nhất của Lâm Đồng - Ảnh 1.

Huyện Di Linh là huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với khoảng 65.000 người. Ảnh: Khắc Tuấn.

Là huyện có tỷ lệ dân tộc thiểu số lớn nhất tỉnh, tuy nhiên, huyện Di Linh lại có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bởi bản sắc văn hóa đa dạng. 

Tại huyện Di Linh hiện nay có hơn 40% người dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống, có 65.000 người dân tộc thiểu số của 28 dân tộc trong cả nước. Huyện này được xem là cái nôi văn hóa của người K’ho tại Tây Nguyên.

Không chỉ đa dạng về văn hóa, người dân tộc thiểu số tại huyện Di Linh còn rất tích cực cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu mạnh. Nhiều người dân đã xung phong hiến đất, làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới cùng chính quyền sở tại.

Mô hình thứ Bảy xây dựng nông thôn mới độc đáo của huyện có 6 cái nhất của Lâm Đồng - Ảnh 2.

Mô hình "Ngày thứ Bảy xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đang phát huy hiệu quả rất tích cực tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Khắc Tuấn.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Đức Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho hay: "Đến nay, toàn huyện có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Đặc biệt, chúng tôi đã duy trì mô hình "Ngày thứ Bảy xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" hàng chục năm nay đã phát huy hiệu quả rất tốt. Theo đó, cứ thứ Bảy hàng tuần, từ thôn đến xã, huyện đều tổ chức các chương trình liên quan đến các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, lực lượng nòng cốt là đoàn viên thường xuyên vận động học sinh, đoàn viên trong huyện nhặt rác xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm.

Từ đó, cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm toàn huyện đã sạch đẹp, thông thoáng hơn trước, tình trạng rác thải đã được khắc phục, các trục đường chính của xã, thôn và đặc biệt trên 2 tuyến Quốc lộ 20 và 28 đã chuyển biến về cảnh quan, môi trường sạch, đẹp hơn trước, đây là thay đổi thực chất trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương".

Người dân đồng hành cùng địa phương

Trong khi đó, ông Phạm Thành Đồng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Di Linh nhận định, đồng bào người dân tộc thiểu số tại địa phương trong nhiều năm qua đã có nhiều chuyển biến trong việc đồng hành cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, hàng ngàn hộ dân tại huyện Di Linh đã hiến đất, làm đường xây dựng nông thôn mới.

Mô hình thứ Bảy xây dựng nông thôn mới độc đáo của huyện có 6 cái nhất của Lâm Đồng - Ảnh 3.

Nhờ có sự đồng hành của người dân, tự nguyện hiến đất làm đường mà chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Di Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Khắc Tuấn.

"Năm 2022, huyện Di Linh thực hiện có 22 công trình, dự án được người dân tự nguyện hiến đất để thực hiện. Ước tính, diện tích đất bị ảnh hưởng để thực hiện các dự án trên là khoảng 70ha. Trong vòng 5 năm qua, giá trị đất mà người dân đóng góp quy đổi ra tiền là khoảng 200 tỷ đồng. Việc người dân tự nguyện hiến đất để thực hiện các dự án trên đã giúp giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Không những thế, tinh thần tự nguyện của người dân còn thể hiện sự đồng thuận của người dân với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, góp phần rất lớn trong xây dựng nông thôn mới", ông Phạm Thành Đồng thông tin.

Mô hình thứ Bảy xây dựng nông thôn mới độc đáo của huyện có 6 cái nhất của Lâm Đồng - Ảnh 4.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên được xác định là nòng cốt, tiên phong trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Di Linh. Ảnh: Khắc Tuấn.

Tại tổ dân phố Ka Ming (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), người dân cũng đang rất phấn chấn khi con đường hàng chục mét nối ra trung tâm thị trấn đã thành hình, đang dần hoàn thiện những khâu cuối cùng. Trước đây, con đường này rộng chỉ hơn 3 mét người dân đi lại rất khó khăn, sình lầy vào mùa mưa nhưng rất bụi vào mùa khô. 

Sau đó, huyện Di Linh có chủ trương xây dựng, mở rộng, nâng cấp con đường theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, chính quyền địa phương bỏ vốn xây dựng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân hiến đất làm đường.

Khi dự án được phê duyệt, nhiều hộ dân dọc con đường này đã không đồng tình hiến đất làm đường bởi diện tích đất phải hiến quy ra tiền có giá trị hàng tỷ đồng. Trong khi đó, dọc con đường chủ yếu là dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cả hệ thống chính trị tại địa phương đã chung tay tuyên truyền, vận động người dân về những thuận lợi, lợi ích của việc xây dựng tuyến đường trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Mô hình thứ Bảy xây dựng nông thôn mới độc đáo của huyện có 6 cái nhất của Lâm Đồng - Ảnh 5.

Ông Phạm Thành Đồng (áo xám) đến vận động, tuyên truyền người dân hiến đất làm đường để làm đường nông thôn mới khang trang hơn. Ảnh: Khắc Tuấn.

Tại tổ dân phố Ka Ming, ông K’Gẹo – Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh) và ông Nguyễn Công Lành – Bí thư chi bộ tổ dân phố Di Linh Thượng 2 có nhà nơi con đường trên đi qua đã tiên phong hiến đất để dự án được triển khai sớm nhất. 

Sau khi hiến đất, các công trình hàng rào, cổng trên phần đất của nhà ông K’Gẹo, ông Lành được chủ đầu tư tháo dỡ để thi công đường. Cán bộ tiên phong, dự án được đẩy nhanh, vì vậy mà các hộ Ka Dốp, Mo Lom Bôs, K’Dực, K’Sôm... trước đây phản đối cùng hàng trăm hộ dân khác cũng lần lượt tháo cổng, hàng rào, kiến trúc của mình để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Trong giai đoạn 2025- 2030, huyện Di Linh sẽ tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường huyện, đường xã cùng với tuyến cao tốc Dầu Giây- Liên Khương (đoạn qua huyện Di Linh) nhằm tạo hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, rà soát, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường vào khu sản xuất tại các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo cơ bản việc vận chuyển vật tư hàng hóa, nông sản được thuận lợi dễ dàng, nhanh chóng.

Thứ Bảy nông thôn mới ở một huyện có 6 cái nhất của tỉnh Lâm Đồng có gì mà ai cũng háo hức? - Ảnh 7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem