Được trao bò giống, heo đen giống, người dân một xã ở huyện Lạc Dương của Lâm Đồng thoát nghèo

Văn Long Thứ tư, ngày 12/07/2023 08:08 AM (GMT+7)
Được hương dẫn cách làm ăn, hỗ trợ giống vật nuôi như bò giống, heo đen giống của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Hướng dẫn người dân cách thoát nghèo

Đạ Sar là xã miền núi, nằm ở phía Đông Bắc huyện Lạc Dương, dân số chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 82,8%). Người dân địa phương chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp như trồng cà phê, rau hoa, trồng cây hồng ăn trái, mắc ca.

Clip: Mô hình hướng dẫn cách làm ăn, giống bò giống, heo đen giống tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) giúp người dân thoát nghèo.

Ông Liêng Jrang Ha Thuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar cho biết, trước đây bà con nhân dân sản xuất theo tập quán canh tác cũ, kinh nghiệm sản xuất ít, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người dân địa phương cũng chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn khá cao.

"Nhờ sự quan tâm của UBND huyện, sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, năm 2022, xã Đạ Sar đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm giúp người dân giảm nghèo nhanh, bền vững. Nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ phát triển kinh tế dựa trên nhu cầu của người dân như: Hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Đặc biệt, các mô hình sản xuất giảm nghèo của xã đã đạt được hiệu quả giảm nghèo tối ưu như: Mô hình thâm canh cây cà phê, hỗ trợ nuôi bò sinh sản, heo sinh sản, nuôi dê", ông Liêng Jrang Ha Thuyên thông tin.

Được trao bò giống, heo đen giống, người dân xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) thoát nghèo - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân ở xã Đạ Sar được hỗ trợ sinh kế, trao heo giống, bò giống để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Ảnh: Văn Long.

Phóng viên được cán bộ xã dẫn đến nhà của chị Liêng Jrang Abel. Gia đình chị Liêng Jrang Abel năm 2020 được địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản theo diện hộ nghèo. Trước đây, gia đình chị Abel cũng có 2.000m2 đất trồng cà phê. Tuy nhiên, do sương muối tại địa phương cùng với việc không có vốn đầu tư sản xuất nên năng suất, thu nhập không được bao nhiêu. Vì vậy, hiện nay vợ chồng chị đã cho thuê lại mảnh đất trên với giá 14 triệu đồng/năm.

Được trao bò giống, heo đen giống, người dân xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) thoát nghèo - Ảnh 3.

Chị Liêng Jrang Abel cho những con bò của mình ăn. Ảnh: Văn Long.

"Hiện nay, chồng tôi đi làm nhiều thứ, tôi thì chăm mấy con bò. Được xã hỗ trợ 1 con bò sinh sản, nuôi được một thời gian thì gia đình tôi bán, mua lại được 2 con bò khác để nuôi. Hiện nay tôi vẫn đang nuôi tiếp để nhân giống thêm nhiều. Khi cần có việc gấp, việc lớn sẽ sử dụng đến. Hiện tại, tôi phải mua thêm rơm cuộn và trồng thêm cỏ tươi để cho bò ăn", chị Liêng Jrang Abel chia sẻ.

Giảm nghèo bền vững, đi vào các tiêu chí thực chất

Không chỉ có gia đình Liêng Jrang Abel, qua rà soát của xã Đạ Sar, trong năm 2022 có 24/54 hộ thoát nghèo, hộ nghèo chỉ còn 30 hộ, chiếm tỷ lệ 2%. Năm 2023, xã Đạ Sar phấn đấu để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn dưới 1% (tương đương giảm còn 12 hộ nghèo).

Cũng là một hộ nghèo được hỗ trợ heo đen sinh sản của địa phương, anh Kon Sơ Ha Sáu (ngụ thôn 6, xã Đạ Sar) cho hay: "Nhờ được chính quyền địa phương cấp 3 con heo đen sinh sản từ năm 2020 mà giờ gia đình chúng tôi đã có cả đàn heo con đang lớn rất nhanh. Heo đen này đẻ sai và dày, nếu chăm sóc tốt 1 năm chúng có thể đẻ 3 lứa nên hiệu quả khá tốt. Heo cứ lớn chút là người dân trong thôn, trong xã lại đến hỏi mua, từ đó nhà tôi có thêm thu nhập. Vừa qua, gia đình tôi cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà".

Được trao bò giống, heo đen giống, người dân xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) thoát nghèo - Ảnh 4.

Gia đình anh Kon Sơ Ha Sáu ngoài được hỗ trợ heo giống còn được hỗ trợ xây nhà mới để ổn định cuộc sống. Ảnh: Văn Long.

Nói về chương trình giảm nghèo bền vững tại địa phương tròn thời gian tới, Liêng Jrang Ha Thuyên cho hay, xã Đạ Sar sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào, vận động chung tay vì người nghèo để "không ai bị bỏ lại phía sau" nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

"Chúng tôi đặt ra mục tiêu phải giảm nghèo thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích. Trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo có công, hộ đăng ký thoát nghèo bền vững và cho thôn có nhiều hộ nghèo. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, khơi dậy, khuyến khích sự tích cực, chủ động của hộ nghèo, hộ cận nghèo trọng việc tham gia học nghề, tổ chức sản xuất, đăng ký thoát nghèo bền vững", ông Liêng Jrang Ha Thuyên nói.

Được trao bò giống, heo đen giống, người dân xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương) thoát nghèo - Ảnh 5.

Xã Đạ Sar đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững, thực chất. Ảnh: Văn Long.

Theo đánh giá của UBND xã Đạ Sar, đa số hộ nghèo tại địa phương là do không có tư liệu sản xuất, thiếu đất sản xuất, đông con, bệnh tật, già cả, neo đơn. Trong đó, một số tiêu chí cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thiếu hụt là: Chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà vệ sinh, trình độ giáo dục người lớn...Một số hộ nghèo tại địa phương còn lười lao động, trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Cuối năm 2022, xã Đạ Sar đã huy động được 700 triệu đồng tiền xã hội hóa làm mới 7 ngôi nhà, mỗi căn nhà trị giá 100 triệu đồng (mỗi hộ đối ứng 50 triệu đồng thông qua Mặt trận tổ quốc huyện hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng) và nhiều ngày công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem